Theo pháp luật đất đai, không có loại đất nào có tên gọi là đất thổ cư, mà đất thổ cư là cách gọi của đại đa số người dân dùng để chỉ đất ở bình thường.
Hiện nay, rất nhiều người dân có nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp lên đất thổ cư bởi đất thổ cư có giá bán cao. Vậy đất thổ cư là gì? Để được lên đất thổ cư cần có những điều kiện nào? Tất cả sẽ được Alomuabannhadat giải đáp trong bài viết dưới đây.
Đất thổ cư là gì?
Theo pháp luật đất đai, không có loại đất nào có tên gọi là đất thổ cư mà đất thổ cư là cách gọi của đại đa số người dân dùng để chỉ đất ở bình thường.
Theo Luật Đất đai 2013, đất ở (đất thổ cư) thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Hay nói cách khác, chủ đất thổ cư
được phép xây dựng nhà ở, các công trình khác phục vụ đời sống… sử dụng đất ở ổn định, lâu dài (không xác định thời hạn sử dụng chứ không phải là sử dụng vĩnh viễn).
Phân loại đất thổ cư
Đất thổ cư gồm đất ở tại nông thôn (ONT) và đất ở tại đô thị (ODT). Cụ thể như sau:
Đất thổ cư nông thôn (ONT)
Là đất thổ cư thuộc địa giới hành chính là khu vực nông thôn và do xã quản lý, được ưu tiên cấp phép xây dựng vườn, ao để phục vụ cho sự phát triển chung của địa phương đó.
Đối với các khu đô thị đang được quy hoạch lên thành phố thì đất thổ cư ở đó không được coi là đất thổ cư nông thôn nữa. Loại đất này được áp dụng chính sách thu thuế cũng như quy hoạch riêng.
Đất thổ cư đô thị (ODT)
Là đất thổ cư thuộc phạm vị các phường, quận, thị trấn, thị xã, thành phố, thậm chí là khu dân cư quy hoạch của đô thị mới. So với đất thổ cư nông thôn, đất thổ cư đô thị được áp dụng một số chính sách như thuế, giấy phép xây dựng…
Hiện nay, đất thổ cư đô thị sẽ do xã và các cấp tương đương quản lý. Chủ đất thổ cư đô thị có quyền xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống khác phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị trên mảnh đất của mình.
Phân biệt đất thổ cư và đất nông nghiệp
Trước hết, để phân biệt được hai loại đất này, bạn cần phải hiểu về đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp là đất chỉ được sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Bao gồm: Đất trồng lúa, đất trồng rau, đất rừng sản xuất, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản…
Khác với đất thổ cư, đất nông nghiệp không được phép xây dựng nhà ở. Nếu muốn xây nhà ở trên đất nông nghiệp, bạn phải đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở. Bên cạnh đó, đất thổ cư thường có giá bán đắt hơn so với đất nông nghiệp.
Điều kiện để được lên đất thổ cư
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 168 và Khoản 1 Điều 18, Luật đất đai 2013, để được lên đất thổ cư cần phải đảm bảo 4 điều kiện sau:
-
Phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
-
Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
-
Đất vẫn đang trong thời hạn được phép sử dụng.
-
Đất không bị xảy ra vấn đề tranh chấp.
Căn tứ tại Điều 52, Luật đất đai 2013 quy định về việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất như sau:
-
Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện cho phép chuyển sang đất ở và kế hoạch này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
-
Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư; đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. (Điều này đồng nghĩa với việc phải có đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất).
Theo đó, ngoài 4 điều kiện như chúng tôi đã thông tin ở trên thì để chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại huyện đó nữa. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm được công khai nên người dân có thể dễ dàng tự mình kiểm tra.
Các bước xin chuyển sang đất thổ cư
Để có thể xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư, người dân cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người có nhu cầu xin chuyển sang đất thổ cư cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
-
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng).
-
Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất (chuyển sang đất thổ cư).
Bước 2: Nộp và tiếp nhận hồ sơ
-
Nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa ở địa phương để chuyển cho Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất.
-
Nếu địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì bạn có thể nộp trực tiếp cho Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Ở bước này, bạn cần lưu ý nghĩa vụ quan trọng nhất là nộp tiền sử dụng đất.
Bước 4: Trả kết quả
Căn cứ Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian giải quyết không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa) thì không quá 25 ngày.
Thời gian trên không tính các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Mong rằng với những thông tin trong bài viết trên, Alomuabannhadat đã giúp bạn hiểu rõ về đất thổ cư. Đừng quên theo dõi Alomuabannhadat thường xuyên để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!
theo CafeLand