Bất chấp cảnh báo mưa lũ, bến bãi kinh doanh VLXD vẫn tập kết trên tuyến sông Luộc

Những ngày qua, trên toàn tuyến sông Luộc, qua các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, TP Hải Phòng các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn hoạt động không chỉ trong mùa lũ mà cả khi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh phát lệnh báo động có lũ lớn.

Những ngày lũ cao, các phương tiện vẫn bốc xúc VLXD.

Đi dọc tuyến sông Luộc từ xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đến xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng (khu vực Quý Cao), gần 100 bến bãi kinh doanh VLXD ven sông không có bến nào dừng hoạt động. Các điểm sôi động nhất trên tuyến là khu vực cầu Triều Dương với 11 bến thuộc các xã Tân Lễ (Hưng Hà, Thái Bình), Thiện Phiến, Hải Triều (Tiên Lữ, Hưng Yên); Khu vực 3 bến lớn các xã Tiền Phong (huyện Thanh Miện), Văn Giang (huyện Ninh Giang) thuộc tỉnh Hải Dương; khu vực 7 bến ở cầu Hiệp thuộc xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) và một số điểm khác như ở thị trấn Ninh Giang, Quý Cao… Điều đáng lưu ý là trên tuyến còn tồn tại hàng chục bến kinh doanh VLXD không phép và hết hạn cho phép.

Bãi chứa vật liệu cao ngất ngưởng ở xã Văn Giang, huyện Ninh Giang, Hải Dương.

Nhức nhối nhất và không tuân thủ Luật đê điều trong các bến bãi là việc tập kết cát đen, cát vàng khu vực bến bãi của ông Vũ Đức Tuấn thuộc xã Văn Giang, huyện Ninh Giang từ Km 23+735 đến Km 23+885. Tại đây cát đen, cát vàng, đá dăm với khối lượng lớn. Chiều cao chất tải từ 3 đến 6 mét, trong hành lang bảo vệ đê điều. Cát được vun cao hơn nhiều so với một nóc ngôi chùa cận kề. Ba bến kinh doanh VLXD khá lớn ở thị trấn Ninh Giang, của chủ cơ sở Hà Văn Phúc, Bùi Đức Lân và Hà Thị Tính cát, đá dăm chất đống cao 4 đến 5 mét, trong hành lang bảo vệ đê điều ngay sát nơi làm việc của Huyện ủy Ninh Giang. Trên tuyến, hàng chục bến bãi kinh doanh VLXD lớn nhỏ, cát đen được bơm tràn lan, chất cao khu vực hai bên cầu Triều Dương, ngay gần một Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh Hưng Yên.

Không chỉ có chất tải vượt quá nhiều so với quy định, ở nhiều đoạn đê tả sông Luộc thuộc các xã Văn Giang, Tiền Phong, thị trấn Ning Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, nhiều đoạn đê bê tông bị băm nát vụn. Ông Nguyễn Văn Thuần, một người dân xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ- Hưng yên cho biết việc hoạt động bến bãi, tập kết cát đá ở khu vực này từ lâu. Do phương tiện các bến chuyên chở vật liệu trên đê đã băm nát mặt đê bê tông. Hư hỏng từ lâu song chưa thấy nhà nước hay doanh nghiệp quan tâm sửa chữa.

Bãi cát đen rất lớn đang hoạt động khu vực cầu Triều Dương, Hưng Yên.

Từ giữa tháng 4-2018, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng đã có công văn gửi UBND các huyện, chi cục quản lý đê điều, thông báo cho các đối tượng khai thác, kinh doanh đất, cát, sỏi lòng sông, bãi sông, dừng khai thác đất, cát, giải tỏa bến bãi chứa vật liệu xây dựng, vật cản lũ trên bãi thời gian từ 15-5-2018 đến 15-10-2018; yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động bến bãi, kinh doanh chứa vật liệu có liên quan đến đê điều, thoát lũ sông phải dừng các hoạt động, di chuyển máy móc, trang thiết bị, nhà tạm, thanh thải các vật cản lũ… Tuy nhiên cho đến nay, những yêu cầu trên hầu như chưa được thực hiện.

Bến bãi ở xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.

Theo Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương, việc kinh doanh, bơm hút, bốc xúc vật liệu từ tàu lên bến trong mùa lũ, vận chuyển vật liệu bằng phương tiện quá tải qua đê, chất tải chiều cao không đúng quy định, chất chứa vật liệu trong hành lang bảo vệ đê là vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều. Đoạn tuyến sông Luộc qua địa bàn tỉnh, địa bàn huyện Ninh Giang đang tồn tại một số vi phạm trong hoạt động bến bãi VLXD, gây mất an toàn cho công trình đê điều, trong đó có tới 7/9 bến bãi hoạt động không phép hoặc hết hạn giấy phép.

Trên tuyến đê sông Luộc, những năm trước đây, khu vực xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện – Hải Dương là điểm nóng trong vi phạm luật đê điều, song gần một năm qua, được sự hỗ trợ đắc lực của huyện, xã đã giải tỏa được 6 bến bãi kinh doanh vật liều xây dựng không phép, hoạt động hàng chục năm nay. Giải tỏa 14 lều quán trên đê, xóa bỏ việc họp chợ trên đê. Đây là sự chuyển biến tích cực, sự nỗ lực cao của Đảng ủy, UBND xã Tiền Phong.

Xe tải nặng đi trên đê mùa lũ ở huyện Thanh Miện, Hải Dương.

Tuy nhiên, những vi phạm trên các tuyến đê sông Luộc hiện nay còn rất nhiều cần được khắc phục. Để thực hiện nghiêm Luật đê điều, Luật phòng chống thiên tai, sẵn sàng hộ đê, chống lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng yêu cầu UBND các huyện ven sông kiên quyết xử lý, giải tỏa các vi phạm bến bãi kinh doanh VLXD hoạt động không phép và sai phép; xử lý phương tiện vận tải vượt tải trọng qua đê, làm hư hỏng mặt đê. Nếu các chủ bến bãi không chấp hành sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định, kiến nghị với UBND cấp tỉnh loại khỏi quy hoạch bến bãi, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoạt động.   

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất