Hàng quán kéo vào công viên, chính quyền ở đâu?

Không chỉ những công viên (CV) lớn ở TPHCM như Lê Thị Riêng, Gia Định, Phú Lâm, Tao Đàn, Thảo Cầm Viên… bị “xẻ thịt” để làm nơi kinh doanh, hiện nay một số công trình trọng điểm và CV nhỏ được quy hoạch để phục vụ đời sống tinh thần cho người dân cũng trở thành mặt bằng kinh doanh tự phát của nhiều hộ dân.

Phố bộ hành ngập hàng rong

Đại diện Ban Quản lý CV Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ (gọi tắt là Ban Quản lý) cho biết, tại phố bộ hành Nguyễn Huệ phát sinh tình trạng kinh doanh, buôn bán từ khi tuyến phố này mới được đưa vào sử dụng. Trong các cuộc họp và báo cáo hàng quý, Ban Quản lý đã nhiều lần kiến nghị TP có giải pháp căn cơ, nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến.

Đầu tháng 8-2018, trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ, có giao Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu, đề xuất quầy bán hàng tự động, khu vực ẩm thực đường phố… để phục vụ người dân. Đến nay, phố ẩm thực, máy bán hàng tự động chưa thấy đâu, còn hàng rong kéo đến buôn bán tự do ở khắp phố.

Nói đến thực trạng trên phố bộ hành Nguyễn Huệ, đại diện Ban Quản lý còn bức xúc khi sự phối hợp giữa lực lượng của Ban Quản lý và chính quyền địa phương không đồng bộ.

Vị này cho biết: “Ban Quản lý có 18 nhân viên bảo vệ, dù buổi tối phân công 12 bảo vệ nhưng với chiều dài 780m, rộng 64m và có hàng ngàn người tập trung về đây mỗi tối thì bảo vệ chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cũng đã không xuể. Lực lượng bảo vệ chỉ đẩy đuổi các hộ bán hàng rong, chứ không có chức năng xử lý nên không đủ sức răn đe. Nhiều lần lực lượng của chúng tôi chủ động đăng tải tình hình hàng rong tràn vào phố trên kênh kết nối chung với chính quyền địa phương để mong muốn họ cử cán bộ xuống hỗ trợ, xử lý nhưng phía địa phương… im lặng”.

Trong khi đó, ông Võ Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, cho rằng theo Quyết định 1655/QĐ-UBND của UBND TPHCM và Quy chế Quản lý CV Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ thì trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong nội quy khu vực CV thuộc về Ban Quản lý. UBND phường Bến Nghé chịu trách nhiệm quản lý các nhánh đường xung quanh khu vực và phối hợp với lực lượng khác xử lý khi có vi phạm.

Công viên nhỏ bị bỏ quên

CV ngã 3 An Phú (quận 2) được cải tạo từ khoảng đất dự trữ của nút giao thông An Phú, khi đưa vào sử dụng, người dân ở khu vực này rất phấn khởi. Thế nhưng chức năng tạo môi trường khu vui chơi chưa tồn tại bao lâu, CV đã nhanh chóng bị chiếm dụng để kinh doanh. Ban đầu, các hộ kinh doanh dịch vụ trò chơi trẻ em như xe hơi, xe máy, xe xích lô… chiếm dụng.

Thời gian gần đây, CV còn “gánh” thêm các quán bán đồ ăn, thức uống. Khách hàng vô tư bước vào thảm cỏ ngồi ăn uống, rác rến được xả thẳng xuống cỏ. Phía UBND phường An Phú cho rằng, khu đất này là của doanh nghiệp xây dựng theo văn bản của quận nên phường không nắm được.

Tương tự, khi phóng viên liên hệ với UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) về tình trạng người bán hàng rong trải bạt cho thực khách nhậu nhẹt, hút thuốc ngay trong khu vui chơi trẻ em (đường Võ Văn Kiệt), ông Đỗ Đình Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường nói rằng để kiểm tra lại và sau đó thông tin phường sắp ra quân xử lý. Như vậy, hơn 1 năm qua, chính quyền địa phương không hề biết đến việc khu vui chơi của trẻ em đã bị chiếm dụng để người lớn ăn nhậu, hút thuốc, văng tục… Nội quy nơi đây có ghi rõ nghiêm cấm hút thuốc lá và mang đồ ăn, thức uống vào khu vui chơi, nhưng chỉ đến khi người dân phản ánh, báo chí tìm đến thì địa phương mới rục rịch ra quân!

Người lớn vô tư ăn nhậu tại khu vui chơi trẻ em (đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1)
 
Riêng CV ở đường Phan Huy Thông (phường 7, quận Gò Vấp) trước đây từng là dòng kênh ô nhiễm. Sau khi được cải tạo thành cống hộp và mở đường lớn, một phần diện tích ở giữa đường được quy hoạch thành CV để phục vụ người dân. Sau nhiều năm rơi vào tình trạng vắng vẻ, là điểm người dân xả rác thì thời gian gần đây CV lại trở thành điểm các hàng quán kê bàn ghế ra kinh doanh.

Phía UBND phường 7 cho rằng, công tác quản lý khó khăn ở chỗ CV này trước đây thuộc sự quản lý của Xí nghiệp Z751 và theo quy hoạch thì từ đầu năm 2018 bàn giao về cho phường, song từ đó đến nay, phường vẫn chưa nhận được văn bản bàn giao chính thức. Và thực tế, CV trên đường Phan Huy Thông vẫn tiếp diễn tình trạng bị chiếm dụng để kinh doanh, nhất là vào mùa hè.

Có thể thấy, việc nhà nước nỗ lực cải tạo diện tích đất công, đất dự trữ thành CV, tạo môi trường vui chơi giải trí cho người dân là có, song nhiều địa phương lơ là quản lý khiến những CV ấy rơi vào tình trạng sử dụng sai mục đích, gây bức xúc trong nhân dân.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Ngày 11/12: Giới thiệu dự án Vinwonders
Sức sống mới kiến tạo giá trị khu đô thị Gem Sky World
Ecopark chi nghìn tỷ, làm công viên riêng biệt cho 2 tòa tháp “thiên nhiên” nhất khu đô thị
Biệt thự hình hộp mang đủ hương sắc Sài Gòn giữa lòng Quận 3
Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư phát triển công nghiệp xanh
Ưu điểm và bảng giá lưới B40 mới nhất
Triển khai dự án căn hộ hạng sang đầu tiên trong siêu đô thị lớn nhất Hà Nội
Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên: Bài học quyết tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Chuyên gia nói gì về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa
Thanh tra TPHCM kiến nghị xử lý việc “xẻ thịt” đất công viên ở Quận 9