10 tháng, xuất khẩu sắt thép tăng mạnh nhưng đối mặt nhiều bất lợi

Alomuabannhadat - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng sắt thép xuất khẩu trong tháng 10 đạt 500 ngàn tấn, trị giá 338 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kì năm trước. Lũy kế 10 tháng, lượng sắt thép xuất khẩu đạt 5,1 triệu tấn trị giá 3,7 tỉ USD, tăng 35% về lượng và tăng 49,1% về giá trị so với cùng kì năm trước.

Thống kê cho thấy, sắt, thép Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang các nước Đông Nam Á, Hoa Kỳ, EU. Trong đó, xuất khẩu sang Đông Nam Á tăng rất mạnh 33,2% về lượng và tăng 51,2% về kim ngạch so với cùng kì, chiếm 55,7% trong tổng lượng và chiếm 51,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt, thép của cả nước. Giá xuất khẩu sang thị trường này tăng 13,6%, đạt trung bình 683 USD/tấn.

Tính đến hết tháng 9/2018, khu vực Đông Nam Á là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam. Trong đó, sắt thép xuất khẩu sang thị trường Campuchia đạt hơn 976 nghìn tấn, trị giá 631 triệu USD, tăng 53,6% chiếm 18,5% tổng kim ngạch sắt thép xuất khẩu. Indonesia 452 nghìn tấn trị giá 360 triệu USD tăng 9,6%; Malaysia 478 nghìn tấn, trị giá 330 triệu USD tăng 76,6%, EU (28 nước) 431 nghìn tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm nay có 74% số thị trường xuất khẩu sắt, thép tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, còn lại 26% số thị trường bị sụt giảm kim ngạch. Đáng chú ý nhất là thị trường Ai Cập tăng trưởng đột biến gấp 136,1 lần về lượng và tăng gấp 87,3 lần về kim ngạch, đạt 3.266 tấn, tương đương 2,32 triệu USD.

Ngành thép Việt liên tiếp đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại

Tuy nhiên, trong những tháng qua, ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 8 đến nay, ngành thép Việt Nam đã liên tiếp phải đối mặt với gần 10 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước: Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,… Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các thị trường quen thuộc trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia cũng khởi xướng các vụ kiện đang là thực trạng đáng lo ngại đối với ngành thép Việt Nam.

Cụ thể, Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần 2 biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn. Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu; trong đó, có Việt Nam gồm: thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.

Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) cũng đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn các bon có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Cùng với đó, Liên minh kinh tế Á-Âu (EEC) ra thông báo khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm thép hợp kim và không hợp kim. Mới đây nhất, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế. DOC cũng đã đăng công báo khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép CRS nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Hơn nữa cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng ít nhiều ảnh hưởng đến ngành thép. Việc đối đầu giữa 2 cường quốc sẽ làm giảm nhu cầu thép giữa các nước, giá cả nguyên vật liệu sẽ giảm theo. Tuy nhiên, việc nguồn nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc sẽ là điểm bất lợi. Việt Nam sẽ bị xem xét nguy cơ chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ đang áp với Trung Quốc, điển hình như vụ Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cuộn cán nguội trên 200% và trên 550% đối với tôn mạ. Điều này sẽ khiến việc xuất khẩu gặp thêm những khó khăn bất lợi.

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất