Hiện nay, vẫn có nhiều người mua nhà đất lầm tưởng rằng vi bằng do thừa phát lại lập có giá trị như một hợp đồng mua bán nhà. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy và có nguy cơ mất trắng khi xảy ra tranh chấp.
Vậy vi bằng là gì? Giá trị pháp lý của vi bằng đến đâu? Tất cả những thắc mắc này sẽ được Alomuabannhadat giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.
Vi bằng là gì?
Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020, vi bằng được định nghĩa như sau: Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập để ghi lại những sự kiện, hành vi có thật mà mình chứng kiến khi được cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu.
Như vậy, vi bằng là một tài liệu bằng văn bản (có thể kèm theo các hình ảnh, âm thanh, video trong trường hợp xét thấy cần thiết). Trong văn bản này, Thừa phát lại sẽ tiến hành mô tả lại hành vi, sự kiện đã xảy ra trên thực tế mà chính Thừa phát lại chứng kiến một cách khách quan, trung thực.
Thông tin thêm:
Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định.
Thừa phát lại làm việc trong văn phòng Thừa phát lại. Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập.
Giá trị pháp lý của vi bằng
Theo khoản 2 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, vi bằng có giá trị pháp lý như sau:
Thứ 1: Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
Như vậy, vi bằng không phải văn bản công chứng, không thay thế văn bản công chứng. Vi bằng và văn bản công chứng là hai loại giấy tờ khác nhau. Điều này cũng có nghĩa là vi bằng khác với hợp đồng mua bán nhà đất đã công chứng.
Thứ 2: Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Như vậy, vi bằng cũng là một trong những nguồn chứng cứ trước Tòa án nếu có phát sinh bất cứ tranh chấp nào liên quan đến sự kiện, hành vi đã được lập vi bằng đó. Đồng thời là căn cứ để thực hiện giao dịch mua bán nhà đất giữa các bên.
Công chứng vi bằng là gì? Có giá trị pháp lý không?
Công chứng vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, được công chứng viên chứng nhận, làm chứng cứ. Công chứng vi bằng sẽ ghi nhận sự kiện, hành vi để làm chứng trong xét xử và được pháp luật công nhận theo quy định của Luật Công chứng 2014.
Như vậy, công chứng vi bằng không có giá trị pháp lý mà chỉ có giá trị làm chứng cứ trước tòa án.
Thủ tục lập vi bằng như thế nào?
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người có nhu cầu lập vi bằng cần chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
-
Dự thảo vi bằng (nếu có)
-
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn, sổ hộ khẩu… của người muốn lập vi bằng.
-
Giấy tờ liên quan đến sự kiện, hành vi thực tế: Sổ đỏ, Sổ hồng, giấy đăng ký lái xe… (nếu có)
Bước 2: Thỏa thuận việc lập vi bằng với Thừa phát lại
Người yêu cầu lập vi bằng phải thỏa thuận bằng văn bản với Thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chính như:
Lưu ý: Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản giống nhau.
Bước 3: Thừa phát lại tiến hành lập vi bằng
Thừa phát lại lập vi bằng và chịu trách nhiệm về vi bằng mình lập trước người yêu cầu và trước pháp luật. Nếu cần thiết, Thừa phát lại có thể mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.
Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
Sau đó, Thừa phát lại sẽ chia ra làm 3 bản có giá trị pháp lý như nhau, cụ thể:
-
1 bản dành cho Sở Tư Pháp
-
1 bản dành cho người yêu cầu lập vi bằng
-
1 bản dành cho Văn phòng Thừa phát lại lưu trữ
Bước 4: Người yêu cầu nhận vi bằng
Sau khi giấy tờ được Sở Tư Pháp chấp thuận, Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng sẽ tiến hành lập văn bản thanh lý thỏa thuận việc làm vi bằng. Cuối cùng, chỉ cần thanh toán tiền và Văn phòng Thừa phát sẽ bàn giao vi bằng cho bạn.
Lưu ý: Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về thời gian giải quyết lập vi bằng. Thông thường, việc lập vi bằng sẽ giải quyết xong trong ngày làm việc.
Trên đây là những thông tin về vi bằng do Alomuabannhadat tổng hợp từ các nguồn uy tín. Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích với bạn!
theo CafeLand