Alomuabannhadat - Theo công ty bất động sản CBRE, doanh số phân khúc bán lẻ ở hầu hết các thị trường Châu Á Thái Bình Dương (APAC) trong 6 tháng đầu năm đã vượt qua, hoặc ngang với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.
Xu hướng tiêu dùng thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch, hướng tới các mặt hàng xa xỉ, đồ thể thao và quần áo. Sự phục hồi của thị trường bán lẻ thúc đẩy tăng trưởng đối với nhu cầu thuê mặt bằng tại các quốc gia.
Theo CBRE, giá thuê đối với phân khúc bán lẻ sẽ dần ổn định vào năm 2022, trong đó giá thuê tại các trung tâm thương mại lớn có khả năng phục hồi cao hơn.
Sau khi nền kinh tế APAC bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi vào cuối năm 2020, kết quả một cuộc khảo sát của CBRE cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư với lĩnh vực bán lẻ đã tăng trở lại. Nhu cầu thuê mặt bằng vẫn được duy trì nhờ vào nhu cầu mua sắm trong mùa dịch tăng cao của người tiêu dùng trong nước. Ngược lại, những thương hiệu đa quốc gia gặp khó vì các lệnh giãn cách xã hội.
Đại dịch tác động đến hành vi người tiêu dùng, dẫn tới sự phục hồi hiệu suất đối với các hoạt động bán lẻ hàng ngày. Vì vậy, nhu cầu thuê ở những thị trường lớn vẫn tăng. Ngược lại, những thị trường thứ cấp, có vị trí không quá thuận lợi phải vật lộn để giữ chân khách hàng. Do đó, CBRE tin rằng những thị trường nhỏ sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi hơn.
CBRE dự đoán mặt bằng chung giá thuê tại khu vực APAC trong năm 2021 sẽ tăng nhẹ so với năm 2020. Tuy nhiên, sau những đợt bùng phát mới của biến thể delta trong năm nay, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại đã giảm nhẹ. Do đó, giá thuê phần lớn sẽ chịu ảnh hưởng bởi tác động từ những làn sóng bùng phát của đại dịch COVID-19.
Hong Kong, một trong những thị trường bất động sản đất đỏ nhất thế giới đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong năm 2020. Dù vậy, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tại thị trường này đang tăng nhanh trong năm 2021. Theo CBRE, Hong Kong dự kiến sẽ dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng giá thuê mặt bằng bán lẻ tại châu Á trong năm 2021, dự kiến ở mức tăng 5% so với năm 2020. Dù vậy, giá thuê vẫn sẽ thấp hơn năm 2019.
Trong khi đó, các hoạt động bán lẻ ở Úc dự kiến sẽ bị phân hóa do tình trạng giãn cách kéo dài. Mặt bằng ở các quận trung tâm có khả năng điều chỉnh giá thuê sâu hơn trong bối cảnh lượng người mua sắm giảm và tỷ lệ trống cao. Ngoài ra, xu hướng tại Úc trong thời gian gần đây hướng đến việc mua sắm tiện lợi.
Tựu chung lại, các chuyên gia vẫn cho rằng thị trường bán lẻ chưa thể ổn định trong năm 2021. Triển vọng phục hồi rõ ràng nhất đến ở những thị trường lớn, nơi có mật độ dân số lẫn nhu cầu mua sắm cao, trong khi triển vọng tăng trưởng đối với những thị trường cấp thấp sẽ phụ thuộc vào sự hiệu quả trong công tác phòng chống sự lây lan của đại dịch COVID-19.
theo CafeLand