Xây thêm bến xe Yên Sở, Hà Nội đang toan tính gì?

Việc Hà Nội cấp phép xây dựng bến xe Yên Sở (gần bến Nước Ngầm, đường vành đai 3) đang khiến nhiều người nghi ngờ về những "toan tính" trong đó.

Mới đây, Hà Nội cấp phép xây dựng Bến xe Yên Sở ngay cạnh đường vành đai 3 và chỉ cách Bến xe Nước Ngầm 1km.

Theo các chuyên gia giao thông, việc xây dựng Bến xe Yên Sở sát đường vành đai 3 là trái với quan điểm di chuyển bến xe ra khu vực vành đai 4 của thành phố. Hơn nữa, quy hoạch bến xe ở Thủ đô đang đi ngược với thế giới.

Khu đất được chọn xây dựng Bến xe Yên Sở ngay sát đường vành đai 3.

"Nhồi" thêm bến xe cạnh 2 bến xe sắp di dời

UBND TP Hà Nội gửi Thường trực Thành uỷ Hà Nội báo cáo về Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trung tâm đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, các bến xe khách liên tỉnh được bố trí tại khu vực các trục đường hướng tâm giao với vành đai 4; từng bước thay thế toàn bộ các bến xe hiện có đang khai thác sử dụng nằm sâu trong khu vực nội đô (Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm).

Tại tờ trình ngày 28/12/2017 của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội về Đồ án Quy hoạch bến xe Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, dự kiến sau năm 2025 sẽ chuyển các bến xe hiện có của Hà Nội ra khu vực vành đai 4.

Trong đó, bến xe Gia Lâm và Giáp Bát sẽ di chuyển sau năm 2020, bến Mỹ Đình và Nước Ngầm di chuyển sau năm 2025. Bến Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ chuyển về Bến xe Ngọc Hồi (bến phía Nam).

Cách đó khoảng 1km là Bến xe Nước Ngầm hoạt động chưa hết công suất và nằm trong diện di dời theo quy hoạch.

Chủ trương là vậy, tuy nhiên, UBND TP Hà Nội lại quy hoạch và cấp phép đầu tư xây dựng Bến xe Yên Sở với diện tích khoảng 3,2 ha (cạnh Công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai) có mặt tiền trên đường vành đai 3, cách Bến xe Nước Ngầm chỉ 1km.

Theo quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Bến xe Yên Sở, bến xe này sẽ kết hợp xe khách và xe tải. Công suất khai thác xe khách tuyến cố định 800-1.000 lượt xe/ngày, đêm (giai đoạn đầu khai thác 400 lượt xe/ngày, đêm); công suất xe tải khoảng 200 lượt xe/ngày, đêm. Bến xe Yên Sở xây dựng trong giai đoạn 2017-2020, hỗ trợ cho Bến xe Giáp Bát.

Đặc biệt là việc cấp phép cho Bến xe Yên Sở hoạt động trong 50 năm.

Một số chuyên gia giao thông và doanh nghiệp vận tải khách tỏ ra băn khoăn đặt câu hỏi, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng bến xe Ngọc Hồi để chuyển bến Giáp Bát và sau này là bến Nước Ngầm xuống thì còn xây bến Yên Sở để làm gì?

Bến xe Giáp Bát cũng cách đó không xa.

"Vừa qua TP Hà Nội điều chuyển các tuyến phía Nam từ Mỹ Đình về Giáp Bát, Nước Ngầm đã khiến nhiều doanh nghiệp phải phá sản vì xe không có khách. Nếu sắp tới lại tiếp tục điều chuyển về Yên Sở thì thực sự doanh nghiệp vận tải không sống nổi”, đại diện một doanh nghiệp vận tải nói.

Bất thường về tổ chức giao thông, đi ngược thế giới

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, quy hoạch các bến xe thủ đô hiện nay đi ngược với thế giới, đặc biệt là các nước ở châu Âu (bến xe, nhà ga, metro, xe buýt đều tập trung ở một khu đầu mối trong nội đô).

Bên cạnh đó, việc xóa các bến xe cũ và chuyển ra ngoại thành ở nút giao vành đai 4 sẽ khiến các bến xe mới cách trung tâm nội đô và khu đông dân cư khoảng 10-20km.

Việc di chuyển này sẽ tạo bất lợi cho hành khách, gây khó khăn tiếp cận, làm tăng các chi phí đi lại, thời gian và gây rối loạn, ùn tắc giao thông khi mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe ô tô trung chuyển chở khách từ trong nội thành ra ngoại thành và ngược lại.

Mô hình quy hoạch Bến xe Yên Sở.

Mặt khác, Hà Nội sẽ mất hàng nghìn tỷ đồng để di chuyển các bến xe cũ tới vị trí mới, trong khi các bến này đều được đầu tư khang trang và hiện đại.

Do đó, ông Thủy cho rằng, nên giữ nguyên các bến xe hiện có, tiếp tục đầu tư hoặc xã hội hóa các bến xe về cơ sở hạ tầng. Hà Nội làm được điều này sẽ giúp tiếp kiệm quỹ đất (không phải bố trí hàng trăm ha đất để xây dựng bến xe mới) mà lại có thêm tiền để đầu tư vào bến xe hiện tại.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) nhấn mạnh, bến xe phải là nơi thuận tiện giao thông đi lại, đảm bảo đi lại an toàn và không gây ùn tắc giao thông. Trong khi khu vực đường vành đai 3 Yên Sở chỉ là đường gom nên TP Hà Nội cho xây bến xe ở đây là không hợp lý, chỉ tạo thêm áp lực giao thông trong khu vực.

Nhấn mạnh việc Hà Nội cho xây dựng Bến xe Yên Sở cạnh đường vành đai 3 là trái quan điểm di chuyển bến xe ra khu vực vành đai 4 của thành phố, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, cần thực hiện chuyển đồng loạt, tránh tình trạng bến đi, bến ở lại.

“Đã chuyển thì phải chuyển cả, chứ tất cả đi mà có một bến Yên Sở ở lại chỉ hoạt động mấy năm, sẽ khiến các DN vận tải, đơn vị đầu tư bến xe đặt câu hỏi về sự bất hợp lý. Khi vẫn tồn tại Bến xe Yên Sở trong nội đô, Hà Nội sẽ không thể thu hút được đầu tư tư nhân vào bến xe khác ở khu vực vành đai 4 như quy hoạch và chủ trương của thành phố. Về tổ chức giao thông, quy hoạch là bất thường", ông Thanh nhìn nhận.

Nhiều ý kiến cho rằng, bến xe Yên Sở gọi là tạm nhưng lại cấp phép cho hoạt động 50 năm, trong khi các bến khác đang hoạt động lại cho chuyển đi. Điều này rõ ràng không hợp lý và thiếu nhất quán. Có ý kiến còn tỏ ra nghi ngờ việc cho xây Bến xe Yên Sở với thời hạn 50 năm chắc chắn có lợi ích nhóm./.

Theo thiết kế được duyệt, bến xe Yên Sở sẽ có 4 tầng, (3 nổi, 1 ngầm). Trong đó, tầng ngầm rộng khoảng 5.000m2 được dùng làm gara trông giữ xe cho hành khách. Các khu vực: Trả khách; đón khách; xe đỗ chờ; phòng chờ lên xe; bán vé;… sẽ được thiết lập riêng biệt như tại các sân bay.

Hành khách xuống xe sẽ đi theo đường hầm, dùng thang máy lên sảnh chính chứ không được đi lại trên bề mặt lưu thông để đảm bảo an toàn và tránh cản trở các phương tiện.

Bên trong sảnh chính, khu vực bán vé phòng chờ cho khách sẽ được trang bị wifi, sạc pin miễn phí, điều hòa không khí… Khu vực từ phòng chờ (dành cho hành khách đã mua vé) ra sân đón sẽ có 45 cửa tự động; các khu vực dành cho taxi, xe buýt cũng được sắp xếp và có lối đi riêng.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất