Đô thị là gì? Phân loại đô thị theo quy định của pháp luật

Đô thị là gì? Theo quy định của pháp luật có mấy loại đô thị? Mỗi loại đô thị có những đặc điểm gì? Tất cả sẽ được Alomuabannhadat giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Đô thị là gì?

Căn cứ tại Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009, đô thị là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống và chủ yếu hoạt động trong những lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp. Đô thị cũng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, du lịch và dịch vụ của cả nước hoặc vùng lãnh thổ (bao gồm: thị trấn, thị xã, thành phố). 

Quy định của pháp luật về đô thị

Theo Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ, tại Việt Nam, các điểm dân cư được gọi là khu đô thị cần phải hội tụ 5 yếu tố cơ bản sau:

1. Số lượng dân cư tối thiểu là 4.000 người.

2. Số lao động phi nông nghiệp phải chiếm ít nhất 65% trong tổng số lao động.

3. Cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động của dân cư tối thiểu phải đạt 70% mức tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định đối với từng loại đô thị.

4. Mật độ dân cư phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị.

5. Là trung tâm tổng hợp/chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ nhất định hoặc cả nước.

Đến năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 05/01/2009. So với Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 thì ngoài 5 yếu tố trên còn bổ sung thêm tiêu chí về kiến trúc cảnh quan. Cụ thể là các khu đô thị phải được xây dựng và phát triển theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị.

Phân loại đô thị tại Việt Nam

Căn cứ tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/05/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị thì đô thị Việt Nam được phân thành 6 loại như sau: loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV, loại V.

Việc phân loại các đô thị dựa trên sự khác biệt về quy mô dân số, mật độ dân số, chức năng kinh tế, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, hệ thống công trình hạ tầng đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị. Trong đó, các chỉ tiêu về dân số là cơ sở chủ yếu để phân loại đô thị.

1. Đô thị loại đặc biệt

-  Là Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 5.000.000 người trở lên, khu vực nội thành đạt từ 3.000.000 người trở lên.

- Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên, khu vực nội thành đạt từ 12.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 70% trở lên, khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên.

- Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Hiện nay, tại Việt Nam có 2 thành phố được Chính phủ xếp vào đô thị loại đặc biệt là: Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

2. Đô thị loại I

- Là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh hoặc cả nước.

- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương: Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 1.000.000 người trở lên, khu vực nội thành đạt từ 500.000 người trở lên.

- Đối với tỉnh hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương: Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 500.000 người trở lên, khu vực nội thành đạt từ 200.000 người trở lên.

- Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 2.000 người/km2 trở lên, khu vực nội thành đạt từ 1.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên, khu vực nội thành đạt từ 85% trở lên.

- Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Hiện nay, Việt Nam có 22 đô thị loại I, bao gồm 3 Thành phố trực thuộc trung ương và 19 thành phố thuộc tỉnh.

3. Đô thị loại II

-  Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp vùng, cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một vùng liên tỉnh.

- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 200.000 người trở lên, khu vực nội thành đạt từ 100.000 người trở lên.

- Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.800 người/km2 trở lên, khu vực nội thành đạt từ 8.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên, khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên.

- Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Tính đến nay, cả nước có 33 đô thị loại II, đều là các thành phố thuộc tỉnh.

4. Đô thị loại III

-  Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng liên tỉnh.

- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 100.000 người trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 50.000 người trở lên.

- Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.400 người/km2 trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 7.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 60% trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 70% trở lên.

- Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Hiện nay, cả nước có 47 đô thị loại III

5. Đô thị loại IV

- Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp huyện, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện hoặc vùng liên huyện.

- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 50.000 người trở lên, khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 20.000 người trở lên.

- Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.200 người/km2 trở lên, khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 6.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên, khu vực nội thị (nếu có) đạt từ 70% trở lên.

- Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Tính đến nay, Việt Nam có 90 đô thị loại IV.

6. Đô thị loại V

- Là trung tâm hành chính hoặc trung tâm tổng hợp cấp huyện hoặc trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện hoặc cụm liên xã.

- Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 4.000 người trở lên.

- Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.000 người/km2 trở lên.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên.

- Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13.

Tính đến nay, Việt Nam có 674 đô thị loại V

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu được đô thị là gì cũng như biết được các loại đô thị hiện có tại Việt Nam hiện nay. Đừng quên theo dõi Alomuabannhadat để có cho mình thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất