Những điều cần biết khi đặt cọc mua nhà đất

Trong bài viết dưới đây, Alomuabannhadat xin chia sẻ đến bạn những điều cần biết khi đặt cọc mua bán nhà đất để tránh trường hợp bị lừa mất tiền cọc hoặc vướng phải các tranh chấp không đáng có.

Đặt cọc mua nhà đất là gì?

Theo khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015: “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.

Từ quy định trên, có thể hiểu rằng đặt cọc mua nhà đất là việc bên mua giao cho bên bán một khoản tiền (gọi là tiền đặt cọc) trong một thời hạn nhất định theo thoả thuận giữa hai bên. Sau đó, bên bán có nghĩa vụ hoàn lại số tiền này cho bên mua sau khi thủ tục bàn giao nhà đất hoàn tất.

Trên thực tế, mục đích của việc đặt cọc khi mua nhà đất là để đảm bảo người bán không chuyển nhượng, bán nhà đất cho người khác.

Phân biệt giữa tiền đặt cọc và tiền đặt trước

Hiện nay, có không ít người bị nhầm lẫn giữa tiền đặt cọc và tiền trả trước. Tuy nhiên, đây là hai khái niệm khác nhau. Tiền trả trước là một khoản tiền nhỏ trong toàn bộ chi phí mua nhà đất mà bên mua phải giao cho bên bán, dù chưa được nhận bàn giao nhà đất.

Có bắt buộc phải đặt cọc khi mua nhà đất?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không có điều khoản nào bắt buộc phải đặt cọc khi mua bán nhà đất. Nếu các bên có tiến hành đặt cọc mua bán nhà đất thì bước này được thực hiện trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhà đất.

Có phải công chứng/chứng thực hợp đồng đặt cọc không?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Công chứng 2014 và văn bản hướng dẫn thi hành thì không có điều khoản nào bắt buộc phải công chứng/chứng thực hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tranh chấp thì các bên nên công chứng/chứng thực hợp đồng đặt cọc khi mua nhà đất.

Mức phạt cọc nếu không thực hiện giao dịch mua bán nhà đất

Căn cứ tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi bên nhận đặt cọc hoặc bên đặt cọc không giao kết hoặc thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận thì mức phạt cọc như sau:

  • Nếu bên nhận đặt cọc (bên bán) không thực hiện giao dịch mua bán nhà đất thì phải trả cho bên đặt cọc (bên mua) số tiền đặt cọc cộng thêm một khoản tiền tương đương với số tiền đặt cọc.

  • Nếu bên đặt cọc (bên mua) không thực hiện giao dịch mua bán nhà đất thì số tiền đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc (bên bán).

Lưu ý: Nếu các bên có các thỏa thuận khác như: không phạt cọc, phạt cọc theo mức thấp hơn hoặc cao hơn số tiền đặt cọc thì thực hiện theo thỏa thuận đó. Tuy nhiên, nội dung của thỏa thuận không được vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.

Trường hợp nào không bị phạt cọc?

Trường hợp chỉ có giấy biên nhận tiền nhưng trong giấy đó không ghi là đặt cọc thì các bên sẽ không bị phạt cọc. Số tiền ghi trong giấy biên nhận được coi là “tiền trả trước”. Nếu các bên không thực hiện giao dịch mua bán nhà đất thì khoản tiền này sẽ được xử lý như sau:

  • Nếu bên đưa tiền (bên mua) không thực hiện giao dịch mua bán nhà đất thì sẽ được nhận lại khoản tiền trả trước mà không phải chịu phạt, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

  • Nếu bên nhận tiền (bên bán) từ chối thực hiện giao dịch mua bán nhà đất thì phải trả lại khoản tiền trả trước cho bên mua mà không phải chịu phạt, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, khi có nhu cầu mua bán nhà đất, bạn cần phải lưu ý vấn đề này bởi đã có rất nhiều trường hợp muốn phạt cọc bên còn lại nhưng không có thỏa thuận đặt cọc thì không xử lý được.

Mua nhà đất nên đặt cọc bao nhiêu?

Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về số tiền phải đặt cọc bao nhiêu thì hợp đồng đặt cọc nhà đất mới có hiệu lực. Vì thế, các bên được quyền thỏa thuận về mức đặt cọc. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro thì người mua nên đặt cọc không quá 30% giá trị của nhà đất (là số tiền ghi trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng).

Các chiêu lừa tiền đặt cọc phổ biến nhất hiện nay

Hiện nay, có không ít người bị lừa mất tiền đặt cọc khi mua nhà đất. Một số trường hợp điển hình như:

1. Lừa nhận tiền cọc rồi biến mất: Người bán viện đủ lý do để không thực hiện giao dịch mua bán nhà đất nhưng vẫn lừa người mua giao tiền đặt cọc mà không có hợp đồng đặt cọc công chứng/chứng thực.

2. Rao bán một sản phẩm nhà đất cho nhiều người: Người bán sẽ nhận tiền đặt cọc một sản phẩm nhà đất của nhiều người, dẫn đến những tranh chấp về sau.

3. Lừa bán nhà đất của người khác: Người bán tự xưng là chủ sở hữu nhà đất để giao dịch với người mua. Sau khi nhận tiền đặt cọc, đối tượng này sẽ ngay lập tức bỏ trốn cùng với số tiền đặt cọc.

Làm sao để tránh được những rủi ro khi đặt cọc?

Để tránh trở thành nạn nhân bị lừa mất tiền cọc như các trường hợp mà Alomuabannhadat đã kể trên, trước khi đưa tiền cọc bạn cần:

1. Xác định thửa đất, nhà ở đủ điều kiện mua bán

Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất chỉ được chuyển nhượng, bán đất khi có đủ các điều kiện dưới đây:

  • Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013)

  • Đất không xảy ra tranh chấp

  • Đất vẫn trong thời hạn sử dụng

  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án

Điều kiện mua bán nhà ở:

Theo Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014, người sở hữu nhà ở được phép bán nhà khi có đủ các điều kiện sau:

  • Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở

  • Không xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở

  • Nhà đang ở trong thời hạn sở hữu (đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn)

  • Nhà không bị kê biên để bảo đảm thi hành án

  • Không thuộc diện bị thu hồi, giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền

2. Kiểm tra thông tin về người bán

Việc kiểm tra thông về người bán sẽ giúp bạn biết được người bán nhà đất cho bạn là ai? Chính chủ bán nhà hay người khác bán hộ? Người đó có đủ điều kiện để bán nhà đất cho bạn không?... Từ đó giúp bạn tránh được trường hợp người bán lừa bán nhà đất của người khác cho bạn, sau đó lấy tiền cọc và biến mất.

Trên đây là những thông tin cần biết khi đặt cọc mua nhà đất được Alomuabannhadat tổng hợp. Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn và đừng quên theo dõi Nhà đất Alomuabannhadat thường xuyên để tránh bỏ lỡ những thông tin thú vị khác về lĩnh vực bất động sản nhé!

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất