TP. Huế: Đất “biến” thành quy hoạch, dân bức xúc vì không thể xây nhà

Vì đất “bỗng” nằm trong quy hoạch, hàng chục hộ dân sống tại phường An Tây (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang rơi vào tình cảnh khó khăn khi đã mua đất nhưng không thể xây dựng nhà cửa...

Khu đất gia đình ông T. đã mua nhưng không thể xây dựng

Theo tìm hiểu, quy hoạch Vườn Bách Thảo được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 10/11/1999, nằm trong “Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá, lịch sử, môi trường cảnh quan ở Tây Nam TP. Huế”.

Nhưng khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) cho người dân vào năm 2015, UBND TP. Huế lại không ghi “đất quy hoạch” tại phần ghi chú.

Khi người dân thực hiện việc chuyển nhượng thì không biết đất đã nằm trong quy hoạch. Điều này khiến nhiều người đã mua đất tại đây nhưng không thể làm được nhà ở hay xây dựng thêm các hạng mục khác.

Chia sẻ với PV, năm 2018, ông Hoàng Trọng T. và vợ (trú đường La Sơn Phu Tử, phường Tây Lộc, TP. Huế) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thửa đất số 309 (301-6), tờ bản đồ số 66, phường An Tây (TP. Huế); diện tích 90 m2; mục đích sử dụng: đất ở; thời hạn sử dụng đất lâu dài.

Tuy nhiên, sau khi nhận chuyển nhượng, phần ghi chú trong GCNQSD đất sau khi cấp lại cho ông T. vào năm 2018 có ghi: “Theo quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa và cảnh quan Tây Nam TP. Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 10/11/1999, thì vị trí thửa đất thuộc quy hoạch Vườn Bách Thảo” khiến vợ chồng ông “ngã ngửa”, vì trong GCNQSD đất của chủ cũ được cấp năm 2015 chuyển nhượng cho vợ chồng ông không thể hiện điều này.

Trong sổ đỏ của ông T. (ảnh), phần ghi chú năm 2015 không hề có thông tin quy hoạch, khác với phần ghi chú năm 2018

Trong khi Luật đất đai đã quy định rất cụ thể, khi cấp GCNQSD đất, các thông tin liên quan đến thửa đất (đặc biệt là các thông tin về quy hoạch) đều phải được thể hiện trong phần ghi chú của GCNQSD đất.

“GCNQSD đất cấp cho chủ cũ vào năm 2015 không thể hiện thông tin đất nằm trong quy hoạch Vườn Bách Thảo (mặc dù quy hoạch đã có từ năm 1999), nên tôi mới tin tưởng mua.

Nhưng khi được UBND TP. Huế cấp lại GCNQSD đất  vào năm 2018 cho tôi thì thông tin về quy hoạch mới được thể hiện. Như vậy, thửa đất mà chúng tôi nhận chuyển nhượng  không được phép xây dựng nhà kiên cố, nếu có thì chỉ được xây dựng nhà tạm và không được bồi thường tài sản trên đất khi nhà nước thu hồi đất...”- ông T.bức xúc.

Tương tự như gia đình ông T., hàng chục trường hợp tại phường An Tây cũng đang “dở khóc dở cười” vì gặp sự cố như trên.

Được biết, việc Quy hoạch Dự án Vườn Bách Thảo đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đến nay đã tròn 20 năm, nhưng thực tế là vẫn chưa triển khai. Hiện khu vực này rất nhiều trường hợp người dân đã xây dựng nhà kiên cố, nếu dự án thực hiện thì việc giải tỏa, đền bù sẽ phát sinh rất nhiều tình huống khó khăn, phức tạp từ việc xây nhà trên đất quy hoạch...

Các hộ dân tại phường An Tây mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết sự việc để ổn định cuộc sống...

Trả lời PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, UBND TP. Huế thông tin, trên địa bàn phường An Tây hiện nay liên quan đến nhiều dự án quy hoạch như: quy hoạch làng Đại học Huế, quy hoạch bảo tồn tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường cảnh quan Tây Nam TP. Huế, quy hoạch trục đường Tự Đức- QL1A.

Trong đó, nhiều hộ dân cư nằm trong phạm vi quy hoạch Vườn Bách thảo theo đồ án Quy hoạch Bảo tồn tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường cảnh quan Tây Nam TP. Huế được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 1999. Phạm vi quy hoạch Vườn Bách Thảo gồm phường An Tây, Thủy Xuân, Thủy Bằng và một phần xã Hương Thọ. Phường An Tây chiếm 1/2 khu vực quy hoạch.

“UBND TP. Huế cũng đã nhận thấy việc bất cập của việc quy hoạch vườn bách thảo, do đó đã đề nghị thực hiện việc lập quy hoạch phân khu phường An Tây kết hợp việc điều chỉnh quy hoạch bảo tồn tôn tạo các di sản văn hóa và môi trường cảnh quan Tây Nam TP. Huế.

Hiện đơn vị tư vấn đã cơ bản hoàn chỉnh phương án, dự kiến báo cáo UBND thành phố trong tháng 4/2019; sau đó, sẽ điều chỉnh và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 5 và 6/2019, hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt trong Quý III/2019.

Quá trình lập quy hoạch này sẽ xem xét theo hướng phù hợp với thực tế, hạn chế ảnh hưởng dân cư, quá trình thực hiện sẽ tổ chức lấy ý kiến dân cư phường An Tây theo quy định...”- đại diện TP. Huế cho hay.

Liên quan đến sự việc, bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm: “Hiện tại TP. Huế vẫn đang rà soát, đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch và sau này khi đã xong quy hoạch thì tiếp tục rà soát các hộ dân ở phường An Tây, rồi UBND tỉnh khi đó chỉ đạo, hỗ trợ cho người dân nơi đây...”.

Việc chính quyền TP. Huế khi cấp GCNQSD đất cho người dân nhưng không ghi đầy đủ nội dung có liên quan đến tình trạng thửa đất đã vô hình chung đẩy hàng chục hộ mua đất rơi vào tình cảnh khó khăn và thiệt thòi. Người dân đang đặt câu hỏi, có hay không việc cố ý làm sai của những cán bộ có thẩm quyền Huế?.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Lưu ý khi làm hợp đồng đặt cọc mua bán căn hộ chung cư
Những câu hỏi về đất thổ cư thường gặp nhất
Đô thị là gì? Phân loại đô thị theo quy định của pháp luật
Kinh nghiệm thương lượng giá nhà đất để được giá
Mật độ xây dựng là gì? Cách tính chính xác và quy định liên quan
Đất chưa sử dụng là gì? Quy định của Pháp luật về loại đất này
Đất phi nông nghiệp là gì? Điều kiện để được chuyển sang đất ở?
Đất liền kề là gì? Có nên mua đất liền kề không? Cần lưu ý gì?