Hướng dẫn thủ tục mua bán nhà đồng sở hữu

Trên thực tế, khi mua nhà, không ít người gặp phải trường hợp ngôi nhà thuộc đồng sở hữu của nhiều cá nhân. Lúc này, thủ tục mua bán nhà đồng sở hữu sẽ như thế nào? Có phức tạp hơn so với ngôi nhà chỉ thuộc quyền sở hữu của một người?

Nhà đồng sở hữu là gì?

Căn cứ vào Khoản 2, Điều 98 Luật Đất đai năm 2013:

- Nhà đồng sở hữu được hiểu là nhà ở thuộc sở hữu của nhiều người. Mỗi chủ sở hữu đều có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt ngôi nhà đó.

- Thông tin của từng chủ sở hữu được ghi nhận trên Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), Sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất).

- Sổ hồng chung được cấp cho ít nhất 2 người trở lên mà giữa những người này không có quan hệ vợ chồng hay con cái với nhau.

- Trường hợp các chủ sở hữu yêu cầu thì cấp chung một giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Điều kiện mua bán nhà ở đồng sở hữu

Đối với trường hợp sở hữu chung theo phần

Căn cứ vào Điều 209, Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 126 Luật Nhà ở:

- Nếu trong Sổ đỏ có ghi rõ phần diện tích đất của mỗi chủ sở hữu thì phần diện tích đất đó được xác định là sở hữu chung theo phần.

- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt đối với phần diện tích đất thuộc quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Nếu một trong các chủ sở hữu muốn bán phần đất mình sở hữu thì các chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. 

- Sau 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc bán phần quyền sở hữu nhà ở mà không có chủ sở hữu chung nào mua, thì mới được phép bán cho người khác. 

- Trường hợp Tòa án tuyên bố một trong các chủ sở hữu mất tích thì các chủ sở hữu chung còn lại được quyền bán nhà ở đó.

Đối với trường hợp sở hữu chung hợp nhất

Căn cứ vào Điều 210, Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015:

- Nếu trong Sổ đỏ không ghi rõ phần diện tích đất của mỗi chủ sở hữu thì mảnh đất đó được xác định là sở hữu chung hợp nhất.

- Mỗi chủ sở hữu chung hợp nhất đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.

- Mọi giao dịch liên quan đến đất, tài sản gắn liền với đất phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên là chủ sở hữu chung của tài sản đó. 

- Nếu một trong số các chủ sở hữu chung không đồng ý bán thì các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ sang tên nhà đồng sở hữu bao gồm những gì?

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, hồ sơ sang tên nhà đồng sở hữu bao gồm những giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (đã công chứng);

- Biên bản thỏa thuận đồng ý bán nhà đất của những người đồng sở hữu (đã công chứng);

- Đơn đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân

- Tờ khai lệ phí trước bạ

- Giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD) của các đồng sở hữu và người được nhận chuyển nhượng.

Thủ tục mua bán nhà nhà đồng sở hữu theo quy định của pháp luật

Căn cứ vào Khoản 1, Khoản 2 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trình tự mua bán nhà đất đồng sở hữu như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ sang tên nhà đồng sở hữu

- Người sử dụng đất mang theo hồ sơ đã chuẩn bị như trên đến nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc văn phòng Đăng ký đất đai hoặc văn phòng UBND quận, huyện.

- Nếu người sử dụng đất nộp hồ sơ tại văn phòng UBND quận, huyện thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trao phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ. Sau đó, tiến hành chuyển hồ sơ đến văn phòng Đăng ký đất đai..

- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ thì trong vòng tối đa 03 ngày, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ thông báo và hướng dẫn đến người nộp hồ sơ để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.

Bước 2: Văn phòng Đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ và thực hiện các công việc sau:

- Thông báo cho bên chuyển nhượng và niêm yết tại UBND xã về việc cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng.

- Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

- Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.

- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

- Chuyển kết quả đến Bộ phận tiếp nhận để trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

- Xác nhận vào bản chính giấy tờ việc đã cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Bước 3: Chờ kết quả

Người nhận chuyển nhượng nhận lại bản chính giấy tờ đã được xác nhận cấp Giấy chứng nhận và Giấy chứng nhận. Thời gian để nhận được kết quả là sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ.

Mua nhà chung sổ thì có tách sổ được không?

Sổ đỏ/Sổ hồng chung là xác lập quyền sở hữu cho 2 người trở lên và hoàn toàn có thể được tách sổ riêng. Tuy nhiên, thửa đất muốn được tách phải đủ điều kiện về diện tích tối thiểu - Căn cứ tại Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về trình tự, thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất.

Trên đây là những thông tin về mua bán nhà đồng sở hữu được Alomuabannhadat tổng hợp từ những nguồn uy tín. Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích với bạn!

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất