Hà Tĩnh: Bị tố “tiền trảm hậu tấu”, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Xuân An lên tiếng

Trước thông tin có hiện tượng “tiền trảm hậu tấu” trong quy trình triển khai dự án Khu đô thị mới Xuân An, đại diện chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đông Dương Thăng Long khẳng định dự án đã tiến hành đúng quy trình.

Theo hồ sơ, dự án Khu đô thị mới Xuân An (giai đoạn 1) được chấp thuận đầu tư theo Quyết định số 1773 ngày 30.6.2016 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Dự án do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đông Dương Thăng Long (gọi tắt là Cty Đông Dương Thăng Long) thực hiện với quy mô 27,32 ha và tổng vốn đầu tư hơn 306 tỉ đồng.

Ngày 5.8.2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2157 phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của huyện Nghi Xuân. Theo đó, dự án có tới 27,32 ha đất nông nghiệp (trong đó có 17,3 ha đất chuyên trồng lúa) sẽ bị thu hồi và chuyển thành đất ở đô thị.

Theo UBND huyện Nghi Xuân, dự án được thi công đúng tiến độ. Ảnh: PV

Đến ngày 28.3.2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 1759 gửi Thường trực HĐND tỉnh về việc đề nghị thống nhất để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 17,3 ha đất trồng lúa tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân sang đất phi nông nghiệp.

Do đó, có ý kiến cho rằng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã “tiền trảm hậu tấu” khi ra Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trước rồi mới xin ý kiến Thủ tướng xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Trao đổi với PV, ông Bùi Đức Chính- Tổng Giám đốc Cty Đông Dương Thăng Long khẳng định: “Quá trình đầu tư dự án của chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Sau khi có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ đầu tư phối hợp các cơ quan chức năng khảo sát, mới có số liệu cụ thể về từng loại đất đai. Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Tĩnh mới trình Thủ tướng xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp”.

Hạng mục hồ điều hòa của dự án đã hoàn thành. Ảnh: PV

Đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng UBND huyện Nghi Xuân cũng khẳng định hồ sơ thu hồi đất thực hiện dự án thực hiện đúng quy trình. “Sau khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của tỉnh, phải có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng thì UBND huyện mới ban hành quyết định thu hồi đất. Cụ thể, vào ngày 21.8.2017, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 1253 đồng ý UBND tỉnh Hà Tĩnh chuyển mục đích sử dụng 17,3 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; ngày 3.11.2017, UBND huyện Nghi Xuân mới ban hành quyết định số 5121 thu hồi đất thực hiên dự án”.

Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Nghi Xuân. Ảnh: PV

Vị cán bộ nói trên cho biết thêm: “Quy trình xin Thủ tướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa hết sức chặt chẽ, với nhiều loại hồ sơ, thời gian xử lý kéo dài nhiều tháng, nếu không đảm bảo hoặc sai quy trình thì không bao giờ được chấp nhận”.

Ông Bùi Đức Chính- Tổng Giám đốc Cty Đông Dương Thăng Long cũng cho biết hiện tại chủ đầu tư đang tập trung triển khai dự án theo tiến độ được phê duyệt, chưa rao bán đất nền.

Ông Nguyễn Thế Hải - Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nghi Xuân cho biết: “Dự án khu đô thị mới Xuân An là dự án đô thị lớn nhất trên địa bàn, mật độ xây dựng thấp, triển khai đúng tiến độ, nhà đầu tư đã có nhiều cố gắng thực hiện dự án, tạo ra không gian sống có chất lượng cao; dự án có cảnh quan đẹp, tạo điểm nhấn về kiến trúc cho địa phương”.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Dự án du lịch trăm tỷ ven biển Hà Tĩnh 'chết yểu'
Thị trường bất động sản Hà Tĩnh “nóng" cục bộ
“Lạm phát” sân bay?
Hà Tĩnh: Nghi vấn đường dân sinh rải thảm nhựa ngay trên rơm rạ
Khu sinh thái trái phép trên đất lâm nghiệp: Không tháo dỡ sẽ cưỡng chế
Vụ nhà thầu bán đất phong hóa tại Hà Tĩnh: Đơn vị thi công nhận trách nhiệm
Dự án du lịch gần 100 tỷ đồng ở Hà Tĩnh sau nhiều năm vẫn nằm trên giấy
Dự án gần 20 tỷ đồng bỏ hoang
Vì sao Hà Tĩnh "hỏa tốc" bắt các khu đất sau thu hồi “đẻ tiền”?
Đường điện “luồn lách” trên mái nhà, người dân nơm nớp lo sợ