Hà Nội luôn xác định mục tiêu xây dựng Thủ đô thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, xây dựng môi trường sống tốt nhất, người dân được sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao… Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.
Từ hành trình “Xanh” hóa phố phường…
Hơn 2 năm kể từ khi chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016 - 2020) do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khởi xướng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều tuyến phố đã được khoác lên mình tấm áo xanh mướt khiến cho Thủ đô ngày càng xanh – sạch – đẹp và trở nên hấp dẫn, đáng sống hơn.
Nhìn vào hàng cây phượng đỏ được trồng ở giải phân cách trên tuyến đường Xã Đàn, anh Nguyễn Văn Thanh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng đi qua tuyến đường này, chứng kiến hàng cây phượng từ khi mới trồng còn là những cành “khô”, khẳng khiu đến khi cây xanh lá tôi cảm thấy rất vui mừng.
Những hàng cây “khô” ngày nào, từng ngày, dưới sự chăm sóc của các nhân viên công ty cây đã bắt đầu đơm những lá non xanh đầu tiên. Đến bây giờ, hàng phượng lá đỏ tươi tốt đã mang đến một không gian đẹp, lãng mạn chẳng khác gì Châu Âu giữa lòng Hà Nội.
Đặc biệt,với việc trồng đan xen giữa phong lá đỏ và các loài cây khác như đại hoa đỏ, dâm bụt, tường vi và một số loại cây mỏng như chuỗi ngọc, lài, mẫu đơn, bạch trinh... đã làm thay đổi mỹ quan, đem đến một diện mạo mới, sức sống xanh cho hai tuyến phố.”
Những con đường rợp bóng cây xanh hiện thân của thành phố văn minh, xạnh, sạch, đẹp. ảnh Minh Phương.
Cũng tương tự, trên con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiều dài 10,5km cũng đã ngập tràn sắc xanh với hàng nghìn cây đang phát triển tươi tốt. Phủ bóng hai bên đường là những hàng bằng lăng và dừa cảnh thẳng tắp, khu vực thảm cỏ giữa dải phân cách được trồng hàng nghìn cây các loại như hoa ban, long não…đã và đang tạo thành điểm nhấn về sắc xanh nơi cửa ngõ Thủ đô. Trên tuyến Đại lộ Thăng Long, những hàng cây cọ dầu cũng đang ngày càng phát triển.
Chỉ một thời gian ngắn nữa, trục đường này sẽ có diện mạo mới khi 45.000 cây bóng mát được trồng sẽ biến 98ha đất trống ở Đại lộ Thăng Long thành một cánh rừng nối dài từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Tại đường Võ Chí Công dài hơn 4km, cũng được trồng toàn bộ hoa phượng.
Bên canh đó, còn rất nhiều tuyến đường trong nội thành được trồng mới hàng nghìn cây xanh với đa dạng các loại cây đang phát triển tốt như đường Văn Cao, Tôn Thất Thuyết, Phạm Văn Bạch, Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Hoàng Văn Thụ, Khâm Thiên, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt…
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, lũy kế đến tháng 6/2018, toàn thành phố đã trồng mới được 837 nghìn cây xanh đạt 83,7% mục tiêu chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh trên 120 tuyến phố, tuyến đường của Thủ đô Hà Nội.
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước thành phố Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hiệp hội công viên cây xanh Việt Nam tổ chức, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, với mục tiêu xây dựng một thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Hà Nội đã xác định phát triển năng lượng xanh, môi trường xanh, trồng mới cây xanh là nhiệm vụ chính trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.
Những chính sách và tư duy mới
Việc thực hiện lắp đặt thùng rác hiện nay để tăng cường thêm thiết bị thu chứa rác nhằm đảm bảo thu rác văn minh theo phương châm 4 kín “Bỏ rác vào túi kín – Thùng thu chứa kín – Xe vận chuyển kín – Điều độ phương tiện mạch vòng khép kín”, đồng thời tạo điều kiện để người dân có nơi bỏ rác đúng giờ đúng nơi quy định.Cùng với tập thể cán bộ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, những năm vừa qua cũng đánh dấu bước chuyển mình đáng kể của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO Hà Nội). Để từng bước đáp ứng yêu cầu “đặt hàng” của UBND Thành phố, bên cạnh công tác xây dựng tác phong chuyên nghiệp trong công việc, nhằm đáp ứng nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo Thành phố sạch hơn, văn minh hơn, hiện URENCO Hà Nội đang cho triển khai lắp đặt hàng loạt thùng rác mới tại các phường thuộc 4 quận trung tâm.
Dân số đông, lượng rác thải ra hàng ngày lớn (mỗi ngày thải lượng rác sinh hoạt khoảng 5.400 tấn, cao điểm tới hơn 7.000 tấn ở 30 đơn vị hành chính) luôn là một áp lực không nhỏ đối với môi trường Thủ đô. Nếu như trước đó, việc thu gom rác được thực hiện thủ công vào giờ cao điểm, phương tiện thô sơ, vừa gây mất mỹ quan, vừa ô nhiễm môi trường. Để cải thiện tình trạng này, Hà Nội đã đầu tư cho việc cơ giới hóa thu gom rác thải, nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố.
Nhờ có sự đồng bộ trong trồng cây xanh các tuyến phố đã giữ được độ xanh, hạn chế tiếng ồn và theo tính toán của các nhà khoa học, khi trồng cây xanh, 2 năm đầu tiên cho 3-5m2 cây xanh, sau 5 năm, có từ 15-18m2 và 10 năm là 25-30m2 cây xanh.
Như vậy, với 1 triệu cây xanh được trồng mới, sau 5 năm Hà Nội có ít nhất 15-20 triệu m2 cây xanh, phấn đấu đến năm 2030 Hà Nội sẽ đạt tỷ lệ cây xanh 8m2/đầu người.
Có thể thấy, sau hơn 2 năm thực hiện, với phương trâm “4 kín” mô hình cơ giới hóa thu gom rác của URENCO tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Triển khai thu rác bằng xe cơ giới tăng năng suất, hiệu quả lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí. Quy trình thu gom, vận chuyển rác được rút ngắn, xóa bỏ hoàn toàn các điểm tập trung rác thải gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Việc cho rác vào túi ni lông buộc kín, tập kết tại một địa điểm đúng giờ quy định rồi thu gom thể hiện sự văn minh, khoa học. Như vậy, với mô hình thu gom rác này, vệ sinh đường phố được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nhắc đến nỗ lực của tập thể cán bộ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội trong việc giữ gìn những “lá phổi xanh” của Thủ đô. Hằng ngày vẫn tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm, bác Trần Mạnh Thực, cư trú tại phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, từ khi thành phố cải tạo nạo vét hồ Hoàn Kiếm, người dân vẫn luôn theo dõi và đánh giá cao quá trình này. Công ty đã cẩn thận lựa chọn từng phương pháp khi nạo vét từ xa đến gần bờ để không làm hỏng bờ kè, ảnh hưởng đến môi trường thủy sinh...
Từ thành công đó, đến nay mô hình nạo vét này đã được nhân rộng trên nhiều hồ khác. Theo ông Bùi Ngọc Uyên - Phó Trưởng phòng đối ngoại truyền thông Công Ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nhân rộng mô hình này, hiện Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đang cải tạo, gìn giữ và bảo vệ chất lượng nước tại hồ Văn Quán, hồ Võ, hồ Đền Lừ…
Cùng với đó, công ty vẫn tiếp tục duy trì xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm Redoxy - 3C và duy trì vệ sinh môi trường hồ hằng ngày, chăm sóc bè thủy sinh, vận hành máy sục khí ở 122 hồ trong nội thành. Sau xử lý, nước ở các hồ đã hết mùi khó chịu, không còn tình trạng ô nhiễm hữu cơ… Sau 1 năm thử nghiệm chế phẩm Redoxy - 3C, chẳng những các hồ nước hết ô nhiễm mà hệ sinh thái thủy sinh, trong đó hàm lượng chất hữu cơ sau xử lý đều có xu hướng tăng lên.
Tuy nhiên, công ty cũng cho biết 44 hồ được “giải cứu” bằng chế phẩm có tình trạng tái ô nhiễm vì không được vận hành theo quy trình đã khuyến cáo; một số hồ vẫn tiếp nhận các nguồn ô nhiễm thải ra. Để giải quyết cơ bản tình trạng này, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang đề nghị thành phố lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ tại cửa cống xả vào các hồ nước; xây dựng quy chế quản lý nước hồ sau xử lý; đẩy mạnh việc quản lý cấp phép xả thải vào hồ; bổ sung các thùng rác, nhà vệ sinh công cộng…
Có thể nói, từ khi có sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố Hà Nội nhiều con phố, tuyến đường ngày càng gọn gàng và “Xanh - Sạch - Đẹp” hơn. Những kết quả rất đáng phấn khởi và tự hào này đến từ sự nỗ lực bền bỉ, không quản ngại khó khăn của đông đảo đơn vị cũng như sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên mấu chốt để nâng tầm “Xanh” của Thủ đô vẫn là ý thức từ phía người dân, vấn đề cần quan tâm hiện nay là quy tụ một cộng đồng chung tay xây dựng một Thủ đô giàu đẹp, văn minh và hiện đại, một Hà Nội “Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh”.
theo CafeLand