TP.HCM: Rà soát các khu đất hoán đổi dự án BT

Để đẩy nhanh tiến độ thanh toán các hợp đồng BT đối với một số công trình trọng điểm trên địa bàn, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa giao một số sở, ngành chức năng khẩn trương rà soát tính pháp lý của các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư. Đây cũng là động thái được các nhà đầu tư trông chờ để tháo gỡ phần nào tiến độ một số dự án BT phải ngừng thi công thời gian qua.

Thi công cống ngăn triều Phú Định thuộc dự án BT - Dự án Ngăn triều TP.HCM giai đoạn 1.

Khởi công cuối năm 2017 đến tháng 11-2019, dự án vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức) dài 2,75 km phải tạm ngừng thi công vì gặp khó khăn về phụ lục hợp đồng cũng như không có mặt bằng thi công. Đây là dự án thực hiện theo hình thức BT, do Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Bắc Ái đầu tư xây dựng với nguồn vốn khoảng 2.100 tỷ đồng.

Giám đốc Công ty Văn Phú - Bắc Ái Trần Đức Thắng cho biết: “Công ty đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng để thi công dự án và bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được quyết định giao đất khiến nhà đầu tư vừa thiếu niềm tin vừa khó khăn cho hoạch định thi công”. Theo hợp đồng ký kết, TP.HCM sẽ thanh toán lại giá trị hợp đồng BT cho liên doanh các nhà đầu tư dự án vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa) bằng một số khu đất gồm: 234 Lý Tự Trọng, quận 1; 129 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh; 368 và 582 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân; 132 Đào Duy Từ, quận 10. Song, như thông tin từ phía nhà đầu tư, đến nay dự án phải đình lại còn nhà đầu tư vẫn trông chờ một quyết định giao đất từ chính quyền thành phố.

Một dự án BT khác có nguồn vốn đầu tư lớn là dự án ngăn triều TP.HCM giai đoạn 1 với tổng nguồn vốn gần 10 nghìn tỷ đồng, hiện đạt gần 80% khối lượng sau bốn năm thi công. Theo nhà đầu tư - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam, trong hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư và UBND thành phố, nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng công trình ngăn triều, đổi lại thành phố sẽ giao quỹ đất cho nhà đầu tư tương đương 16% tổng mức đầu tư (khoảng 1.539 tỷ đồng). Nhà đầu tư này cũng mong muốn các sở, ngành thành phố sớm xác định tính chất pháp lý và phương thức thanh toán giá trị các khu đất để làm cơ sở thực hiện hợp đồng BT đã ký kết. Hiện dự án này đã trễ hơn hai năm so tiến độ đề ra. Nhà đầu tư đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án vào cuối năm 2020. Dự án này khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết vấn đề ngập do triều cường trên địa bàn thành phố với diện tích khoảng 570 km2 các quận 1, 4, 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, yếu tố pháp lý và cơ chế thanh toán đổi đất cho nhà đầu tư là một trong những vấn đề vướng trong quá trình hợp tác. Đơn cử, trong số đó là dự án BT xây dựng đoạn vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức), dự án BT xây dựng đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dù đã hoàn tất khối lượng lớn các hạng mục thi công nhưng thành phố vẫn chưa có quyết định giao đất. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cũng cho rằng, bài toán khó nhất với địa phương trong các dự án đổi đất lấy hạ tầng BT chính là làm thế nào để thực hiện thanh toán đất cho nhà đầu tư như hoạt động chuyển nhượng đất, đấu giá đất. “Để bảo đảm tiến độ thi công, tránh phát sinh lãi suất gây lãng phí tài sản Nhà nước, thành phố cần nhanh chóng giao đất cho nhà đầu tư. Cần sớm điều chỉnh hợp đồng theo kết luận của kiểm toán và kết quả rà soát của các sở, ngành theo Nghị quyết 160 của Chính phủ”, ông Trần Đức Thắng đề nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết: Hiện nay, thành phố đang rà soát tất cả các dự án BT theo Nghị quyết 160 của Chính phủ về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT. Tuy nhiên trong lúc chờ Chính phủ có quy định hướng dẫn mới, thành phố giao cơ quan chức năng rà soát các hợp đồng BT, kiểm tra tính pháp lý các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư, trên cơ sở đó xây dựng quy trình thanh toán cho các dự án.

Nhiều ý kiến cho rằng, hình thức BT là kênh huy động vốn đầu tư hiệu quả nhưng quá trình thực hiện thành phố cần bảo đảm tính công khai, minh bạch để tránh phát sinh tiêu cực, nhất là trong việc tổ chức đấu giá đất, đấu thầu chọn nhà đầu tư. Cùng với đó, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn mới liên quan đến hợp đồng BT, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như chính quyền thành phố đối với các hợp đồng đã ký kết.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất