Giằng co phản biện dự án lấn sông Hàn

Alomuabannhadat – Ngày 07-5, UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị Phản biện dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng, với sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện chủ đầu tư cùng báo giới, nhằm ghi nhận những ý kiến từ cộng đồng và giới chuyên môn về dự án. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của giới chuyên môn đều thể hiện sự dè dặt khi đánh giá về dự án, nhất là những ảnh hưởng tiếp sau với tâm lý của các nhà đầu tư tại địa phương.

Cảnh quan sông Hàn qua thiết kế của các dự án ven bờ.

Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng, cho rằng những xôn xao về mặt dư luận xung quanh dự án Marina Complex và dự án Olalani cần được phản biện tích cực, khoa học của các nhà chuyên môn để tránh những hiểu lầm về chủ trương của chính quyền đưa ra.

Dự án này đã triển khai 10 năm, đã nhiều lần được đánh giá phản biện từ cộng đồng xã hội, nay lại một lần nữa có ý kiến phản đối. Do đó, những góp ý từ các nhà chuyên môn sẽ một lần nữa định vị rõ ràng, hiệu quả các dự án mang lại cũng như những cảnh tỉnh cần thiết về quy hoạch phát triển bền vững hai bờ sông Hàn thuộc đô thị Đà Nẵng.

Bên đề nghị dừng

Cảm nhận đầu tiên tại hội nghị phản biện là thái độ căng thẳng của dư luận thông qua sự hiện diện của đông đảo báo giới, và các nhà hoạt động xã hội, môi trường tại Đà Nẵng. Phần lớn phát biểu của những đại diện này đề nghị phải dừng dự án, bởi những tác động đến dòng chảy tự nhiên của sông Hàn và phá vỡ mỹ quan đô thị.

Ông Bùi Văn Tiếng, Phó chủ tịch không chuyên trách UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng, cùng một số nhà kiến trúc và hoạt động môi trường nêu rõ ý kiến, đề nghị dừng các dự án có biểu hiện “lấn sông” ảnh hưởng dòng chảy. Với dự án bến du thuyền Marina Complex, ông Tiếng khẳng định có những tác động không tốt đến cảnh quan đô thị sông Hàn, cần được khảo sát lại để điều chỉnh dự án hợp lý hơn.

Ông Hoàng Sừ, kiến trúc sư đưa ra thông điệp cảnh báo, rằng nếu không có sự cân nhắc hợp lý, trong tương lai sẽ có những thảm họa môi trường dọc hai bờ sông Hàn khi tình trạng xây dựng kiên cố và lấn chiếm lòng sông tiếp tục diễn ra.

Tuy nhiên, khác với thái độ của các nhà hoạt động xã hội, ý kiến từ giới quy hoạch chuyên môn, các đơn vị tư vấn thủy lợi đều thể hiện sự ngập ngừng.

Theo một số ý kiến, báo cáo đo đạc đều cho thấy, ngay trong mùa lũ, ảnh hưởng dòng chảy tại vị trí dự án đều không quá lớn, mức độ nước lũ dâng lên chỉ từ 0,5 – 0,6 mét so với cao trình bình thường. Như vậy, tác động của các dự án với sông Hàn không quá lớn. Với thực tiễn này, các nhà khoa học đều tỏ quan điểm chỉ nên lưu ý, thận trọng khi thực hiện các dự án, chứ không có cảnh báo nghiêm trọng nào.

Phía chủ đầu tư dự án Marina Complex nêu quan điểm phản đối những dư luận trái chiều và thiếu cơ sở khoa học. Cho đến nay, dự án tuân thủ đầy đủ những yêu cầu giám sát, báo cáo đánh giá tác động môi trường, được chấp thuận của tất cả cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Do đó, yêu cầu dừng dự án chỉ vì một số dư luận lo lắng là cần cân nhắc, để không làm ảnh hưởng nhà đầu tư, cùng quyền lợi cộng đồng người dân liên quan.

Bên nói không ảnh hưởng

Góp ý tại hội nghị, ông Huỳnh Việt Thành, nguyên Phó giám đốc sở Xây dựng Đà Nẵng, một trong những thành viên tham gia quy hoạch hai bờ sông Hàn trước đây, cho rằng việc phản biện với một dự án bên sông Hàn cần nhìn nhận khách quan rộng mở hơn.

Ông Huỳnh Việt Thành, nguyên Phó giám đốc sở Xây dựng Đà Nẵng: Dự án Marina Complex không phải là vấn đề lớn với sông Hàn.

Dự án này, theo ông, không gây ảnh hưởng gì đến lưu lượng dòng chảy phía thượng nguồn hay nguy cơ gây lũ lụt cho hạ lưu dòng sông. Điều đáng quan tâm, là nhà quản lý cần chú ý những vấn đề trị thủy tầm vóc hơn, như các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn, việc quy hoạch dọc sông Thu Bồn.

Ông Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Đà Nẵng, cũng cùng quan điểm, cho rằng không nên “sổ toẹt” quá khứ. Đà Nẵng đã có hơn 20 năm phát triển đô thị với sông Hàn, nên đòi hỏi giữ nguyên hiện trạng dòng sông là khiên cưỡng. Quá trình đó đã có những mắc míu về quy hoạch, cần ghi nhận đúng từng thời điểm để điều chỉnh tốt hơn.

Theo ông Chung, nên có sự thẩm tra nghiêm túc để bảo vệ dự án cho nhà đầu tư, tránh những dư luận sai lệch về chủ trương thu hút đầu tư của chính quyền.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, cho rằng mọi sự phát triển đều có sự đánh đổi nhất định, cần mạnh dạn thấy mức độ đánh đổi đó ra sao.

Theo ông Thiên, không nên phát triển bằng mọi giá, nhưng cũng không thể vì một số quan điểm tiêu cực mà triệt tiêu sự phát triển. Các dự án ven bờ sông Hàn, vì thế cần được triển khai với sự tôn trọng những cơ sở dữ liệu khoa học, khách quan, và tiếp thu những phản biện tích cực từ xã hội.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Ồn ào lấn sông Hàn, im lặng lấp sông Cu Đê
Dự án Bất động sản và bến du thuyền lấn sông Hàn: Doanh nghiệp muốn đổi ‘đất vàng’
Phản biện dự án lấn sông Hàn: Tranh cãi trái chiều về việc dừng hay tiếp tục thực hiện
Từ việc lấn sông Hàn: Nguy cơ phát “bệnh” rà soát, chấn chỉnh dự án
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý việc lấn sông Hàn
Dự án lấn sông Đà Nẵng: Dư luận đã thái quá ?
Dự án lấn sông Hàn không thông qua đấu giá
Lấn sông Hàn phân lô bán nền