Hà Giang tính bán đất xây trụ sở: Không thể tiêu hoang!

"Tôi rất ngạc nhiên, vì chúng ta đang cố gắng siết chặt tài khóa, tiết kiệm chi tiêu nhưng lại tạo ra một kẽ hở vô cùng nguy hiểm".

Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) khẳng định, ngân sách không hỗ trợ Hà Giang xây trụ 692 tỷ đồng, lãnh đạo Hà Giang muốn xin bán đất xây trụ sở, PGS.TS Lê Cao Đoàn lo ngại về một biến thể nguy hiểm mới trong đầu tư hạ tầng.

Trụ sở HĐND - UBND tỉnh Hà Giang

Đừng trông vào đất

PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, quyết định không dùng tiền ngân sách để xây trụ sở địa phương nhưng lại để ngỏ quyền được sử dụng đất cho địa phương chính là tạo ra một khoảng rộng lớn hơn cho địa phương.

"Khi ngân sách trung ương đang rất khó khăn, không còn tiền để hỗ trợ, nếu nói Hà Giang tự cân đối không khác nào nói "ai có tiền thì cứ làm", ai có đất thì cứ bán.

Lâu nay có tình trạng nhầm lẫn rất nghiêm trọng trong tư duy phát triển. Địa phương nào cũng cho rằng xin tiền ngân sách thì mới đáng ngại, còn mang đất đi bán thì không có gì đáng ngại cả.

Vì thế mới có tình trạng địa phương nào cũng xin làm trụ sở, xin tiền không được thì tính chuyện đổi đất.

Có lẽ, trường hợp của Hà Giang cũng vậy. Đây là tâm lý tất cả đều có tại sao mình không có? Lý lẽ xây trung tâm hành chính để các cơ quan tập trung về một chỗ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khai thác các quỹ đất cũ, nâng giá trị các khu đất đẹp, giúp Hà Giang thu hút được nhiều nguồn đầu tư, kinh tế phát triển, người dân đỡ khổ hơn có thể chỉ là cái cớ. Mục đích thực sự dường như vẫn quanh quẩn ở đất.

Tình trạng này phải chấm dứt, vì đất cũng chính là tài sản, là tiền của dân, đất không phải là nguồn thu địa phương tự có, do đó, không thể tùy tiện sử dụng được", PGS Lê Cao Đoàn thẳng thắn.

Vị PGS lo ngại, việc cho phép địa phương được sử dụng quỹ đất để phục vụ đầu tư phát triển sẽ khiến địa phương càng mạnh dạn hơn trong việc bán đất, xây đô thị, khiến trào lưu xây trụ sở có nguy cơ bùng nổ, tình trạng tham nhũng, lãng phí ngày càng phức tạp hơn.

"Tôi rất ngạc nhiên, vì chúng ta đang cố gắng siết chặt tài khóa, tiết kiệm chi tiêu nhưng lại tạo ra một kẽ hở vô cùng nguy hiểm.

Từ chỗ khước từ một đề nghị có tính chất chặt chẽ về mặt tiền nong (ngân sách cấp tiền cho địa phương xây trụ sở) để chuyển sang một cơ chế, một hình thức chi tiêu nhiều kẽ hở, thiếu chặt chẽ, dễ bị biến hóa là đất (giao địa phương quyền tự chủ, tự quyết định, tự cân đối nguồn thu - chi, sử dụng quỹ đất cũ để làm trụ sở).

Theo tôi, việc này còn nguy hại hơn rất nhiều. Đất đai luôn là lĩnh vực có nguy cơ thất thoát, tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng nhất", ông Đoàn cảnh báo.

Không thể tiêu hoang

Nhận định thêm về hiện tượng đua nhau xây trụ sở, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng đó là do tư duy nhiệm kỳ, do chạy đua theo phong trào, do cơ chế tính GDP của Việt Nam và còn có cả lợi ích... Tất cả những yếu tố trên đã khuyến khích các địa phương chạy theo dự án, chạy theo công trình để trục lợi.

Ông cho biết, thời gian qua, vấn đề quản lý tài khóa ngân sách đã bộc lộ nhiều kẽ hở dẫn tới tình trạng chi tiêu ngân sách bừa bãi, lãng phí. Nhiều tượng đài, quảng trường nghìn tỷ đua nhau mọc lên. Địa phương nào cũng xin, cũng muốn làm, ngân sách trung ương không còn nguồn dành cho đầu tư phát triển.

Do đó, để chấm dứt tình trạng trên, vị PGS kiến nghị, ngân sách chỉ dành để đầu tư phát triển, đầu tư vào sản xuất, không thể cào bằng, ai xin cũng cho như trước đây nữa.

"Kế hoạch chi tiêu phải được ưu tiên theo cấp độ, ngành nào cần được ưu tiên trước phải dành nguồn lực cho ngành đó trước. Nếu tiếp diễn tình trạng phát triển cào bằng theo kiểu tỉnh nào cũng muốn ưu tiên, ngành nào cũng muốn ưu tiên thì không thể phát triển được", ông Đoàn nói thẳng.

Riêng về việc sử dụng đất, PGS Lê Cao Đoàn cho rằng, quan trọng nhất là phải khẳng định được tính cần thiết của dự án. Trong trường hợp, địa phương thiếu trường học, thiếu đường xá, bệnh viện mà thiếu tiền đầu tư, có thể cho phép được sử dụng quỹ đất địa phương để thực hiện kêu gọi đầu tư.

Tuy nhiên, trong bối cảnh địa phương còn nghèo, các công trình phục vụ an sinh, xã hội đều thiếu thốn mà bán đất để đầu tư trụ sở là không phù hợp và phải được cân nhắc.

"Cần phải lưu ý, các nhà đầu tư không đến Hà Giang chỉ vì có trụ sở to, hoành tráng, họ đến Hà Giang là vì một xã hội phát triển, một nền kinh tế vững mạnh. Vì thế, tài sản đất cũng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, không thể tùy tiện tiêu hoang", ông Đoàn chỉ rõ.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm