Mua bán nhà đất trả chậm, trả dần, trả góp

Hiện nay, có rất nhiều gia đình trẻ muốn mua nhà, căn hộ ở các thành phố lớn để an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ số tiền lớn để thanh toán luôn một lần cho người bán.

Chính vì thế, nhiều người đã lựa chọn hình thức mua nhà đất trả góp theo các kỳ hạn định kỳ như 03 tháng, 06 tháng, 01 năm, 03 năm…

Có những hình thức mua bán nhà đất trả góp nào?

Dưới đây là những hình thức mua bán nhà đất trả góp phổ biến nhất hiện nay:

1. Trả góp cho chủ đầu tư

Nếu mua căn hộ chung cư, nhà ở, đất nền… từ chủ đầu tư thì thông thường, người mua sẽ làm hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Tiến độ thanh toán sẽ được chia thành nhiều đợt: đợt 1 thường trả trước 20% trên tổng số tiền, các đợt sau sẽ thanh toán theo % tương ứng còn lại.

2. Trả góp cho ngân hàng

Trong trường hợp này, người mua dùng chính căn hộ chung cư, nhà ở… vừa mua để thế chấp ở ngân hàng, vay trả góp từ ngân hàng để thanh toán toàn bộ số tiền cho người bán trong một lần.

Đây là hình thức được rất nhiều người lựa chọn vì thời hạn vay ngân hàng có thể kéo dài đến 25 năm. Người vay sẽ được trả dần cả gốc và lãi trong thời gian thỏa thuận với ngân hàng.

3. Trả góp cho bên bán

Ngoài 2 trường hợp trên, nếu mua nhà từ người bán bình thường (không phải chủ đầu tư) thì người mua cũng có thể trả góp cho người bán nếu hai bên có thoả thuận. Tùy vào thỏa thuận giữa các bên mà người bán có thể phải trả thêm tiền lãi hoặc không.

Nhà đang trả góp có bán được không?

Trường hợp 1: Mua nhà ở trả góp từ chủ đầu tư, người bán

Việc mua bán nhà theo hình thức trả chậm, trả dần, trả góp được quy định tại Điều 125 Luật Nhà ở năm 2014 như sau:

  • Do các bên thỏa thuận với nhau và ghi rõ trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà ở.

  • Trong thời gian đang trả góp thì bên mua được sử dụng nhà ở và có trách nhiệm bảo trì, trừ trường hợp nhà ở còn trong thời hạn bảo hành theo quy định của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.

Đặc biệt, căn cứ tại khoản 2 Điều 125 Luật Nhà ở 2014 thì bên mua nhà ở theo hình thức trả góp muốn bán lại cho người khác bắt buộc phải thanh toán đầy đủ tiền mua nhà ở cho bên bán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Theo điều 453 Bộ luật Dân sự 2015, bên bán được bảo lưu quyền sở hữu nhà ở cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp 2: Mua nhà ở trả góp cho ngân hàng

Căn cứ theo khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên thế chấp (bên mua nhà theo hình thức trả góp) chỉ được bán căn nhà đang thế chấp ngân hàng cho người khác nếu được ngân hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.

Nhà mua trả góp, trả dần, trả chậm có được thế chấp?

Căn cứ tại Điều 125, Luật nhà ở 2014 thì bên mua nhà theo hình thức trả chậm, trả dần chỉ được thế chấp căn nhà khi đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán tiền mua nhà. Nếu muốn thế chấp căn nhà khi chưa thanh toán hết tiền cho bên bán thì phải có được sự đồng ý của bên bán hoặc các bên có thỏa thuận khác.

Hợp đồng mua bán nhà ở trả góp gồm có những nội dung gì?

Căn cứ Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng mua nhà ở trả góp phải bao gồm những nội dung sau:

1. Các bên có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng

2. Hợp đồng có thể bao gồm các nội dung sau:

  • Họ tên và địa chỉ của các bên

  • Đặc điểm của sản phẩm nhà đất (nhà ở, chung cư…) đang giao dịch

  • Giá giao dịch, thời hạn và phương thức thanh toán

  • Thời gian giao nhận nhà

  • Quyền và nghĩa vụ của các bên

  • Cam kết của các bên

  • Các thỏa thuận khác

  • Thời điểm hợp đồng có hiệu lực 

  • Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng

  • Ký và ghi rõ họ tên của các bên

Như vậy bên bán và bên mua có thể thỏa thuận với nhau về thời hạn và phương thức thanh toán, thời gian giao nhận nhà, thời điểm hợp đồng có hiệu lực.

Hợp đồng mua bán nhà ở trả góp phải được lập thành văn bản và được công chứng, chứng thực. Việc công chứng hợp đồng được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng còn việc chứng thực hợp đồng được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có nhà ở.

Sau khi được công chứng, chứng thực, hợp đồng mua bán nhà ở trả chậm, trả góp có giá trị về mặt pháp lý và các bên có nghĩa vụ phải thực hiện theo những nội dung có trong hợp đồng.

Trên đây là những thông tin bạn nên biết khi mua bán nhà đất theo hình thức trả chậm, trả dần, trả góp. Đừng quên theo dõi Alomuabannhadat để tránh bỏ lỡ những bài viết khác về lĩnh vực mua bán nhà đất nhé!

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất