Thừa Thiên Huế: Chính quyền thị trấn dùng hồ sơ “ma” né bồi thường cho dân?

Cơ quan chức năng ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế) lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng trái pháp luật và hồ sơ này được dùng để né bồi thường khi thu hồi đất của dân.

Cán bộ không đến hiện trường vẫn ký vào biên bản

Trong đơn thư gửi đến Dân Việt, ông Nguyễn Văn Quang (50 tuổi, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) cho biết, gia đình ông có 2ha đất tại thôn Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc), trong đó đất ở 8.000m2, đất vườn 12.000m2. Khu đất này có trích lục gốc cấp năm 1936 và được gia đình ông sử dụng ổn định từ trước đến nay.

Trên khu đất có căn nhà được dựng từ hơn 100 năm trước và đã nhiều lần được sửa chữa nhưng không cơi nới. Sau khi kinh doanh kiếm được một số vốn, từ tháng 10/2013, ông Quang phát triển trồng trọt, chăn nuôi tại khu vườn của gia đình mình. Ông đầu tư 3,6 tỷ đồng để trồng cây, nuôi cá, gà, ếch, khỉ… tại đây. 

Chính quyền thị trấn Lăng Cô đã lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng trái pháp luật đối với công trình ngôi nhà và hồ cá của hộ ông Nguyễn Văn Quang. Ảnh: T.B.

Khi dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô được cấp phép, toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Quang thuộc diện bị thu hồi. Ngày 7/5/2018, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc ra Thông báo số 208/TB-PTQĐ về phương án bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản cho hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án. Theo văn bản này, ngôi nhà và hồ cá của ông Quang không nằm trong diện được bồi thường thiệt hại. Lý do là bởi các công trình này đã bị UBND thị trấn Lăng Cô đã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.

Điều lạ là, trước khi nhận thông báo của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc, ông Quang không hề hay biết việc UBND thị trấn Lăng Cô đã lập, ban hành các văn bản xử lý công trình của ông. Cất công tìm hiểu, ông bất ngờ khi biết thông tin vào ngày 29/12/2014 UBND thị trấn Lăng Cô đã lập biên bản vi phạm và ban hành Quyết định 205/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công công trình của gia đình ông. Tiếp đó, ngày 8/1/2015, UBND thị trấn Lăng Cô có Quyết định 03/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ các công trình này.

“Đây là các văn bản “ma”, được làm trái pháp luật khi có dự án khu du lịch nhằm né thực hiện bồi thường cho gia đình tôi. Trong ngày 29/12/2014 tôi không hề làm công trình gì cả. Trong biên bản vi phạm hành chính ngày 29/12/2014 không hề có số biên bản, không có chữ ký của tôi. Ngoài ra, cán bộ ký biên bản cũng không có mặt ở hiện trường” - ông Quang bức xúc.

Trong biên bản vi phạm có ghi “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, ông Nguyễn Văn Quang không thực hiện các yêu cầu nêu trên thì bị đình chỉ thi công xây dựng công trình”. Thế nhưng, ngay trong ngày 29/12/2014 ông Chủ tịch UBND thị trấn đã ban hành Quyết định 205/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công. Nếu tính 24 giờ kể từ khi lập biên bản thì Quyết định 205/QĐ-UBND phải ban hành sau ngày 30/12.  

Không đồng tình với  phán quyết của tòa                            

Bức xúc trước việc làm của chính quyền thị trấn, ông Quang đã khởi kiện yêu cầu TAND huyện Phú Lộc hủy toàn bộ hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với công trình của ông và tuyên bố hành vi hành chính của Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô và các cán bộ liên quan là trái pháp luật.

Ông Nguyễn  Văn Quang (ngoài cùng bên trái) và các cán bộ UBND thị trấn Lăng Cô liên quan đến vụ việc tại phiên tòa. Ảnh: Trần Hòe.

Đơn khởi kiện của ông Quang được TAND huyện Phú Lộc thụ lý. PV Dân Việt đã trực tiếp dự phiên tòa diễn ra vào chiều ngày 19/9. Tại tòa, công chức địa chính UBND thị trấn Lăng Cô là bà Võ Thị Trâm Anh thừa nhận đã ký biên bản vi phạm khi không có mặt tại hiện trường. Theo bà Trâm Anh, ông Phan Văn Hồng (nhân viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm của UBND thị trấn đã nghỉ việc) là người đã lập biên bản rồi đưa về UBND thị trấn cho bà ký vào.

Theo đại diện VKSND huyện Phú Lộc, biên bản vi phạm của UBND thị trấn Lăng Cô lập đối với công trình của hộ ông Quang không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, ông Quang không nhận được biên phản vi phạm, UBND thị trấn Lăng Cô lập biên bản và ban hành các quyết định nhưng ko gửi cho ông Quang biết. Đại diện VKSND huyện Phú Lộc khẳng định việc ông Quang yêu cầu tòa hủy biên bản và các quyết định là có căn cứ. Trên cơ sở đó, phía VKSND huyện đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Quang.

Tuy nhiên, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Quang. Cụ thể, HĐXX hủy các văn bản được ban hành không đúng quy định pháp luật gồm Quyết định 205/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công và Quyết định 03/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình của ông Quang.

Mặc dù khẳng định các văn bản trên của UBND thị trấn Lăng Cô được ban hành không đúng pháp luật nhưng HĐXX lại cho rằng hành vi hành chính của Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô và các cán bộ liên quan không trái pháp luật. Từ đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu của ông Quang về việc tuyên bố hành vi hành chính của những người trên trái pháp luật. HĐXX nhận định rằng, việc Chủ tịch thị trấn Lăng Cô và các cán bộ liên quan thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với ông Quang là… bảo đảm theo đúng trình tự thủ tục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng(!?).

Theo ông Quang, việc HĐXX khẳng định hành vi hành chính của Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô và các cán bộ liên quan trong vụ việc này không trái pháp luật là bất thường cho nên ông sẽ kháng cáo.

Giá bồi thường quá “bèo”

Theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ thiệt hại của UBND huyện Phú Lộc cho gia đình ông Quang, 1m2 đất nông nghiệp của gia đình ông được bồi thường 23.300 đồng, trong khi giá thực tế 1m2 đất ở thị trấn biển Lăng Cô đã khoảng 10 triệu đồng.

Dừa lùn nhưng được bồi thường dựa trên chiều cao thân cây nên quá thiệt thòi cho hộ  ông Quang. Ảnh: T.B.

Về cây trồng, khu vườn dừa xiêm lùn, cau lùn, xoài ghép… của gia đình ông cho hiệu quả kinh tế rất cao nhưng cũng được bồi thường giá rất “bèo”.

“Mỗi tháng chi phí thuê nhân công chăm sóc vườn cây đã tốn 10 triệu đồng. 5 năm qua, riêng tiền đầu tư vào cây trồng, chưa kể giống cũng như hệ thống tưới tự động, tôi đã tốn 600 triệu đồng. Vậy nhưng, theo phương án bồi thường hỗ trợ thì tiền bồi thường cây trồng chưa tới 300 triệu đồng”- ông Quang bức xúc.

Theo ông Quang, loại dừa lùn cao 1m của ông đã cho quả, mỗi quả có giá 40 nghìn đồng. Hơn 300 cây dừa lùn của ông nếu để đến cuối năm nay thu hoạch sẽ thu được không dưới 300 triệu đồng. Dừa lùn nhưng được bồi thường dựa trên chiều cao thân cây nên quá thiệt thòi cho ông. Hoặc như cây mãn cầu ghép Thái Lan, hiện tại giống cây bán ở Huế đã có giá 65 nghìn đồng/cây, các cây mãn cầu của ông đã cho quả nhưng chỉ được bồi thường… 12 nghìn đồng/cây.

“Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô không phải để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc mục đích đặc biệt khác. Để thực hiện đúng pháp luật, giá bồi thường về đất, tài sản trên đất phải để người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận, còn Nhà nước chỉ chấp thuận về chủ trương thu hồi đất”- ông Quang nói.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất