Tầng lửng là một tầng trung gian, được thiết kế giữa các tầng của ngôi nhà, do đó, tầng lửng không được tính vào các tầng tổng thể của một ngôi nhà (như tầng 1, tầng 2, tầng 3...).
Trong thời buổi hiện nay, mỗi tấc đất được coi như mỗi tấc vàng, do đó, không phải ai cũng sở hữu cho mình được một căn nhà rộng hoặc có thể xây được nhà nhiều tầng. Lúc này, tầng lửng (có tên gọi khác là gác lửng, gác xép) được xem là giải pháp giúp ngôi nhà của bạn trở nên rộng rãi hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về tầng lửng, biết hết các loại tầng lửng cũng như những quy định khi thiết kế tầng lửng.
Tầng lửng là gì?
Thuật ngữ tầng lửng bắt nguồn từ tiếng Ý là Mezzano, có tên gọi trong tiếng anh là Mezzanine. Tầng lửng là một tầng trung gian, được thiết kế giữa các tầng của ngôi nhà, do đó, tầng lửng không được tính vào các tầng tổng thể của một ngôi nhà. Thông thường, tầng lửng được thiết kế nằm trong tầng dưới cùng của ngôi nhà (tầng trệt) với trần thấp.
Lợi ích khi thiết kế tầng lửng
Với những căn nhà có diện tích nhỏ hoặc xây dựng trong khu vực bị giới hạn chiều cao thì việc thiết kế gác lửng có thể giúp mở rộng không gian. Gia chủ có thể tận dụng gác lửng để làm phòng thờ, phòng đọc sách, phòng làm việc, phòng ngủ…
Đối với những ngôi nhà nằm ở vị trí mặt tiền, gia chủ cần mặt bằng tầng trệt làm nơi để xe, kinh doanh buôn bán thì việc thiết kế tầng lửng sẽ giúp làm tăng thêm diện tích khi sử dụng.
Còn với những căn nhà có diện tích lớn, việc thiết kế gác lửng giúp mang đến không gian thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều mẫu thiết kế gác lửng đẹp, do đó việc xây dựng thêm gác lửng sẽ khiến ngôi nhà của bạn gia tăng tính thẩm mỹ đồng thời giúp gia chủ thể hiện được phong cách riêng.
Quy định khi thiết kế tầng lửng
Có thể thấy tầng lửng mang đến nhiều lợi ích cho ngôi nhà của bạn, tuy nhiên, không phải ngôi nhà nào cũng được phép thiết kế gác lửng bởi điều này còn phụ thuộc vào quy định của đơn vị quy hoạch hoặc từng quận.
Theo quy định của Bộ Xây dựng, diện tích của sàn tầng lửng không được vượt quá 80% diện tích sàn của tầng ngay bên dưới (thường là tầng trệt). Trong trường hợp chủ nhà thiết kế làm mất ô thông lối của tầng lửng sẽ bị xử phạt vì đã xây dựng vượt quá số tầng cho phép.
Độ cao của tầng lửng phải đạt chiều cao từ 2,5 - 2,8m, chiếm khoảng ⅔ chiều sâu của căn nhà. Điều này giúp ngôi nhà trở nên thông thoáng hơn, tránh việc di chuyển trở nên bất tiện do trần nhà quá thấp.
Đặc biệt, nếu chủ nhà muốn xây tầng lửng nằm tại tầng trệt thì chiều cao của tầng trệt không được thấp hơn 5m. Ngoài ra, việc thiết kế cầu thang từ tầng trệt lên tầng lửng cũng rất quan trọng. Cầu thang nên có thiết kế nhỏ gọn, bố trí sát tường và thuận tiện cho việc đi lại nhất.
Phân loại tầng lửng
Hiện nay, có 5 loại tầng lửng: Tầng lửng phía trước, tầng lửng phía sau, tầng lửng bên hông, tầng lửng trong phòng và tầng lửng công nghiệp. Cụ thể như sau:
Tầng lửng phía trước: Được rất nhiều gia chủ lựa chọn bởi nó giúp tăng thêm tính thẩm mỹ cho phòng khách và giúp bạn dễ dàng quan sát phía trước nhà hơn.
Tầng lửng phía sau: Xuất hiện phổ biến trong các công trình nhà phố, giúp mang lại sự mới mẻ cho phòng khách và thuận lợi cho việc quan sát tầng trệt.
Tầng lửng bên hông: Chỉ phù hợp với những căn nhà có diện tích rộng, giúp gia chủ gây ấn tượng với phong cách thiết kế độc đáo.
Tầng lửng trong phòng: Nếu căn phòng có diện tích nhỏ thì việc xây dựng thêm gác lửng sẽ giúp mở rộng không gian nhưng vẫn đảm bảo được tính riêng tư. Tầng lửng trong phòng rất thích hợp để làm phòng ngủ, phòng làm việc, phòng đọc sách…
Tầng lửng công nghiệp: Được lắp đặt trong các nhà kho xưởng của khu công nghiệp để tăng không gian chứa hàng hóa, nguyên vật liệu… Ưu điểm của loại gác lửng này là có thể tháo dỡ và di dời được.
Lưu ý thiết kế tầng lửng đẹp, hợp phong thủy
Nếu bạn đang có ý định thiết kế gác lửng trong ngôi nhà của mình thì những lưu ý sau đây sẽ rất hữu ích với bạn đấy!
Lựa chọn màu sắc phù hợp cho gác lửng
Để mang đến sự hài hòa cho tổng thể không gian, bạn nên sơn màu cho gác lửng giống với màu chủ đạo của ngôi nhà. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng kính trong suốt cho cho phần lan can để tạo cảm giác thông thoáng đồng thời tăng vẻ đẹp hiện đại cho gác lửng.
Cách chọn vật liệu thiết kế tầng lửng thích hợp
Căn cứ vào khả năng tài chính để lựa chọn vật liệu thiết kế sao cho phù hợp. Hiện nay, có 3 loại vật liệu được sử dụng phổ biến trong thiết kế tầng lửng là: Tấm lót PVC, ván gỗ lót và tấm xi măng Cemboard. Chúng được sắp xếp với mức giá tăng dần, tương ứng với công năng sử dụng.
Lựa chọn nội thất phù hợp cho gác lửng
Thông thường, gác lửng có chiều cao thấp và không gian khá hẹp, do đó, bạn nên chọn nội thất nhỏ gọn, đa chức năng vừa dễ dàng bày trí lại rất tiện dụng. Bên cạnh đó, bạn nên chọn nội thất có gam màu trung tính để tạo cảm giác rộng hơn cho gác lửng.
Thiết kế tầng lửng hợp phong thủy
Không nên thiết kế xà ngang cho gác lửng bởi theo phong thủy, xà ngang làm chèn ép luồng khí di chuyển xung quanh nhà, khiến tài lộc của gia chủ bị suy giảm.
Cầu thang đi lên gác lửng không nên thiết kế thẳng, dốc bởi theo phong thủy điều này sẽ làm luồng vượng khí đi xuống và thoát đi nhanh hơn. Do đó, bạn nên thiết kế cầu thang dạng xoắn ốc hoặc có chỗ vòng để luồng khí được giữ lại lâu hơn.
Nên thiết kế cửa sổ cho gác lửng để lấy ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài, giúp không gian gác lửng trở nên thông thoáng, sáng sủa hơn. Ngoài ra, theo phong thủy, việc thiết kế cửa sổ cho gác lửng còn giúp thu hút luồng vượng khí, mang lại nhiều tài lộc cho gia chủ.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ về tầng lửng và có các phương án để thiết kế tầng lửng đẹp, hợp phong thủy. Bên cạnh đó, đừng quên follow Alomuabannhadat để cập nhật các thêm những thông tin hữu ích khác nhé!
theo CafeLand