Alomuabannhadat - Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố BCTC quý 2/2018, cho biết đã đạt trên 50% kế hoạch đề ra năm 2018, đạt 1.044 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
6 tháng đầu năm, SHB vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá ở hoạt động kinh doanh chính là thu nhập lãi, phí. Cùng với đó nổi bật lên là hoạt động đầu tư chứng khoán.
Cụ thể, cho vay khách hàng trong nửa đầu năm 2018 tăng 5% so với đầu năm 2018, đạt mức 205.447 tỉ đồng; dự phòng rủi ro khách hàng tăng nhẹ lên mức 2.912 tỉ đồng.
Huy động từ khách hàng 6 tháng cũng tăng khá cao, tăng 12,7% so với đầu năm 2018, đạt 219.651 tỉ đồng.
Thu nhập lãi thuần luỹ kế 6 tháng tăng nhẹ 3,1% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 2.105 tỉ đồng. Đây vẫn là hoạt động đóng góp chính cho kết quả kinh doanh ngân hàng.
Sáu tháng đầu năm 2018, các khoản phải thu của SHB cũng giảm mạnh, từ 13.411 tỉ đồng xuống còn 10.649 tỉ đồng, tương đương mức giảm 25,9%. Tuy nhiên, các khoản lãi, phí phải thu lại tăng từ 7.955 tỉ đầu năm lên 9.531 tỉ đồng.
Quý 2/2018, ngân hàng này ghi nhận mức tăng trưởng mạnh từ mua bán chứng khoán đầu tư, với lãi thuần 235 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ 6 tỉ đồng; luỹ kế 6 tháng ghi nhận lãi 263 tỉ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động khác trong quý 2 cũng tăng mạnh từ mức lỗ 28 tỉ đồng cùng kỳ năm trước lên mức lãi 21 tỉ đồng. Luỹ kế 6 tháng lãi thuần 28 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 7 tỉ đồng.
Với kết quả kinh doanh nêu trên, lợi nhuận ngân hàng trước dự phòng rủi ro trong quý 2 đạt mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước, đạt 724 tỉ đồng; luỹ kế 6 tháng đạt 1.293 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2017.
Dư nợ cho vay theo ngành kinh tế ghi nhận tiếp tục tăng tỷ trọng với tín dụng bất động sản, buôn bán, sửa chữa ô tô, xe máy so với cuối năm 2017.
Trong đó, cho vay bất động sản đã tăng từ 7,92% lên 8,04%/tổng dư nợ, đạt 16.752 tỉ đồng; dư nợ cho vay buôn bán, sửa chữa xe máy tăng từ 16,32% lên mức 17,69%/tổng dư nợ, tăng lên mức 36.865 tỉ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay đến cuối tháng 6/2018 ở mức 2,7%, tăng 0.4% so với mức 2,3% cuối 2017. Xét về con số tuyệt đối, nợ xấu đã tăng hơn 1.000 tỉ đồng, chủ yếu do tăng nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Trong đó, đáng chú ý, nợ nhóm 3 tăng 2,18 lần so với cuối năm 2017 lên mức 1.464 tỉ đồng; nợ nhóm 5 tăng 14% lên mức 3.273 tỉ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn) ghi nhận giảm22,6% xuống còn 887 tỉ đồng.
theo CafeLand