Quyết định di dời các khách sạn ven biển Quy Nhơn để lấy đất xây dựng công viên, với phương châm toàn bộ không gian biển dành cho người dân hưởng lợi chung của tỉnh Bình Định được người dân ủng hộ, doanh nghiệp hợp tác. Thế nhưng, chính quyền tỉnh này đang gặp vướng mắc về luật theo quy định nên đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường gỡ khó.
Tỉnh xin Bộ cơ chế để gỡ khó
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã ký Văn bản số 2185/UBND-KT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận căn hộ khách sạn và cho thuê đất để di dời các khách sạn ven biển Quy Nhơn.
Theo văn bản này, trước đây, trong thời kỳ tỉnh Bình Định còn nhiều khó khăn, để thu hút đầu tư tạo điều kiện cho các nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả tại khu vực ven biển trên địa bàn TP Quy Nhơn, địa phương đã chấp thuận chủ trương cho một số đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, với hình thức Nhà nước cho thuê đất và đơn vị trả tiền thuê đất hàng năm. Các dự án này đã xây dựng phù hợp với quy hoạch đô thị, pháp luật về đất đai tại thời điểm cho thuê đất và đi vào hoạt động ổn định một thời gian dài.
Tuy nhiên, theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14/4/2015, Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Không gian du lịch vịnh Quy Nhơn được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 3676/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 và Quyết định số 3663/ QĐ-UBND ngày 10/10/2019 thì khu vực dọc bãi biển Quy Nhơn (phía đông đường An Dương Vương) được quy hoạch làm công viên để sử dụng vào mục đích công cộng, tạo cảnh quan và không gian cho người dân, du khách sử dụng bãi biển, với phương châm toàn bộ không gian biển dành cho người dân hưởng lợi chung.
Ba khách sạn ven biển là Hải Âu, Hoàng Yến, Bình Dương sẽ di dời để làm công viên
Nhằm triển khai thực hiện các quy hoạch nêu trên, trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã có chủ trương di dời các khách sạn ven biển. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định quy hoạch quỹ đất tại vị trí mới phù hợp với quy hoạch đô thị TP Quy Nhơn và dự kiến cho các đơn vị này thuê đất để di dời, xây dựng lại khách sạn theo hình thức cấp quyết định chủ trương đầu tư và cho thuê đất (không thông qua hình thức đấu giá).
Tuy nhiên, theo pháp luật về đất đai hiện hành và văn bản hướng dẫn liên quan của Trung ương, chưa có quy định cụ thể về việc Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất tại vị trí mới để xây dựng khách sạn (theo hình thức chỉ định) để tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 92 Luật Đất đai 2013 quy định, trường hợp Nhà nước giao, cho thuê đất có thời hạn, nhưng không được gia hạn theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013 thì khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất. Thế nhưng, thực tế hiện nay, các khách sạn này đã được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, cho nên căn cứ quy định nêu trên không được bồi thường, hỗ trợ tài sản gắn liền với đất (đối với khách sạn hết thời hạn thuê đất), dẫn đến các nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc di dời để trả lại mặt bằng cho tỉnh và xây dựng công trình khách sạn tại vị trí mới.
Nhằm tạo điều kiện sớm di dời các khách sạn, chỉnh trang đô thị và xây dựng công viên bãi biển Quy Nhơn phục vụ cho người dân, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quan tâm, có văn bản hướng dẫn các nội dung đã nêu ở trên.
Trả lại không gian biển cho người dân
Giữa năm 2019, chính quyền tỉnh Bình Định gây bất ngờ khi thông báo sẽ di dời 3 khách sạn Bình Dương (thuộc Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng), Hải Âu (do Công ty Cổ phần xây dựng 47 quản lý, hết hạn thuê đất trong năm 2019), Hoàng Yến (do Công ty Cổ phần khách sạn Hoàng Yến quản lý, thuê đất đến năm 2052) để lấy đất xây dựng công viên ven biển, trả lại không gian biển phục vụ cộng đồng. Các khách sạn này thuộc phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn), nằm ở vị trí một bên là bờ biển Quy Nhơn, một bên là mặt tiền đường An Dương Vương, nơi có giá đất trên thị trường hơn 300 triệu đồng/m2.
Theo lộ trình, di dời đầu tiên là khách sạn Bình Dương, sau đó là khách sạn Hải Âu, rồi đến khách sạn Hoàng Yến. Hiện tại, chính quyền tỉnh Bình Định đã lên phương án bồi thường, hỗ trợ để di dời KS Bình Dương. Theo đó, tỉnh này đã thống nhất bố trí khu đất mới rộng 3.000m2 tại số 20 đường Nguyễn Văn Trỗi (TP Quy Nhơn) để nhà đầu tư xây dựng KS Bình Dương mới; đồng thời bồi thường 32 tỷ đồng hỗ trợ di dời, tài sản thu hồi đất của khách sạn Bình Dương.
Khi nhắc đến việc di dời 3 KS ven biển này, ông Trần Văn Thuận (ngụ phường Nguyễn Văn Cừ) phấn khởi cho biết: “Việc di dời các khách sạn để trả lại không gian biển cho người dân là một quyết định sáng suốt, hợp lòng dân của lãnh đạo tỉnh nhà. Cá nhân tôi nhiệt tình ủng hộ. Người dân sống ở thành phố biển đẹp như thế này, ai cũng mong muốn có không gian rộng rãi, thoáng mát để vui chơi giải trí”.
Còn theo chị Nguyễn Thanh Hương (ngụ phường Ghềnh Ráng), khi ven biển Quy Nhơn được thông thoáng, không còn vướng những khách sạn thì không những người dân mà chắc chắn khách du lịch cũng muốn ghé đến thường xuyên. Đơn giản vì họ có được không gian thoáng đãng để tản bộ hay cả gia đình cùng ra nghỉ mát ở công viên. Đó là điều mà hầu hết khách du lịch đều muốn khi đến du lịch ở những thành phố ven biển.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Cổ phần khách sạn Hoàng Yến Nguyễn Hoàng Vũ, cho biết: “Chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương mang lại lợi ích cho cộng đồng, mở ra không gian thông thoáng cho bãi biển Quy Nhơn. Chúng tôi cũng mong muốn chính quyền cùng các cơ quan liên quan tính toán đảm bảo các quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp và người lao động”.
Lý giải việc di dời 3 khách sạn nói trên nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đặc biệt là sự hợp tác của phía doanh nghiệp, ông Đào Quý Tiêu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Định, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết: “Sở dĩ doanh nghiệp chấp nhận là vì trước đây khi tiến hành đầu tư họ cũng đã xác định là thuê đất có thời hạn, dù thời gian có thể dài nhưng không phải là vĩnh viễn. Mặt khác, tỉnh cũng có giải pháp khả thi, chuẩn bị quỹ đất đối ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, kinh doanh đúng ngành nghề. Sau khi di dời, các khách sạn trên không còn được ở vị trí số một ở Quy Nhơn nữa, nhưng cũng không doanh nghiệp nào có được vị trí này. Địa điểm mới của các khách sạn có thể không được như ý muốn 100%, nhưng chắc chắn không đến nỗi nào, doanh nghiệp vẫn tiếp tục được kinh doanh”, ông Tiêu cho biết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, 3 khách sạn nói trên được xây dựng trong khoảng thời gian tỉnh Bình Định còn khó khăn. Quá trình hoạt động, 3 khách sạn này đã đóng góp rất lớn cho du lịch tỉnh nhà. Việc di dời là chủ trương của tỉnh để trả lại không gian biển cho người dân, chứ nhà đầu tư không hề có vi phạm. Do đó, việc di dời, giải tỏa cần phải có lộ trình phù hợp, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. “TP Quy Nhơn được quy hoạch theo định hướng thành phố hiện đại, nhưng có bản sắc riêng, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Hai tuyến đường An Dương Vương, Xuân Diệu mở rộng thông thoáng tầm nhìn phía đông hướng ra không gian biển Quy Nhơn. Không gian biển Quy Nhơn phải dành cho cộng đồng để du khách và mỗi người dân địa phương đều được quyền tận hưởng vẻ đẹp thông thoáng của thiên nhiên vịnh Quy Nhơn”, ông Dũng nói. |