"Thời giai vừa qua, chúng ta cấp giấy phép đầu tư cho các dự án nhưng quên đi công tác quản lý, bảo vệ môi trường, rừng núi, hồ, sông, biển… đụng vào dự án nào là vi phạm dự án đó".
"Núi thì xẻ núi, biển thì lấp biển, hồ thì lấp hồ, sông thì lấp sông trên địa bàn TP Nha Trang. Nếu không thực hiện nghiêm, các dự án sẽ tiếp tục vi phạm theo kiểu chưa hoàn chỉnh thủ tục, pháp lý mà chúng ta lại cho tiến hành đào, xới, chia lô, bán nền".
Đó là ý kiến chia sẻ cũng như chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, thu chi ngân sách, đầu tư công, công tác hành chính, tư pháp 6 tháng đầu năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI.
Không thể đánh đổi
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Ngô chia sẻ: Núi Cô Tiên có diện tích khoảng 1.480 ha nhưng có gần 20 dự án được thỏa thuận địa điểm hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, một số dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đa số các dự án là làm nhà ở, phân lô bán nền, một số dự án có quy mô từ 2-3ha nhưng vẫn được cấp giấy phép và đang bạc núi làm dự án.
Trong khi đó, khu vực này tỷ lệ phân khu, quy hoạch 1/200 chưa được phê duyệt, hệ thống hạ tầng chưa có nhưng lại phê duyệt quy hoạch 1/500 cho từng dự án dẫn đến diện tích xanh giảm xuống, nguy cơ sạt lở cao.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú tại núi Cô Tiên gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng sáng ngày 18/12018.
Riêng tại núi Cù Hin, ngày 15/3/2018 UBND tỉnh có văn bản đồng ý về mặc chủ trương lập quy hoạch phân khu 1/200 tại huyện Cam Lâm và TP Nha Trang theo đề xuất dự án có quy mô gần 4.000 ha.
Trong đó, có 3.000 ha quy hoạch rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Tuy nhiên, theo Quyết định 1976 ngày 24/10/2014 của Thủ tướng và mới đây là Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 71 của Chính Phủ có quy định, không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, đặc biệt là rừng đặc dụng và phòng hộ.
Do đó, đại biểu Ngô đề nghị UBND tỉnh cho biết, các đề xuất này của tỉnh có trái với các quy định tại các văn bản trên. Có nhất thiết phải đánh đổi diện tích xanh, nền địa chất ổn định để phát triển du lịch. Trong khi đó, các khu vực khác của tỉnh vẫn còn có tiềm năng phát triển du lịch.
Không những vậy, các núi tại TP Nha Trang đa số đều có dự án. Cụ thể như: Đối với khu vực núi Giáng Hương có 6 dự án; núi Chín Khúc có 7 dự án; 13 dự án tại Hòn Rớ; 8 dự án tại Núi Chụt, 7 dự án tại Hòn Thị, theo đại biểu Ngô, tất cả cũng cần phải rà soát, đánh giá để có giải pháp cụ thể và không thể nào tiếp tục đánh đổi.
Về điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch cục bộ tại TP Nha Trang, theo Đại biểu Ngô: Được biết hiện nay, Sở xây dựng đã gửi hồ sơ cho các Bộ ngành Trung ương góp ý và đến nay đã nhận được 6 đơn vị phản hồi, các Bộ ngành đều cơ bản thống nhất với các đề xuất điều chỉnh cục bộ theo đề xuất đưa ra.
Theo đó, có nhiều khu vực tại TP Nha Trang sẽ không khống chế chiều cao số tầng, tức là 40-50- hoặc 60 tầng và trên nữa vẫn được . Ví dụ: Khu vực Bến du thuyền Quốc tế, khu vực biển Hòn Chồng, khu vực đầu cầu Trần Phú, khu vực Quảng trường 2 tháng 4, khu vực sân bay Nha Trang cũ…
Đa phần thiên về khu vực gần biển, vậy tương lai bãi biển mình sẽ như thế nào?, tầm nhìn, nguồn gió biển bị chắn sẽ ra sao?. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở GTVT thì quỹ đất giao thông tại Nha Trang quá thấp (8%), trong khi đó, theo quy định chuẩn thì phải từ 20-23% vậy chúng ta tiếp tục cho nén đô thị thì tương lai giao thông Nha Trang sẽ giải quyết như thế nào? - Đại biểu Ngô băn khoăn.
Núi Cô Tiên có 17 dự án không phù hợp
Cùng quan điểm với với đại biểu Nguyễn Ngô, đại biểu Nguyễn Lê Đình Trị cũng nêu rõ: Sau khi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo rà soát các dự án núi Cô Tiên, núi Chín Khúc, rà soát thủ tục pháp lý khu dân cư Đất Lành, các dự án ven đồi, núi… trên địa bàn TP Nha Trang thì các Sở ngành cũng đã có báo cáo và những vấn đề nổi cộm.
Chỉ riêng tại núi Cô Tiên đã có 17 dự án không phù hợp với quy hoạch, các dự án tại đây và khu vực xã Phước Đồng đều chỉ vây tôn xong rồi để đó, kéo dài rất nhiều năm không triển khai và đến giờ phút này vẫn chưa biết xử lý thế nào.
Qua kiểm tra, các thủ tục pháp lý của các dự án này hầu như không đầy đủ hoặc không có, nhưng các dự án vẫn tiến hành san ủi, chở đất cát, vật liệu ra khỏi dự án hoặc làm thay đổi diệm mạo của khu vực dự án.
Do đó, Đại biểu Trị đề nghị UBND tỉnh cần có biện pháp quyết liệt để thu hồi các dự án sai phạm để trả lại quyền lợi chính đáng về đất đai cho người dân, không để kéo dài nữa, còn dự án nào tiếp tục triển khai thì cần cam kết cụ thể tiến độ theo quy định của pháp luật.
Qua vấn đề mà các địa biểu phản ánh, ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở ban ngành liên quan chuẩn bị nội dung để sáng mai (ngày 10/7) sẽ trả lời đến các đại biểu và cử tri toàn tỉnh.
Ông Tuân cũng chia sẻ: Thời giai vừa qua, chúng ta đã quên đi việc cấp giấy phép đầu tư dự án nhưng thiếu công tác quản lý, bảo vệ môi trường, rừng. núi, hồ, sông, biển… đụng vào dự án nào là vi phạm dự án đó.
Núi thì xẻ núi, biển thì lấp biển, hồ thì lấp hồ, sông thì lấp sông trên địa bàn TP Nha Trang. Tôi đề nghị các vị đại biểu và lãnh đạo các địa phương chúng ta phải thực hiện nghiêm vấn đề này.
Nếu không thì như núi Cô Tiên, núi Chín Khúc và một số dự án khác sẽ tiếp tục vi phạm theo kiểu chưa hoàn chỉnh thủ tục, pháp lý mà chúng ta lại cho tiến hành đào, xới, chia lô, bán nền…
theo CafeLand