Alomuabannhadat – UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu, các đơn vị cần sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án: Cụm công nghiệp (CCN) Trảng É (huyện Cam Lâm), Tỉnh lộ 3, Bệnh viện Đa khoa Nha Trang và Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh.
Án binh bất động
Trong đó đặc biệt quan tâm phối hợp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, giá đất tái định cư, nguồn vốn thực hiện Dự án Tỉnh lộ 3 vì đây là dự án rất quan trọng, gắn với CCN Trảng É.
UBND huyện Cam Lâm thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân tiếp tục không hợp tác để giao cho nhà đầu tư CCN Trảng É.
Đối với Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh, các địa phương, đơn vị có liên quan phải quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất khu vực quy hoạch; giao UBND tỉnh và UBND TP. Nha Trang nghiên cứu phương án nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng và có giải pháp tránh lãng phí đất đai…
Phối cảnh trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa
Dự án Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh được UBND tỉnh ban hành quyết định cho phép lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất từ tháng 9/2014. Đến tháng 11/2014, UBND TP. Nha Trang đã có thông báo thu hồi đất với diện tích 126 ha tại khu vực đồng trũng, phía Nam đường Phong Châu.
Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có thông báo đồng ý chủ trương chấm dứt đầu tư dự án theo hình thức BT liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Nguyên nhân là vì trong thời điểm hiện tại tỉnh không cân đối được nguồn vốn và hình thức thực hiện dự án theo hợp đồng BT trước đây không còn phù hợp.
Dự án Tỉnh lộ 3 có tổng diện tích khoảng 22,63 ha với 571 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay, các ngành chức năng chỉ mới thực hiện kiểm kê 106 trường hợp. Hiện dự án đang vướng mắc về giá đất bồi thường, hỗ trợ và giá đất tái định cư.
Về Dự án Bệnh viện Đa khoa Nha Trang có diện tích 1,5 ha nằm trong Khu đô thị Mỹ Gia với tổng mức đầu tư hơn 355 tỷ đồng. Ngày 25/11/2019, dự án này đã được Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Vĩnh Thái bàn giao mốc giới cho Sở Y tế.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện nay, CCN Trảng É 1 có 5 nhà đầu tư thứ cấp xin vào, trong đó, 4 nhà đầu tư đang chờ quyết định chủ trương đầu tư; CCN Trảng É 2 hiện còn vướng 3 hộ không bàn giao mặt bằng.
Trung tâm hành chính... lãnh đạo tỉnh
Tháng 9/2012, Thủ tướng phê duyệt đồ án quy hoạch chung của TP Nha Trang đến năm 2025, xác định khu trung tâm hành chính mới của tỉnh Khánh Hòa rộng khoảng 35 ha.
Tháng 12/2013, HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua đề án chuyển các cơ quan hành chính tỉnh.
Đầu năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt đề án chuyển các cơ quan hành chính tỉnh.
Giữa năm 2015, Thủ tướng đồng ý cho Khánh Hòa đầu tư trung tâm hành chính tỉnh theo hình thức BT.
Ngay sau đó, UBND tỉnh đã công bố dự án Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh được xây dựng tại phía nam đường Phong Châu, thuộc xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang). Theo đó, sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật với diện tích 126ha và các trụ sở trong khu trung tâm hành chính (khoảng 35ha), gồm 101 đơn vị với diện tích xây dựng khoảng 146.000m2. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 5.534 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 2.646 tỷ đồng, chi phí đầu tư các công trình kiến trúc trong khu trung tâm khoảng 2.788 tỷ đồng, còn lại khoảng 100 tỷ đồng thực hiện tư vấn, khảo sát, quy hoạch...
Tháng 10/2015, UBND tỉnh đã chấp thuận cho liên doanh Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và Công ty CP Tập đoàn FLC đầu tư xây dựng trung tâm hành chính mới theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo đó, Công ty Phúc Sơn sẽ được giao 62 ha đất sân bay Nha Trang cũ - là phần đất tạm tính mà UBND tỉnh Khánh Hòa quy đổi để doanh nghiệp này giải phóng mặt bằng, san lấp, đầu tư hạ tầng khung, xây dựng đường giao thông cùng một số công trình khác tại khu đô thị hành chính mới. Về Công ty FLC, sẽ được giao các khu đất vàng là trụ sở của các cơ quan Tỉnh ủy, UBND tỉnh để khai thác, hoàn vốn đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn được tỉnh cho thuê toàn cụm khu nhà ở thương mại - dịch vụ - văn phòng rộng 89 ha để kinh doanh trong 50 năm.
Khu đất vàng có nguồn gốc từ dự án BT trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa đã về tay Tập đoàn Bảo Sơn
Tuy nhiên, tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các địa phương tạm dừng triển khai đầu tư xây trung tâm hành chính tập trung, kể cả các địa phương đã được Thủ tướng đồng ý cho lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Sau đó, tỉnh Khánh Hòa tạm dừng việc triển khai trung tâm hành chính mới cho đến nay.
Điều đáng nói là dù không triển khai trung tâm hành chính mới nhưng tỉnh Khánh Hòa vẫn "kiên quyết" giao khu đất vàng hơn 62 ha đất sân bay Nha Trang cũ nêu trên cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn và đổi lại, tập đoàn này thực hiện các dự án BT khác gồm: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; Dự án Đường vành đai kết nối Nút giao Ngọc Hội và dự án Nút giao Ngọc Hội.
Tuy nhiên cả 3 dự án giao thông này đều chậm tiến độ, trong khi đó Tập đoàn Phúc Sơn đã làm hạ tầng dự án Trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ tài chính - du lịch Nha Trang với quy mô 1.300 lô đất ở và hàng trăm lô biệt thự đơn lập trong quỹ đất được giao ở sân bay Nha Trang.
Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân chính khiến loạt cán bộ cấp cao nhất của tỉnh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hồi tháng 9/2019.
Bởi theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương một trong các vi phạm lớn của UBND tỉnh Khánh Hòa là các dự án BT đổi nhiều "đất vàng" lấy công trình hạ tầng nhưng không đấu thầu, đấu giá đất theo quy định pháp luật, gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước rất lớn.
Theo thống kê, Khánh Hoà có 22 dự án BT, trong đó 17 dự án đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư và 5 dự án đã được tỉnh phê duyệt nhưng chưa ký hợp đồng thực hiện, trong số này có 3 dự án đặc biệt gây bức xúc trong dư luận khi các nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất "vàng" có giá trị thị trường rất lớn, đó là: Dự án BT Trường Chính trị của CTCP Thanh Yến, dự án sân bay Nha Trang của Phúc Sơn và Trường Cao đẳng Nghề của Vinaminco.
theo CafeLand