Alomuabannhadat - Chỉ trong 3 năm ngắn ngủi Alibaba đã lừa được 6.700 khách hàng, thu về khoản tiền 2.500 tỷ đồng. Vị Chủ tịch Nguyễn Thái Luyện cũng đã tuyển dụng được hơn 2.600 nhân viên và lập hơn 20 công ty “con”, chi nhánh khắp nơi. Đặc biệt, ngay cả khi Chủ tịch của họ bị bắt nhiều nhân viên Alibaba vẫn lên Facebook bày tỏ lòng tin tưởng vào vị Chủ tịch và công ty của họ. Vậy, nghệ thuật nào khiến Nguyễn Thái Luyện có thể làm được những chuyện phi thường như vậy?
Tạo lòng tin bằng cách thổi phồng và lừa đối
Một buổi giới thiệu dự án hoành tráng của Alibaba thu hút hàng nghìn khách hàng
Vào website tapdoandiaocalibaba.com đập ngay vào mặt nhà đầu tư là thông tin về vốn điều của doanh nghiệp này lên đến 5.600 tỷ đồng và 49 dự án với hơn 25.000 sản phẩm và hơn 2.500 nhân sự. Những con số này cho thấy tầm vóc của Địa ốc Alibaba là vô cùng to lớn. Vào năm 2017, khi rao bán dự án Tây Bắc Củ Chi, Luyện cũng đã thành lập Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM với số vốn điều lệ đăng ký tới 12.000 tỷ đồng.
Việc đăng ký vốn điều lệ rất lớn nhằm tạo lòng tin cho nhà đầu tư, nhân viên là một trong những chiêu lợi hại của Luyện. Trong những lần huấn luyện nhân viên của mình, Luyện liên tục nhắc đến vị thế và số vốn lớn của Công ty. Với số vốn 5.600 tỷ đồng thì khách hàng hoàn toàn yên tâm khi đầu tư vào công ty. Không ít khách hàng đã ký hợp đồng với Alibaba vì tin tưởng vào số vốn điều lệ khủng mà Địa ốc Alibaba công bố.
Tuy nhiên, trên thực tế số vốn điều lệ của Alibaba chỉ là vốn ảo. Theo Luật doanh nghiệp thì công ty tự khai báo vốn điều lệ mà không cần phải chứng minh số vốn thực góp. Do đó đây chỉ là vốn ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh chứ không phải là vốn chủ sở hữu doanh nghiệp, không phải là số vốn mà cổ đông đã góp vào công ty. Do đó, còn số này thực tế không có ý nghĩa đảm bảo việc Alibaba sẽ trả được nợ cho khách hàng như trong các hợp đồng đã thỏa thuận.
Để tạo lòng tin cho khách hàng Alibaba cũng thường tổ chức các sự kiện bán hàng rất hoành tráng tại những nơi sang trọng. Ngay sau cơn bảo khủng hoảng vào cuối tháng 6 năm 2019 khi có 2 nhân viên bị khởi tố vì chống người thi hành công vụ thì Alibaba vẫn tổ chức hội Nghị khách hàng hoành tráng để giới thiệu dự án ma Alibaba Aqua Nhơn Trạch. Buổi giới thiệu có hàng nghìn nhà đầu tư tham dự mời trong đó có khách mời là những người nổi tiếng như diễn viên Hiếu Hiền…
Sau đó 1 tháng, Alibaba lại tiếp tục tục tổ chức lễ ra mắt dự án khu đô thị sinh thái Ali Venice City (tỉnh Bình Thuận) cũng hoành tráng không kém. Đặc biệt tại buổi lễ này có sự có mặt của những nhân vật rất nổi tiếng trong làng giải trí như ca sĩ Phi Nhung, Đan Trường và MC Thanh Bạch. Như vậy, bất chấp một sự thực Ali Vecince City chỉ là một dự án ma và đang trong đợt khủng hoảng trầm trọng, bị cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra Alibaba vẫn ngang nhiên tổ chức sự kiện và truyền thông rầm rộ.
Việc “liều lĩnh” đến mức khó tin này thực tế đã mang lại hiệu quả. Trong lúc bị báo chí phanh phui, chính quyền điều tra vẫn có hàng nghìn khách hàng của công ty này tiếp tục dính bẩy, bỏ tiền ra ký hợp đồng mua các dự án mà của Alibaba. Trong đó, không ít khách hàng biết các dự án Alibaba thực chất là dự án ma nhưng vẫn lao vào vì cho rằng trong trường hợp xấu nhất mình cũng sẽ nhận được lãi suất 3%/tháng.
Hàng nghìn khách hàng tham dự buổi giới thiệu “dự án ma” của Alibaba
Dẫn dụ khách hàng bằng lợi nhuận khủng
Alibaba còn dẫn dụ khách hàng bằng cách cam kết lợi nhuận khủng cho người mua. Alibaba luôn tung hô khẩu hiệu “Mua gì thì lỗ, chứ mua thổ không bao giờ lỗ” rót vào tai khách hàng. Giá bán bất động sản của Alibaba chỉ bằng 50-70% giá thị trường và đồng thời cam kết thu mua lại với chênh lệch giá 30-36%/năm. Nhân viên sale của Alibaba cũng liên tục dụ khách hàng rằng tiềm năng sinh lời của bất động sản có thể 10, thậm chí 100 lần trong tương lai. Không chỉ có vậy, họ còn cam kết đất nền có sổ hồng riêng và thổ cư 100%.
Thực tế, trong vài năm gần đây giá bất động sản nhiều nơi tăng mạnh, đặc biệt là giá bất động sản vùng ven đã làm nhiều người giàu lên từ bất động sản. Điều này khiến không ít nhà đầu tư hoàn toàn tin tưởng vào giá bất động sản Alibaba sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai. Trong bối cảnh đó đây là chiêu vô cùng hiệu quả khiến cho hàng nghìn khách hàng sập bẩy. Trong đó cũng có hàng nghìn khách hàng là chính nhân viên sale và người thân của họ.
Những nhà đầu tư không đủ tỉnh táo để nhận ra rằng toàn bộ dự án của Alibaba đều là dự án ma. Những mãnh đất mà người thân của Thái Văn Luyện đứng tên hoặc được ủy quyền lại chỉ là đất nông nghiệp. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư không phải là việc dễ dàng. Do đó, Alibaba không thể giao được đất theo như đúng cam kết “sổ hồng riêng và 100% thổ cư”.
Tính pháp lý của những hợp đồng, phụ lục hợp đồng và cam kết giữa Alibaba và khách hàng cũng rất lỏng lẻo. Đây hoàn toàn không phải là hợp đồng mua bán bất động sản, có công chứng và được pháp luật bảo vệ. Do đó “nhà đầu tư” không thể hiện thực hóa lợi nhuận khủng mà Alibaba cam kết được. Hơn nữa, một cách có lí trí dễ dàng nhận thấy Alibaba sẽ không thể đầu tư sinh lời đến mức có thể trả lãi 36%/năm cho khách hàng. Như vậy, chắc chắc Alibaba đang áp dụng mô hình kinh doanh Pozi và sẽ sớm sụp đỗ.
Chào mời lãi suất cao đầu tư hấp dẫn của Alibaba
Kéo nhân viên và khách hàng lên thuyền đang đắm
Khách quan mà nói việc quy tụ hơn 2.000 con người và truyền được “lửa” cho họ để họ làm được những việc sai trái một cách đầy tự tin chứng tỏ Luyện có tài năng hết sức đặc biệt. Trong các buổi đào tạo, chia sẻ với nhân viên của mình Luyện luôn thể tinh thần tự tin, quyết tâm và luôn khẳng định mình luôn làm đúng. Luyện đã khéo léo không nhắc đến tính pháp lý dự án, không nói về tính bền vững của mô hình kinh doanh ponzi này. Thay vào đó Luyện gieo vào đầu nhân viên tinh thần khát khao làm giàu, những thủ thuật để bán hàng bất chấp sản phẩm đó mang lại nhiều rủi ro cho khách hàng.
Kiều “nhồi sọ” đó đã làm cho chính những nhân viên của Alibaba cũng tin rằng mình làm đang làm điều đúng đắn. Câu nói nổi tiếng của Luyện với nhân viên của mình “Một người làm việc ở Alibaba cả họ được nhờ”. Thực tế, không ít nhân viên của Alibaba đã huy động vốn từ gia đình, vay mượn người thân, bạn bè để đầu tư. Cũng chính những nhân viên nay đã lôi kéo những người thân thích của mình để đầu từ những dự án ma của Alibaba.
Ngay trong tháng khủng hoảng vì bị cưỡng chế Alibaba vẫn công bố bán được 2.365 nền đất, thu về 653 tỷ đồng.
Không chỉ giúp “nhân viên” Alibaba “vững tin, vô tư” bán dự án ma mà ngay cả khi đang bị điều tra Luyện vẫn làm cho nhân viên của mình tin Alibaba đang là “nạn nhân”. Hơn ai hết Luyện hiểu rõ những sai phạm của mình nhưng trước khi bị bắt chỉ mấy ngày vẫn viết “tâm thư” gửi Thủ tướng và nhiều bộ ngành của Chính phủ mong được “minh xét”, giải oan.
Trước khi bị khởi tố mấy ngày cũng chính bà Huỳnh Thị Ngọc Như - Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại và đào tạo Công ty CP Địa ốc Alibaba họp nhân viên Alibaba lại để “truyền lửa”. Bà Như kêu gọi nhân viên “bảo vệ thành quả những gì Alibaba đang có” và hô vang khẩu hiệu với tinh thần tử chiến – “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Chắc tinh thần đó cũng được xác định từ lâu nên mới có hiện tượng nhân viên của Alibaba sẵn sàng liệu mạng chống người thi hành công vụ, đã đập phá tài sản tham gia cưỡng chế.
Cũng có lẽ trước sự manh động và tinh thần “tử chiến” của nhân viên Alibaba mà Chính quyền đã phải dùng một lượng cảnh sát rất hùng hậu chỉ khám xét trụ sở công ty và đọc lệnh bắt anh em nhà Luyện. Một điều đáng nói nữa ngay cả khi Lĩnh bị bắt và Luyện bị tạm giữ thì trên Facebook của hàng nghìn nhân viên Alibaba vẫn bày tỏ niềm tin “bất diệt” rằng Luyện sẽ sớm trở lại và lợi hại hơn xưa.
Chính nhiều khách hàng cũng bị Alibaba “thôi miên” đến mức không chịu làm đơn tố cáo những sai phạm của Alibaba để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình. Theo thông báo hiện nay mới chỉ có 900 trong số 6.700 khách hàng của Alibaba làm đơn tố cáo. Có lẽ không ít khách hàng của Alibaba vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm khi nó đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp Alibaba có thêm khách hàng mới là những bạn bè, người thân của mình. Do đó họ cũng sẽ khó khăn trong việc tố cáo công ty mình đã đặt niềm tin. Thực tế, trong cơn bão của dư luận về hàng loạt sai phạm và những rủi ro của Alibaba nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn lao vào như con thiêu thân vì ham đất giá rẻ, lợi nhuận khủng.
Bài học nào rút ra từ hiện tượng Alibaba?
Ắt hẳn rằng số tiền mà nhà đầu tư thu hồi được chẳng đáng là bao bởi vì phần lớn tiền này Luyện đã trả cho nhân viên của mình, tổ chức những sự kiện hoành tráng tốn kém và chi phí cho hoạt động khác quá lớn. Những tài sản còn lại chủ yếu là những mãnh đất nông nghiệp với giá trị thấp. Ngoài ra, với những hợp đồng pháp lý lỏng lẽo thì việc lấy lại tiền dù ít chắc chắn sẽ mất không ít thời gian. Đây chính là cái giá nhà đầu tư phải trả khi liều, tham, kém hiểu biết khi đầu tư bất động sản.
Đối với nhân viên Alibaba không ít là những bạn trẻ, mới ra trường họ vừa là thủ phạm, cũng chính là nạn nhân của Luyện. Trong số đó chắc không ít mất tiền và làm người thân mình mất tiền khi đầu tư vào dự án Alibaba. Tuy nhiên, họ phải chấp nhận sự thật đó, phải học hỏi để có kiến thức, có trình độ và bản lĩnh, đạo đức để bớt bị lừa, không lừa người khác và bớt đi sự mù quáng, ảo tưởng về nghề môi giới kinh doanh bất động sản.
Đối với Chính quyền cũng là một bài học sâu sắc. Những thủ đoạn lừa đối của Alibaba đã xuất hiện từ năm 2017 khi rao bán dự án Tây Bắc Củ Chi đã làm náo loạn trong giới đầu tư bất động sản. Không dừng lại ở đó Alibaba tiếp tục rao bán hàng chục dự án ma và lừa 6.700 khách hàng vào bẩy thu về 2.500 tỷ đồng. Dù trước đó Chính quyền địa phương đã có cảnh báo và công an cũng điều tra nhưng không đủ quyết liệt để chặn đứng những thủ đoạn lừa đảo của Alibaba.
Hiện trên thị trường bất động sản chắc hẳn còn không ít dự án ma như Alibaba. Do đó với chính quyền cần phải có những hành động để kịp thời ngăn chặn những doanh nghiệp này. Với nhà đầu tư cần tỉnh táo và trang bị những kiến thức về tài chính, pháp lý cần thiết khi đầu tư bất động sản.
theo CafeLand