Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, với các dự án BT của thành phố Hà Nội, dừng ngày nào thì các chủ đầu tư tính lãi ngày đó, nếu giao sớm thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư.
Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm nay 24/9, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cùng nếu nguyện vọng muốn được sớm giao đất cho nhà đầu tư ở các dự án BT.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm cách tháo gỡ cho các dự án này của thành phố Hà Nội.
Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, việc thanh toán bằng đất cho các dự án BT đang bị dừng lại. Cụ thể, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT.
"Dừng ngày nào thì các chủ đầu tư tính lãi ngày đó. Trong khi đó, chúng tôi chuẩn bị đất đai rồi, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư", ông Toản cho biết.
Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Sử Ngọc Anh, cho biết, thành phố đã bố trí vốn đầu tư công 135.000 tỷ đồng và thông qua kế hoạch huy động thêm 171.000 tỷ đồng, tuy nhiên không đủ. Chính vì vậy, một trong những kênh huy động vốn là phương thức đối tác công tư - PPP.
"Địa phương muốn giao sớm đất cho nhà đầu tư ở dự án đổi đất lấy hạ tầng theo phương thức BT. Tuy nhiên có nhiều vướng khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công của Nhà nước tại các dự án này. Trong khi đó, TP.HCM đã là chiếc áo quá chật, cần có cơ chế để phát triển các vùng ven hiện đại và đúng quy hoạch hơn", ông Anh nói.
Ông Ngọc Anh cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ các dự án đầu tư công, dự án nhóm A, các đường sắt số 1 và số 2 và hy vọng Bộ sớm hoàn thành thủ tục để báo cáo các dự án trên lên Bộ Chính trị thông qua.
Trước đó, liên quan đến hoạt động đầu tư theo hình thức BT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 5589/BKHĐT-QLĐT gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu gửi báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện các dự án BT về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/8. Đó sẽ là một trong những cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công theo hình thức PPP trình Chính phủ và Quốc hội.
Trong báo cáo này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được đề nghị cung cấp kết quả triển khai dự án BT (đánh giá, nhận xét về tác động của việc thực hiện dự án BT đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đối với việc giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước); các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, hình thức thanh toán (tiền hoặc quỹ đất); các khó khăn vướng mắc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nêu quan điểm của mình về việc duy trì loại hợp đồng BT trong hình thức đầu tư PPP để cơ quan soạn thảo tổng hợp, đề xuất định hướng xây dựng Luật trong thời gian tới.