Dẹp vi phạm quảng cáo, chuyện khó chưa dễ gỡ

Mặc dù đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng vụ cháy từ tấm biển quảng cáo ở quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người thiệt mạng vẫn là bài học đau lòng.

Dù sau rất nhiều lần cơ quan quản lý ra quân xử lý, nhưng những chiếc biển quá khổ che kín cả mặt tiền tòa nhà vẫn ngang nhiên tồn tại trên các con phố Tây Sơn, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Âu Cơ, Nghi Tàm… Xử lý dứt điểm vi phạm hoạt động quảng cáo, tạo bộ mặt văn minh cho đô thị vẫn còn là vấn đề gian nan.

Theo quy định của Luật Quảng cáo, việc đặt biển quảng cáo, băng-rôn, treo pa-nô... phải tuân thủ những quy định về địa điểm, về bảo vệ di tích, công trình lịch sử, văn hóa; không vi phạm quy định, ranh giới hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng, giăng ngang qua đường; phải tuân thủ quy định về quảng cáo của chính quyền các địa phương và quy chuẩn kỹ thuật. Trên thực tế, số trường hợp vi phạm là rất lớn. Rất nhiều DN, tổ chức, cá nhân không tuân thủ đúng các quy định về kích thước, vị trí, giấy phép.

Gian nan khi xử lý dứt điểm “rác trời”

Dạo qua các con phố từ khu vực trung tâm TP như đường Thái Hà, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch…, hoặc ở các khu vực ngoại thành như đường Âu Cơ, đường Nghi Tàm có thể thấy nhan nhản các biển bảng quảng cáo quá khổ của các mạng, các thương hiệu điện máy Trần Anh, FPT hoặc của các cửa hàng thời trang, gạch men cao cấp VITTO…

 Hàng loạt quảng cáo, biển hiệu trên các căn nhà ở đường Xã Đàn. Ảnh: Công Hùng

Năm 2017, được coi là năm cao điểm toàn TP ra quân xử lý biển bảng quảng cáo vi phạm, đặc biệt là biển bảng quảng cáo quá khổ. Cụ thể, tháng 3/2017, UBND TP Hà Nội chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP, tập trung vào nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm các bảng quảng cáo, biển hiệu quá khổ tại mặt tiền, mặt bên của các công trình, nhà ở và cơ sở kinh doanh.

Đến tháng 8/2017 lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý hơn 53.000 biển hiệu. Sở VH&TT Hà Nội cũng phối hợp với các cơ quan khác tháo dỡ hơn 300 biển vi phạm xây dựng, xử lý hàng trăm biển quảng cáo ở các khu vực nhà ở.

Thế nhưng, sau khi ra quân, vi phạm lại hoàn vi phạm. Ví dụ điển hình như năm 2017, TP đã tổ chức Đoàn thanh tra liên ngành đến nhắc nhở nhiều DN có vi phạm điển hình, như ở chi nhánh Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) số 34 Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), trên mặt tiền tầng 2 đang có 1 bảng quảng cáo có nội dung biển hiệu với diện tích lên tới 80,27m2. Tổ công tác liên ngành đã đề nghị Chi nhánh ngân hàng tháo dỡ bảng quảng cáo vi phạm này, nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Tại buổi kiểm tra này, Phó trưởng ban Thương hiệu, Khối thương hiệu truyền thông, VietinBank Kim Đức Thịnh thừa nhận hệ thống Ngân hàng Công Thương Việt Nam trên địa bàn Hà Nội có 254 biển hiệu, bảng quảng cáo, trong đó có 70 biển hiệu, bảng quảng cáo có kích thước trên 20m2. Vì thay thế đồng loạt sẽ tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh; nên đại diện ngân hàng đã hứa lộ trình thay thế trong năm 2018.

Thế nhưng, đến nay gần giữa năm 2019, Ngân hàng Công thương Việt Nam vẫn chưa nhúc nhích chỉnh sửa bất kỳ biển bảng quảng cáo vi phạm nào. Thế mới thấy, tình trạng chây ì của các DN đang là bài toán khó cho các cơ quan quản lý.

Tràn ngập biển chữ Tây, sai lỗi chính tả

Luật Quảng cáo quy định biển hiệu bắt buộc phải dùng tiếng Việt, trừ tên riêng, tên nhãn hiệu. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật Quảng cáo. Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan; biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ bằng 3/4 chữ Việt Nam. Thế nhưng trên thực tế, theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 110.000 biển hiệu thì đã có 50% biển hiệu cửa hàng sai phạm.

Vòng qua các con phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Ngân, Linh Lang… tràn ngập các tấm biển hiệu, quảng cáo bằng chữ Hàn, chữ Nhật để giới thiệu, quảng bá đủ thứ dịch vụ từ ăn chơi, giải trí, mua sắm, làm đẹp. Hầu hết người dân Hà Nội nhìn những tấm biển này hiểu rõ nội dung là gì.

Ở nhiều tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội như Hàng Bông, Nhà Thờ, Hàng Trống, trung tâm quận Hoàn Kiếm, các nhà hàng, khách sạn chủ yếu trưng biển tiếng Anh mà không có dòng chữ tiếng Việt nào. Lý giải điều này, chủ cửa hàng cho rằng để tiện cho người nước ngoài tìm và còn là chạy theo trào lưu “trông cho nó sang”. Các biển hiệu quảng cáo này chỉ dùng tiếng nước ngoài hoặc nếu dùng hai thứ tiếng thì chữ Việt thường bị lấn át về cỡ chữ.

Đó là chuyện của những cửa hàng lớn. Còn rất nhiều các cửa hàng nhỏ khác, có cách quảng cáo “choáng váng” kiểu như “Bún chả Sinh Từ chính hiệu lâu năm” kèm theo dưới là dòng chữ “Lưu ý: Cửa hàng kế bên mới mở”. Hay như “Đại hạ giá. Giá sốc tận óc”; “Hàng nhập khẩu từ Mỹ, giá Việt Nam”… Không chỉ gây “sốc tận óc” cho người qua đường đọc phải, rất nhiều biển hiệu quảng cáo còn sai chính tả, văn phạm kiểu như “xửa xe, vá xăm”, “sôi chả ruốc”, “mỳ sào”, “nem dán”. Tình trạng quảng cáo “tự phong” cũng xuất hiện nhan nhản với các tiêu chuẩn hàng đầu kiểu như “ở đâu rẻ nhất, chúng tôi rẻ hơn”, “xịn nhất Hà Nội”, rồi “gia truyền”, “chính hãng”, “Ăn được, ngủ được là tiên, không ăn được ngủ được trả lại tiền”…

Không dựa theo tiêu chí cũng chẳng qua cuộc bình chọn nào, những biển hiệu sai sự thật này xuất hiện vô tội vạ và ngày càng nhiều. Trong khi thực tế, chưa có tiền lệ xử phạt những kiểu biển hiệu như trên. Vậy nên, giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến, nhưng vẫn loạn ngôn ngữ quảng cáo biển hiệu.

Sau quy hoạch sẽ chấn chỉnh

UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1997/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050. Quy hoạch nhằm tạo cơ sở pháp lý để quản lý có hiệu quả và đồng bộ các hoạt động quảng cáo thương mại, tuyên truyền chính trị bằng bảng ngoài trời; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN khi tham gia hoạt động quảng cáo ngoài trời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời bám sát quy hoạch mặt bằng và kiến trúc đô thị của Hà Nội, nhất là các trục đường giao thông chính, các trục đường giao thông nội thành, các trung tâm thương mại, du lịch, vui chơi giải trí, các điểm tập trung đông dân cư, trung tâm văn hóa thể thao, khu dịch vụ công cộng, góp phần cải thiện diện mạo đô thị, phục vụ dân sinh. Hiện nay, Hà Nội đang từng bước thực hiện các giai đoạn mà quy hoạch quảng cáo đề ra, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc.

Trong đợt giám sát về tình hình quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP đầu năm 2019, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cũng nhận định để giải quyết dứt điểm những vi phạm, một mặt cần triển khai tốt các giai đoạn của quy hoạch, mặt khác UBND TP đã chỉ đạo Sở VH&TT ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng chức năng tổ chức thực hiện cấp giấy phép xây dựng đối với bảng quảng cáo, biển hiệu có diện tích trên 20m2; đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh kích thước, hình thức, vị trí của bảng, biển quảng cáo; xử lý nghiêm những vi phạm.

Với quyết tâm của UBND TP và các ngành chức năng, tình trạng lắp đặt các bảng, biển quảng cáo vi phạm quy định đang hy vọng sớm được xử lý triệt để. Ngoài ra, để hoạt động này đi vào nền nếp, cùng với việc giám sát của nhiều lực lượng, thì rất cần công bố công khai những điểm, khu vực được lắp đặt quảng cáo ngoài trời trên từng địa bàn, từ cấp phường tới quận để Nhân dân trên địa bàn giám sát và nếu có sai phạm sẽ phản ánh tới cơ quan quản lý có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Tuy nhiên, lợi nhuận từ quảng cáo rất khó để ước tính, chính vì vậy bên cạnh việc trông chờ ý thức của DN, cả các cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, thì cũng cần những biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.

"Hậu quả của việc lắp dựng bảng quảng cáo kích thước lớn có thể nhìn thấy rõ nhưng dường như các ngân hàng chưa thực sự quan tâm. Những vi phạm này không chỉ mất mỹ quan đô thị, đe dọa sự an toàn của mọi người xung quanh mà còn gây tổn thất đến chính các đơn vị nếu có sự cố xảy ra, đặc biệt là hỏa hoạn." - Bùi Minh Hoàng - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội

Tất cả các quốc gia đều có ngôn ngữ riêng và khi họ đi du lịch sang quốc gia khác mà thấy quốc gia ấy cũng có ngôn ngữ, chữ viết riêng nhưng lại quảng cáo bằng thứ ngôn ngữ của quốc gia khác sẽ làm cho họ thiếu tôn trọng chính người bán hàng bản địa. Còn đối với người trong nước, việc quảng cáo bằng tiếng nước ngoài tràn lan sẽ gây tự ái. Tình trạng này còn là sự đau buồn với một dân tộc, bởi chúng ta có chữ viết và ngôn ngữ mà phải dùng ngôn ngữ nước ngoài để quảng cáo. Các cửa hàng có ý định kinh doanh chỉ dành cho người nước ngoài vẫn có thể sử dụng cả hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Như vậy sẽ vừa thuận lợi cho người Việt cần mua quà tặng nào đó và là sự tôn trọng chính bản thân khách hàng, dù là người nước ngoài hay trong nước. Nếu coi thường ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc, vì lợi ích kinh doanh mà bất chấp thì rất phản văn hóa.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất