Xét về tính pháp lý, Sổ trắng có giá trị tương đương với Sổ đỏ và Sổ hồng. Tuy nhiên, hiện nay, Sổ trắng không còn được sử dụng để thực hiện các giao dịch nhà đất nữa.
Vậy, trong trường hợp mua bán nhà đất có Sổ trắng thì phải xử lý như thế nào? Làm sao để chuyển đổi Sổ trắng sang Sổ hồng?
Sổ trắng là gì?
Tương tự như Sổ đỏ và Sổ hồng, Sổ trắng là cách gọi của người dân dựa trên màu sắc bìa của quyển Sổ. Các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa quy định cụ thể về khái niệm Sổ trắng.
Chúng ta có thể hiểu, Sổ trắng là một loại giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất được Nhà nước công nhận từ rất lâu về trước. Đây cũng là lý do hiện nay có rất nhiều người không biết đến sự có mặt của loại sổ này.
Một số mốc thời gian về Sổ trắng:
-
Trước ngày 30/4/1975: Nhà nước ban hành Bằng khoán điền thổ, Văn tự đoạn mãi bất động sản để ghi nhận các giao dịch bất động sản.
-
Sau ngày 30/4/1975: Cơ quan có thẩm quyền ban hành Giấy phép mua bán nhà, Giấy chứng nhận hoặc quyết định của UBND cấp huyện công nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy cho phép xây dựng…
Hiện nay, Sổ trắng được dùng để chỉ một số giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18, Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Bao gồm:
-
Văn tự đoạn mãi bất động sản có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
-
Văn tự mua bán nhà ở, trao đổi nhà ở, tặng cho nhà ở, thừa kế nhà ở gắn liền với đất có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
-
Bằng khoán điền thổ.
-
Giấy tờ mua nhà ở thuộc Sổ hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật; giấy tờ thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở.
-
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ địa chính, Sổ đăng ký ruộng đất trước ngày 15/10/1993.
Khi nào cần đổi từ Sổ trắng sang Sổ hồng?
Theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ thì bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, những loại Sổ trắng như Văn tự đoạn Mãi, Bằng khoán điền thổ… phải chuyển đổi sang Sổ đỏ (đối với các loại giấy trắng về đất), Sổ hồng (đối với các loại giấy trắng về nhà và đất) thì mới được thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng cho nhà đất.
Nếu Sổ trắng chỉ là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nhưng có ghi diện tích đất khuôn viên thì được công nhận quyền sử dụng đất gắn liền. Trường hợp này, Sổ trắng sẽ được chuyển đổi thành Sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở).
Hồ sơ chuyển đổi Sổ trắng sang Sổ Hồng
Căn cứ vào khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, cá nhân/ hộ gia đình muốn chuyển đổi Sổ trắng sang Sổ Hồng cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:
-
Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.
-
Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
-
Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính và giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).
-
Hai bản chính bản vẽ sơ đồ đất ở, nhà ở do tổ chức có tư cách pháp nhân về đo vẽ nhà đất lập.
-
Hai bản sao chứng thực CMND/ CCCD và hộ khẩu của chủ nhà ở, đất ở.
Khi nộp hồ sơ, cá nhân/ hộ gia đình có thể lựa chọn một trong những phương án sau:
-
Nộp bản chính giấy tờ.
-
Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
-
Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao.
Quy trình thực hiện việc chuyển đổi Sổ trắng sang Sổ hồng
Bước 1: Nộp hồ sơ
Hộ gia đình/ cá nhân có thể lựa chọn nộp hồ sơ theo 2 cách sau:
Cách 1: Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất.
Cách 2: Không nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất, cụ thể:
-
Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp huyện nếu địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính.
-
Nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu địa phương chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ
Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ đổi Sổ trắng sang Sổ hồng, tiến hành kiểm tra hồ sơ và xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận.
Tiếp theo, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời, chỉnh lý và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Ở bước này, hộ gia đình/ cá nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:
-
Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình/ cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo.
-
Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và xuất trình khi nhận Sổ hồng.
Bước 4. Trả kết quả
Văn phòng đăng ký đất đai trao Sổ hồng cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã. Người nộp hồ sơ đến nhận kết quả theo thời gian ghi trên giấy hẹn.
Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian cấp Sổ hồng lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và không quá 40 ngày đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo…
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu được Sổ trắng là gì, đồng thời biết được quy trình chuyển đổi Sổ trắng sang Sổ hồng khi có nhu cầu. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì, bạn hãy liên hệ với Alomuabannhadat để được giải đáp nhé!
theo CafeLand