Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, mục tiêu của ngành trong năm 2020 là phải tạo ra được những bước bứt phá, đặc biệt là trong việc huy động các nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông lớn, để vừa hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, vừa tạo thế và lực thuận lợi hơn trong những năm tới đây.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.
Đang có nhiều tín hiệu về những công trường sôi động trong năm 2020 của ngành giao thông - vận tải, nhất là nửa cuối năm 2019 đã có khá nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn được khởi công hoặc khởi động lại. Bộ trưởng có nghĩ như vậy không?
Ngành giao thông – vận tải bước vào nhiệm kỳ 2016 – 2020 trong hoàn cảnh hầu hết dự án lớn bước vào giai đoạn kết thúc, các dự án mới ở trong giai đoạn đề xuất đầu tư. Một số dự án tuy đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng lại không được bố trí vốn ODA do vướng trần nợ công hoặc khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, nên phải chuyển đổi hình thức đầu tư...
Đây là lý do khiến trong 2 - 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ này, ít dự án hạ tầng quy mô vốn lớn, có sức lan tỏa cao được khởi công.
Tuy nhiên, sau khi đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tìm kiếm bố trí các nguồn vốn phù hợp, trong năm 2019, Bộ Giao thông – Vận tải đã khởi công được một số dự án quan trọng, trong đó nổi bật là 2 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020.
Trong năm 2020, Bộ dự kiến khởi công 18 dự án giao thông, với tổng vốn đầu tư khoảng 92.384 tỷ đồng. Trong đó, các dự án khởi công tập trung chủ yếu trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các dự án đường sắt thuộc danh mục 15.000 tỷ đồng vốn dư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và Dự án nhà ga T3, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tôi tin rằng, năm 2020 sẽ là năm không chỉ sôi động trên các công trường, mà còn hứa hẹn là năm có nhiều cải thiện trong công tác huy động vốn, giải ngân cho các dự án hạ tầng giao thông – vận tải.
Trong năm 2020, Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến khởi công 18 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 92.384 tỷ đồng, trong đó có Dự án nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hoàng Anh
Năm 2020, khả năng cân đối, bối trí thêm nguồn vốn đầu tư công cho ngành giao thông – vận tải là không cao. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn chế, giải pháp nào để thu hút nguồn vốn cho lĩnh vực này, thưa Bộ trưởng?
Nguồn vốn ngân sách bố trí cho ngành giao thông – vận tải luôn thấp hơn so với kỳ vọng, riêng năm 2020 khả năng được bố trí thêm là không nhiều, thậm chí sẽ còn ít hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Vì vậy, chúng tôi đang cùng cùng với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP). Chúng tôi hy vọng giai đoạn tới, với nhiều quy định mới trong đó có việc bảo lãnh rủi ro cho các nhà đầu tư, Luật PPP sẽ giúp ngành giao thông – vận tải huy động thêm được nhiều nguồn lực; trong đó có nguồn lực của doanh nghiệp, của người dân thông qua các hình thức huy động vốn như: trái phiếu công trình.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng hệ thống đường bộ; trong đó có hệ thống đường cao tốc. Mặc dù đến cuối năm 2019, hệ thống quốc lộ cả nước đã có gần 25.000 km, nhưng hệ thống này có đặc thù bị đô thị hóa với lượng nhà cửa ở hai bên đường rất lớn, dẫn đến không phát huy được tốc độ, hạn chế việc đi lại của người dân, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông khó đảm bảo. Chúng tôi đã lên sẵn danh mục các dự án đường cao tốc kêu gọi vốn đầu tư tư nhân và xây dựng một nguồn ngân sách đủ lớn để tham gia cùng với các nhà đầu tư tại các dự án này.
Với trách nhiệm của mình, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư đi đôi với việc công khai danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP và tiến hành lựa chọn nhà đầu tư một cách công bằng và minh bạch. Đây là giải pháp căn cơ nhất, giúp công tác xã hội hóa đầu tư có bước bứt phá cho nhiều lĩnh vực; trong đó có lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc.
Mặc dù vậy, cũng phải nhắc đến những chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ ngang với mức bình quân cả nước trong khi lại là ngành được giao nhiều vốn ngân sách nhất. Bộ trưởng chắc không thể để tình trạng “khê đọng” vốn trong năm cuối nhiệm kỳ?
Những lý do dẫn đến vốn đầu tư công giải ngân không cao đã được Thủ tướng Chính phủ nêu ra trong nhiều diễn đàn. Riêng trong ngành giao thông – vận tải, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp kiểm điểm, triển khai hàng loạt giải pháp quyết liệt để đưa nhanh hơn, đưa nhiều hơn dòng vốn đầu tư công ra các công trường, biến thành các sản phẩm, công trình cụ thể để phục vụ xã hội. Lãnh đạo Bộ coi giải ngân là một trong nhiệm vụ trọng tâm, thậm chí đối với các ban quản lý dự án đó là nhiệm vụ số 1. Không hoàn thành kế hoạch giải ngân, đăng ký vốn không sát, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị này.
Trong năm 2020, tôi cho rằng, ngành giao thông – vận tải sẽ có nhiều thuận lợi hơn, nhất là khi thể chế, quy định về đầu tư xây dựng cơ bản đã được cải thiện đáng kể.
Cần phải nói thêm, nếu nhìn từ Dự án Đầu tư xây dựng nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – một công trình cấp bách, nhưng chậm triển khai do vướng cơ chế xác định chủ đầu tư dù vốn không thiếu để thấy việc gỡ vướng mắc về cơ chế quan trọng như thế nào. Do đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong năm 2020 là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung cho công tác xây dựng thể chế.
Một điểm tựa quan trọng cho Bộ Giao thông – Vận tải là đầu năm 2020, Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ có hiệu lực. Năm 2020, chúng tôi đăng ký và đã được bố trí khoảng 35.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước cho công tác xây dựng cơ bản. Với quy định mới, Bộ sẽ được quyền điều chỉnh nguồn lực trong 35.000 tỷ đồng này cho những dự án có tiến độ triển khai tốt. Những dự án dù nằm trong danh mục nhận vốn, nhưng nếu tiến độ triển khai chậm, chúng tôi sẽ chủ động cắt giảm, hoặc điều chuyển vốn cho những dự án tốt hơn.
Tôi cho rằng, cơ chế này sẽ tạo nên bước bứt phá lớn, không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, mà cải thiện tiến độ, hiệu quả sử dụng vốn các dự án.
Thưa Bộ trưởng, việc lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án Đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 8 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam theo hình thức PPP đang nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Liệu trong năm nay đã có thể công bố chính thức tên của các nhà đầu tư được lựa chọn hay không?
Việc lựa chọn nhà đầu tư cho 2 dự án nói trên đang là mối quan tâm không chỉ của Bộ Giao thông – Vận tải. Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng thường xuyên chỉ đạo sát sao. Hiện, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng kế hoạch triển khai chi tiết Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó cố gắng đầu năm nay sẽ lựa chọn xong nhà đầu tư. Đây là một trong những đường găng tiến độ của Dự án, bởi nếu không có nhà đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, sẽ không có người chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu để lựa chọn tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán.
Cùng đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội đồng Thẩm định quốc gia đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội và phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Năm 2020, chúng ta cần khoảng 1.810 ha cho giai đoạn I để khởi công dự án trong năm 2021.
Riêng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sau khi có kết quả sơ tuyển, Bộ Giao thông – Vận tải dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 2/2020. Theo lộ trình này, tháng 5/2020 sẽ có được nhà đầu tư.
Chúng tôi luôn quan tâm dành cơ hội tham gia vào 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam cho những nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính, kinh nghiệm đáp ứng các tiêu chí mời thầu, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn dự liệu sẵn các phương án cho tình huống không thể lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực cho 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Cụ thể, trong trường hợp có dự án không có nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo các phương án: sẽ tiếp tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, nhưng sẽ dẫn tới chậm tiến độ; hoặc kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng vốn ngân sách để đầu tư, sau đó bán quyền thu phí cho các doanh nghiệp, lấy tiền để đầu tư tiếp.
Một phương án khác cũng được tính tới là phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình để thực hiện các dự án không tìm được nhà đầu tư. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy, chúng tôi hết sức quan tâm tới chất lượng công trình. Toàn bộ 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án PPP đều sẽ phải được thực hiện đúng trình tự thủ tục, đảm bảo chất lượng.
Trong năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm, thông điệp mà lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra cho các đơn vị trong ngành là gì?
Chúng tôi đang cân nhắc một số chủ đề, nhưng tinh thần chủ đạo của ngành trong năm 2020 là phải là bứt phá.
Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm, có nhiều mục tiêu kế hoạch với các công trình trọng điểm cần phải hoàn thành. Do đó, “bứt phá” là thông điệp phù hợp nhất để các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai tăng tốc ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới.
theo CafeLand