Việc UBND tỉnh Bình Định đang tính chi hàng trăm tỷ đồng để dời 3 khách sạn (KS) dọc theo vịnh Quy Nhơn, nhằm trả lại không gian ven biển cho người dân và du khách, khiến dư luận không chỉ ở Bình Định mà cả nước quan tâm. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Tô Tử Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 1996 - 2001).
* PHÓNG VIÊN: Từ 20 năm trước, Bình Định đã có định hình quy hoạch không gian ven biển, trong đó có việc cấm xây dựng các công trình, khách sạn dọc bờ biển. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Ông TÔ TỬ THANH: Thời tôi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (trước năm 1996), lúc ấy mới chỉ có KS Hải Âu thôi. Sau này, lên làm Bí thư Tỉnh ủy, điều tôi băn khoăn nhất là các KS ven biển. Cho đến khi nghỉ, tôi có góp ý với các thế hệ lãnh đạo nhiệm kỳ sau rằng, làm sao thì làm phải giải tỏa được KS Hải Âu trước năm 2005, để tạo không gian ven biển cho người dân. Tuy nhiên, tâm nguyện của tôi không những không được thực hiện mà địa phương tiếp tục cho phép mở rộng thêm KS Hải Âu, rồi xây dựng thêm KS Hoàng Yến, Bình Dương.
Ông Tô Tử Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 1996 - 2001)
Như vậy, từ 20 năm trước, TP Quy Nhơn đã có những quy hoạch rất cơ bản để giữ lại không gian biển cho người dân. Những quy hoạch cơ bản này, sau 5 năm có thể bổ sung, nhưng không thể thay đổi được. Bởi, ngay từ ban đầu các chuyên gia, đơn vị chức năng đã tính toán rất kỹ, mới đưa ra được quy hoạch tổng thể cơ bản.
* Đây cũng là nội dung trong bức “tâm thư” ông gửi lại cho các thế hệ lãnh đạo tiếp nối ở Bình Định?
- Trước lúc nghỉ hưu, tôi có viết một bức thư gửi tập thể Tỉnh ủy Bình Định về tâm tư của tôi đối với quê hương. Tôi đặt ra 11 vấn đề lớn cần phải được điều chỉnh, quan tâm giải quyết thì Bình Định mới phát triển bền vững được. Trong đó, có vấn đề lấy lại không gian biển cho người dân, khu sinh thái ao cá Bác Hồ (hồ Phú Hòa, TP Quy Nhơn) và 8 vấn đề khác ở khu kinh tế Nhơn Hội…
Nhưng sau này không ai chịu tiếp thu và thực hiện. Như vấn đề ở khu sinh thái ao cá Bác Hồ. Trước đây, tôi đã chỉ đạo, định hướng khu này trở thành trung tâm vui chơi, giải trí, du lịch của Bình Định và cả các tỉnh Tây Nguyên. Khu này cộng hết lại đến trên 300ha, đẹp biết bao nhiêu, nếu làm được sẽ trở thành điểm nhấn cho Bình Định. Ngoài ra, đó còn là hồ sinh thái điều tiết nước từ sông Hà Thanh và sông Côn. Bây giờ, chính quyền lại đem lấp đi, phá vỡ cả nền tảng của quy hoạch cơ bản.
Tỉnh Bình Định đang tính chi hàng trăm tỷ đồng để dời 3 khách sạn dọc theo vịnh Quy Nhơn, trả lại không gian ven biển cho người dân
* Lãnh đạo tỉnh Bình Định đang thể hiện rõ quyết tâm lấy lại không gian biển cho người dân, bằng việc chi ra hàng trăm tỷ đồng để di dời 3 KS “khủng” ven bờ biển. Ông suy nghĩ gì về việc này?
- Tôi rất hoan nghênh, ủng hộ cách làm quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Định bây giờ. Tuy nhiên, việc sửa sai phải làm theo tuần tự, bài bản và phải có kế hoạch. Phải bình tĩnh, không vì sức ép nào, phải tính toán cụ thể. Từ Tỉnh ủy, Thường vụ và UBND phải thống nhất cao, sau đó lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, phân tích cụ thể cho dân hiểu... Bây giờ người dân lo lắng phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để di dời 3 KS rất tốn kém. Ở đây, dùng tiền thuế của nhân dân để đền bù, chứ không phải tiền của cá nhân ai. Trong khi đó, ngân sách của tỉnh Bình Định đang hạn hẹp. Địa phương cần phải thận trọng, bàn bạc kỹ lưỡng. Quá trình sửa sai, chi phí, quyền lợi các bên phải được công khai rộng rãi, minh bạch trước dân.
* Theo ông, chúng ta rút ra được bài học gì về quy hoạch phát triển thành phố du lịch ven biển trong xu hướng phát triển nóng như hiện nay?
- Phải nhìn nhận thực tế rằng, đây là cái sai của tư duy nhiệm kỳ. Theo tôi, làm người lãnh đạo phải nhìn được vấn đề trong quy hoạch từ 15 - 20 năm, chứ không chỉ suy nghĩ cho một nhiệm kỳ, một vài năm rồi bỏ đó. Sau này cái sai ấy ai phải chịu trách nhiệm? Bây giờ, di dời 3 KS Hải Âu, Hoàng Yến, Bình Dương thực chất là việc sửa sai của cái định hình từ 20 năm trước. Việc sửa sai này phải chi ra nhiều tiền của, bởi lợi ích của doanh nghiệp ở đó rất lớn. Các nhà đầu tư đòi hỏi và đặt điều kiện đổi đất khác ở mặt tiền ven biển thì mới chịu di dời. Nếu ngay từ ban đầu, chúng ta tuân thủ theo quy hoạch thì thành phố này sẽ rất đẹp, không phải tốn kém như bây giờ.
Suy cho cùng, trước đây là do mình cho phép thì các doanh nghiệp mới xây dựng khách sạn. Vì thế, chúng ta phải xem xét hài hòa lợi ích của các bên, giữa người dân, địa phương và cả nhà đầu tư. Nếu đi một bước sai nữa, sau này muốn lấy lại không gian biển cho người dân, phải đánh đổi nhiều thứ, tốn kém lắm!
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, nhấn mạnh rằng việc di dời 3 KS Bình Dương, Hải Âu, Hoàng Yến đã có trong kế hoạch của địa phương. Đối với KS Bình Dương, hiện đã được Bộ Quốc phòng đồng ý cho di dời. Còn đối với 2 khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến, về lâu dài cũng sẽ dời đi, để làm công viên công cộng, trả lại không gian biển cho dân. “Bờ biển Quy Nhơn hay tất cả các khu du lịch ven biển, địa phương không bao giờ giao hoặc cho ai thuê mặt nước”, ông Tùng khẳng định.
|
theo CafeLand