Nhà phố thương mại còn được gọi là Shophouse, là một loại kiến trúc nhà ở thường thấy tại các đô thị. Nhà phố thương mại được sử dụng để ở kết hợp với kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê mặt bằng.
Mô hình nhà phố thương mại đã trở nên phổ biến tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ nhà phố thương mại là gì, có gì khác so với nhà mặt phố, nhất là những người mới tham gia vào thị trường địa ốc.
Nhà phố thương mại (Shophouse) là gì?
Nhà phố thương mại còn được gọi là Shophouse, là một loại kiến trúc nhà ở thường thấy tại các đô thị. Mỗi căn nhà phố thương mại được chủ đầu tư thiết kế giống nhau và nằm liền kề nhau trên các tuyến phố nội khu, tạo nên một tổng thể đẹp mắt. Nhà phố thương mại vừa được sử dụng để ở vừa kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê mặt bằng.
Ưu điểm vượt trội của nhà phố thương mại
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhà phố thương mại đã tạo nên “xu hướng mới” trên thị trường địa ốc, thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư nhờ sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội. Cụ thể:
Môi trường sống hiện đại, văn minh
Các căn nhà phố thương mại thường được xây dựng trong các khu đô thị hiện đại, dân trí cao. Bên cạnh đó những khu đô thị này còn có đầy đủ các tiện ích như công viên, bể bơi, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm…
Thiết kế đa năng
Nhà phố thương mại thường được xây dựng từ 2 đến 5 tầng. Tầng 1 và 2 thường được sử dụng để kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê mặt bằng, trong khi đó các tầng còn lại dùng để ở như căn hộ thông thường.
Sở hữu vị trí đẹp
Các chủ đầu tư thường xây dựng dự án nhà phố thương mại ở những tuyến đường lớn đông dân cư. Điều này rất thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê mặt bằng.
Số lượng có hạn
Do được xây dựng ở những vị trí đắc địa nên số lượng các căn nhà phố thương mại ít hơn rất nhiều so với tất cả các loại hình nhà ở khác. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung nhà phố thương mại không đáp ứng đủ nhu cầu. Chính vì thế mà loại hình nhà ở này luôn được các nhà đầu tư săn đón.
Cơ hội gia tăng giá trị
Do số lượng nhà phố thương mại ngày càng khan hiếm nên giá trị của loại hình nhà ở này sẽ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nếu bạn sử dụng các tầng dưới để kinh doanh buôn bán kiếm lời hoặc thu phí từ việc cho thuê mặt bằng, treo biển quảng cáo thì bạn sẽ có thêm khoản thu nhập hàng tháng khá lớn.
Nhược điểm của nhà phố thương mại
Bên cạnh những ưu điểm trên, nhà phố thương mại vẫn có một số nhược điểm sau:
Giá thành cao
Do sở hữu vị trí đắc địa trong khi số lượng ngày càng ít nên các căn nhà phố thương mại thường có giá thành cao hơn so với một số loại hình nhà đất khác.
Phụ thuộc vào số lượng dân cư
Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh ở các căn nhà phố thương mại chủ yếu phục vụ cho dân cư sống trong khu vực. Vì thế, khu vực đó phải có cộng đồng cư dân đông đảo thì mới mang lại lợi nhuận cao.
Hạn chế về quyền sở hữu
Thông thường, mỗi căn nhà phố thương mại sẽ được cấp sổ hồng, có thời hạn sử dụng khoảng 50 năm (đối với mục đích thương mại dịch vụ) và lâu dài (đối với mục đích ở).
Ngoài ra, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư xây dựng dự án nhà phố thương mại với mục đích thương mại dịch vụ, được phép đăng ký kinh doanh nhưng không có chức năng để ở. Chính vì thế, chủ sở hữu không được đăng ký thường trú và có thời hạn sử dụng tối đa là 50 năm.
Nhà phố thương mại (Shophouse) khác gì nhà mặt phố?
Nhìn chung, hai loại hình nhà đất này không có sự khác biệt quá lớn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phân tích trên một số phương diện để dễ dàng hơn trong việc ra quyết định đầu tư vào loại hình nào cho phù hợp.
Về mục đích đầu tư
Cả Shophouse và nhà mặt phố đều có thể sử dụng với mục đích để ở lẫn kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê. Tuy nhiên, xét về doanh mục kinh doanh của nhà mặt phố sẽ đa dạng hơn Shophouse. Nếu như Shophouse chủ yếu kinh doanh siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, thời trang, buôn bán các nhu yếu phẩm hàng ngày thì nhà mặt phố có thể đặt trụ sở công ty, kinh doanh quy mô lớn hơn (như gỗ, sơn, đồ điện…)
Về vị trí và thiết kế
Shophouse có vị trí mặt đường nội bộ của các khu đô thị lớn được triển khai bởi các chủ đầu tư. Các căn Shophouse có thiết kế giống nhau và rất ít khi thay đổi cấu trúc. Còn nhà mặt phố có vị trí mặt tiền tiếp xúc trực tiếp với các tuyến phố, có thể thay đổi cấu trúc nếu được cấp phép.
Về đối tượng khách hàng hướng đến
Như đã thông tin ở trên, Shophouse cung cấp sản phẩm và dịch vụ hướng đến khách hàng sinh sống trong khu đô thị bởi do đặc thù kiến trúc và quy hoạch. Trong khi đó, nhà mặt phố có thể tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn do nằm trên các tuyến phố đông đúc người qua lại.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết được nhà phố thương mại là gì và tìm ra được những điểm khác biệt giữa nhà phố thương mại và nhà mặt phố để có quyết định đầu tư phù hợp.
theo CafeLand