Sắp tới, nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực điện, than, GTVT, dầu khí…sẽ được ngân hàng cấp tín dụng vượt giới hạn. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những dự án tốt, đảm bảo tính khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ, đáp ứng các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng có thể được cấp vượt tín dụng.
Lần đầu tiên, các điều kiện cấp tín dụng vượt giới hạn đã được đưa ra rất rõ ràng sẽ tạo thêm điều kiện chủ động và linh hoạt hơn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như các đối tượng vay vốn thuộc nhiều lĩnh vực, đồng thời chấm dứt tình trạng “nhắm mắt cho vay” khiến nợ xấu tăng cao trong thời gian qua.
Tăng trách nhiệm khi cho vay vốn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/5/2018 đối với các dự án quan trọng, cấp thiết khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện ban hành.
Cụ thể, chỉ khi khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, không có nợ xấu trong 3 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá 3 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.
Khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội là các dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế – xã hội quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ.
Hoặc triển khai các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
Dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đã được TCTD thẩm định là đảm bảo khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ và quyết định cấp tín dụng; đáp ứng các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
NHNN thanh tra, giám sát, báo cáo việc cấp tín dụng vượt giới hạn, TCTD chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và đầy đủ của các thông tin, tài liệu cung cấp cho NHNN; chịu trách nhiệm về việc thẩm định, cấp tín dụng, kiểm tra kiểm soát sau cho vay, thu hồi nợ vay, xử lý rủi ro (nếu có) theo quy định đối với khoản cấp tín dụng vượt giới hạn; giám sát chặt chẽ, đảm bảo việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích…
Lần đầu tiên, các điều kiện cấp tín dụng vượt giới hạn đã được đưa ra rất rõ ràng sẽ tạo thêm điều kiện chủ động và linh hoạt hơn cho các TCTD cũng như các đối tượng vay vốn thuộc nhiều lĩnh vực
Chặn các rủi ro
Trong thời gian vừa qua, ngành ngân hàng ám ảnh với vấn đề nợ xấu. Nhiều ngân hàng xem nhẹ quá trình thẩm định và thực hiện cho vay vốn khá dễ dàng, dẫn đến việc sử dụng vốn của các chủ đầu tư, khách hàng khó kiểm soát.
Đặc biệt là tình trạng các chủ đầu tư dự án BOT giao thông. Nhiều nhà đầu tư chỉ có 10-15% vốn và phần còn lại là vay ngân hàng. Một số liệu từng dẫn ra cho biết trong giai đoạn 2000-2015, có tới 45 dự án BOT giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác với tổng số vay vốn ngân hàng lên đến 94.106 tỷ đồng, chiếm 85,3% tổng mức đầu tư của các dự án này.
Không chỉ trong BOT, mà ngay với bất động sản, tình trạng cho vay vốn tràn lan vẫn diễn ra. Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng thực tế trên thị trường có rất nhiều chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, nhưng bằng các mối quan hệ vẫn xin được giấy phép dự án, vẫn bắt tay được với ngân hàng để vay vốn và huy động tiền của người dân.
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc trao quyền và tăng trách nhiệm cho các ngân hàng khi giải ngân vốn ở mỗi dự án sẽ tạo thêm điều kiện chủ động và linh hoạt hơn cho các TCTD, cũng như các đối tượng vay vốn thuộc nhiều lĩnh vực. Qua đó, các nhà băng phải quan tâm đến hiệu quả, khả thi của dự án và uy tín chủ đầu tư khi cấp tín dụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thẩm định hồ sơ mỗi dự án không phải điều dễ dàng với các ngân hàng bởi những cán bộ thẩm định phải có chuyên môn.
Trước mắt, theo giới chuyên gia, NHNN phải chỉ đạo các TCTD tăng cường chức năng thẩm định phương án tài chính để đảm bảo hiệu quả và khả thi. Đồng thời, thẩm định cả năng lực tài chính của chủ đầu tư, chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự để cho vay.
Thực tế, thời gian qua, nhiều vụ án trong lĩnh vực ngân hàng_cho thấy lỗ hổng trách nhiệm của các cán bộ ngân hàng. Phần lớn nguyên nhân xuất phát từ khâu thẩm định hồ sơ và định giá tài sản bảo đảm.
theo CafeLand