Nhòm ngó đất công cộng

Sự phát triển đô thị đồng nghĩa với phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình công trình công cộng như: Quảng trường, công viên, cây xanh, mặt nước, bảo tàng… mà Nhà nước đại diện cho nhân dân làm chủ sở hữu, và không thể “xã hội hóa” theo kiểu cho tư nhân làm kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ở Việt Nam, ngay từ khi hình thành các đô thị, hệ thống không gian, công trình công cộng đã có rồi. Ở Sài Gòn (TP.HCM hôm nay), khởi đầu đã có chợ Bến Thành, chợ Bến Sỏi, chợ Điều Khiển, chợ Tân Kiếng, chợ Lớn… Khẳng định vậy để thấy các khu vực công cộng luôn là hạt nhân đầu tiên của đô thị. Chính quyền thừa nhận nó thuộc sở hữu công cộng, giữ trách nhiệm quản lý nó cho cư dân đô thị, để không rơi vào tay tư nhân.

Gần 10 năm trước, tôi có viết bài về tình trạng chiếm dụng đất đai ở các công trình công cộng. Đúng thời điểm dự án khách sạn SAS được xây dựng trên phần đất của Công viên Thống Nhất (Hà Nội) - một khu đất rộng hơn 1ha trước là sân bóng cho trẻ em vui chơi.

Dự án đã bị buộc phải dừng vĩnh viễn sau một loạt phản ứng của dư luận và chuyển sang một địa điểm khác.

Ở thời điểm đó, nhiều khu vực đất công cộng, công viên vườn hoa đã bị chiếm dụng. Các nhà quản lý trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch mà tôi tìm gặp đều chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu quy hoạch, thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ sở khoa học trong việc xét duyệt nhiều dự án nên đã khiến nhiều khu vực đất đai bị chiếm dụng, bị trao vào tay không đúng đối tượng, bị sử dụng sai mục đích.

Những ngày qua, dư luận lại một lần nữa phản ứng dữ dội trước đề xuất của một doanh nghiệp về việc hoán đổi không gian mặt nước của hồ Thành Công để làm khu tái định cư thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ. Ngay sau đó, Hà Nội đã bác đề xuất này.

Công viên Thống Nhất và hồ Thành Công chỉ là hai trường hợp “may mắn” thoát khỏi sự xâm phạm của con người nhằm chuyển mục đích sử dụng. Bởi lẽ, trong vòng 20 năm qua, hàng chục hồ của Hà Nội đã biến mất, nhường chỗ cho các khu đô thị mới với những tòa chung cư cao ngất.

Không chỉ có không gian mặt nước, 20 năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều khoanh đất công, những mặt tiền công sở, thậm chí cả những con đường, khu chợ bị “chuyển mục đích sử dụng” khi lọt vào tầm ngắm của những “ông chủ” có uy thế!?

Ở đây, mỗi trường hợp mỗi vẻ, nhưng tất cả đều nằm ở một điểm chung là: Một số cơ quan được giao quản lý một phần đất đai công cộng để phục vụ chung cho cộng đồng, sau đó, với sự “khéo léo” của các nhà đầu tư, một phần đất công cộng ấy đã được biến thành nhà hàng, khách sạn, chung cư… và cả những trung tâm thương mại hoành tráng, những khu đô thị lớn…

Bây giờ, đất đai trong các đô thị ngày càng có giá. Bởi thế, đối với những người đang tìm kiếm địa điểm còn trống để đặt các dự án xây dựng vì lợi nhuận của mình, những công viên dường như là những mảnh đất sinh lợi cuối cùng còn sót lại trong thành phố mà họ nhắm tới.

Nhưng, cắt đất công viên (hay hoán đổi diện tích cây xanh, mặt nước) để chuyển đổi mục đích sử dụng, là việc làm không phù hợp trong lúc chúng ta đang kêu gào thiếu nơi vui chơi, thiếu không gian công cộng. Nó đi ngược mong muốn xây dựng một môi trường sống ngày càng tốt hơn của cộng đồng; không những thế, còn là hành động xâm phạm vào hành lang bảo vệ an toàn của một công trình công cộng.

Vì vậy, vấn đề bây giờ không phải là đình chỉ, thu hồi những phần đất công cộng bị trao “nhầm” vào tay người khác; mà cần phải nhanh chóng thủ tiêu những tầng nấc kiểm soát đường đi của các dự án đầu tư (kiểu như những thỏa thuận…) dễ tạo điều kiện cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, dễ tạo điều kiện cho việc bòn rút quỹ đất công cộng một cách tinh vi.

Cho đến nay, đất và các công trình công cộng ở Hà Nội và TP.HCM đều ít, nhỏ so với quy mô dân số. Cũng có nghĩa là phúc lợi xã hội cho người dân còn thấp, chưa kể đã bị xà xẻo khá nhiều. Báo chí đã vào cuộc với hàng trăm bài viết về vấn đề này. Nhưng, bên cạnh đó, nếu không có các chính sách tích cực, hoặc lãnh đạo các thành phố bị cuốn vào “phong trào xã hội hóa”, vì những lợi ích kinh tế trước mắt - thì các công trình công cộng sẽ còn bị những cuộc “chuyển mục đích sử dụng” làm thu hẹp hơn nữa.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Tự ý rào đất công không cho người khác xây cầu
Đại gia bất động sản Dương Bạch Diệp: Từ siêu xe Rolls-Royce đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nguồn tiền khổng lồ chôn trong đất công bỏ trống
Sóc Trăng: Tăng cường quản lý đất công
Thanh tra TPHCM kiến nghị xử lý việc “xẻ thịt” đất công viên ở Quận 9
Uẩn khúc gây phẫn nộ vụ cấp hơn 15.600m2 đất công cho nguyên xã đội trưởng
Khu “đất vàng” giữa trung tâm Sài Gòn liên quan tới cựu Bộ trưởng vừa bị khởi tố
Quy hoạch thêm đất cho công nghiệp
Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn (Hải Dương): Đất trụ sở “biến” thành công ty, nhà ở?
Cho thuê 41 ha đất công trái pháp luật với giá... 32 đồng/m2