10 năm “sống mòn” trong dự án đường nghìn tỷ treo... bền vững
Hơn 10 năm trôi qua, dự án đã ngốn 304 tỷ đồng ngân sách nhưng đường vẫn chẳng đâu vào đâu.
Dự án xây dựng tuyến đường có mặt cắt 100m Lạch Tray - Hồ Đông (Hải Phòng) được phê duyệt từ năm 2007 với kỳ vọng làm thay đổi diện mạo đô thị Hải Phòng. Nhưng đã hơn 10 năm trôi qua, dự án đã ngốn 304 tỷ đồng ngân sách nhưng đường vẫn chẳng đâu vào đâu, khiến hàng nghìn hộ dân “sống mòn” trong vùng dự án.
Con đường trong mơ
Dự án “treo” suốt hơn 10 năm qua khiến hàng nghìn gia đình thuộc phường Đông Hải 1, Đông Hải 2, Đằng Hải, Nam Hải, Tràng Cát (quận Hải An), phường Đông Khê (quận Ngô Quyền) rơi vào hoàn cảnh đi cũng dở, ở không xong, “sống mòn” trong vùng dự án. Địa phương muốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, cấp, thoát nước cũng không được. Chỉ cần động mưa một tí thôi là ngập hết, kéo theo đó là ô nhiễm.
Ông Phạm Văn Diễn, Phó chủ tịch UBND phường Đông Hải 1
Nhiều năm qua, mỗi khi Hải Phòng có cơn mưa, dù không quá lớn là ông Nguyễn Văn Bách ở khu dân cư Phương Lưu, phường Đông Hải 2, quận Hải An lại lo ngay ngáy vì nước tràn vào nhà. Gia đình ông Bách thừa điều kiện sửa sang, xây mới ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng của mình. Tuy vậy, ông cũng như nhiều hộ gia đình ở đây không thể làm được điều đó, vì đây là khu vực nằm trong diện thu hồi, giải tỏa làm đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông. “Dự án “treo bền vững” suốt hơn 10 năm qua khiến hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng dự án không được phép sửa sang, xây mới nhà cửa”, ông Bách ngán ngẩm nói.
Năm 2006, Khu đô thị mới Ngã Năm - Sân bay Cát Bi được hình thành với khả năng mở rộng thêm các tuyến đường mới làm nền tảng để phát triển thêm nhiều đô thị vệ tinh mới tại Hải Phòng. Dự án xây dựng mới tuyến đường rộng 100m nối từ đường Lạch Tray đến Hồ Đông kết nối hoàn chỉnh với khu đô thị trên đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 4.300 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Theo thiết kế, tuyến đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông có mặt cắt rộng 100m, dài 6,76km; hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị thuộc dự án nằm bên 2 mặt đường trung tâm có diện tích 192ha, nằm trên địa bàn 2 quận Ngô Quyền và Hải An. Công ty Thương mại, đầu tư và phát triển đô thị Hà Nội - Hải Phòng là chủ đầu tư dự án này.
Thế nhưng, sau khi khởi công, xây dựng khoảng vài trăm mét đường tại địa bàn giáp ranh giữa quận Ngô Quyền và Hải An rộng thênh thang đúng với tiêu chí mặt cắt đường 100m thì dự án ngừng bặt. Từ đó tới nay, đã hơn 10 năm trôi qua, không một mét đường nào được làm thêm. Vài trăm mét đường được xây dựng ấy, đã có lúc là nơi tập kết rác, còn giờ đây, rác đã được thu dọn thì cỏ mọc um tùm ngút đầu người.
Theo ông Phạm Văn Diễn, Phó chủ tịch UBND phường Đông Hải 1, dự án đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông chạy qua 8 tổ dân phố của phường, đã có 159 hộ gia đình đã đồng ý kiểm kê, tuy nhiên, chủ đầu tư chưa có tiền để chi trả cho các hộ. Theo quy định, các hộ dân trong vùng dự án đi qua không được phép xây dựng nhà cửa, thậm chí cấm tu sửa các công trình để chờ giải tỏa.
Yêu cầu xử lý hình sự
Tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hải Phòng (tháng 7/2019), các đại biểu HĐND TP Hải Phòng đánh giá: Dự án ngay từ đầu triển khai với kỳ vọng rất lớn nhưng chủ đầu tư năng lực yếu kém, hướng triển khai không phù hợp do phải giải phóng mặt bằng một số lượng quá lớn dân cư. Chính vì vậy, dự án đình trệ thời gian quá lâu gây ảnh hưởng rất lớn tới người dân các địa phương, thất thoát ngân sách.
PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên hệ với Công ty TNHH MTV Thương mại Đầu tư Phát triển Đô thị Hải Phòng nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời về quá trình triển khai dự án. Theo một số nguồn tin cho biết: Công ty TNHH MTV Thương mại Đầu tư Phát triển Đô thị Hải Phòng không còn làm chủ đầu tư dự án đường 100m nữa, các cán bộ của công ty cũng không biết hiện tại doanh nghiệp nào đang thực hiện dự án này(?).
Tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hải Phòng khóa 15 vừa diễn ra, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự các bên liên quan trong dự án đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông. “Phải xem xét xử lý trách nhiệm hình sự. Hơn 10 năm qua, ngân sách đã bỏ ra 304 tỷ đồng mà chưa thấy đường đâu. Bỏ thì thất thoát ngân sách, làm tiếp thì năng lực đầu tư kém, để đấy thì nhân dân bức xúc”, ông Thành nói.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu UBND TP Hải Phòng tập trung rà soát, xử lý dứt điểm, không để kéo dài, phức tạp thêm vụ việc. Trước mắt, thông báo đến các hộ dân hai bên đường là thành phố sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện dự án xây dựng đường có mặt cắt 100m, quỹ đất hai bên đường sẽ trả lại cho người dân chủ động xây dựng rồi điều chỉnh quy hoạch sau.
Trước chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu thành phố, nhiều người dân vui mừng vì được cởi bỏ một phần gánh nặng khi được phép xây dựng tại khu vực quỹ đất 2 bên đường. Tuy vậy, nhiều người hoài nghi về khả năng tiếp tục triển khai dự án. Bởi trước đó, từ cuối năm 2016, trong buổi kiểm tra thực địa dự án đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông và nghe báo cáo về dự án Khu đô thị mới Ngã Năm - Sân bay Cát Bi, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo, tiếp tục triển khai dự án tuyến đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông. Nhưng từ thời điểm đó đến nay, dự án vẫn “án binh bất động” khiến người dân tiếp tục cảnh “sống mòn” bên dự án “treo”.
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Quan niệm “an cư, lạc nghiệp” từ lâu đã thấm sâu vào tâm lý của người Việt Nam. Chính vì vậy, hiện nay các hình thức trả chậm, trả dần thông qua trả góp ngân hàng là giải pháp được rất nhiều người lựa chọn.
Đấu giá bất động sản ở Việt Nam là một chế định tồn tại lâu dài, thống nhất và xuyên suốt qua các thời kỳ từ Luật Đất đai năm 2003 đến Luật Đất đai năm 2013.
Bất động sản luôn là một lĩnh vực được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và lựa chọn để kinh doanh. Có nhiều cách tiếp cận để kinh doanh trong lĩnh vực này, một trong số đó phải kể đến sự phát triển của kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Bạn là người trẻ hoạt bát, năng động và mong muốn tìm kiếm cơ hội tiếp cận vào con đường kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, bạn lại khá hoang mang không biết bắt đầu học từ đâu?
Hợp đồng thuê văn phòng là một trong những dạng hợp đồng thông dụng nhất hiện nay. Mục đích của hợp đồng thuê văn phòng là giúp đảm bảo được lợi ích và quyền lợi lẫn nghĩa vụ của cả bên thuê lẫn cho thuê.
Chuyển giao quyền sở hữu là một trong những một vấn đề được rất ít người quan tâm. Nhưng trên thực tế chuyển giao sở hữu là một trong những yếu tố quan trọng đối với các giao dịch có sự chuyển dịch về quyền sở hữu.
Việc chuyển nhượng đất đai được thực hiện qua hình thức chuyển nhượng là chủ yếu. Hiện nay, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải thể hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai.
Hợp đồng mua bán nhà là một văn bản vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, hợp đồng mua bán nhà đất phải được lập thành văn bản, được công chứng và tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
Hợp đồng thuê đất là một dạng hợp đồng rất phổ biến hiện nay. Việc ký kết hợp đồng thuê đất nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của bên thuê và cả bên cho thuê.
Trong lĩnh vực bất động sản có nhiều loại hợp đồng dùng để ghi nhận các sự thỏa thuận về việc mua bán, trao đổi, chuyển nhượng... Phổ biến nhất hiện nay, có thể kể đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.