Cải cách TTHC cải thiện tiếp cận tín dụng: Khi khát vọng trở thành hành động

“Tăng cường mối quan hệ tiếp cận tín dụng giữa DN với NH là câu chuyện hoàn toàn không mới, nhưng cũng không bao giờ cũ”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh khi ông một lần nữa đứng trên bục căn phòng hội thảo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói về câu chuyện này ở một khía cạnh khác: “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng”.

Dù chỉ số tiếp cận tín dụng đã cán đích mục tiêu mà Thủ tướng đã đặt ra trong Nghị quyết 19 và 35 đối với ngành Ngân hàng là đưa chỉ số tiếp cận lên nhóm 30 nước đứng đầu và nằm trong top ASEAN 4 và đã được cộng đồng DN, các tổ chức quốc tế ghi nhận, song ngành Ngân hàng vẫn kỳ vọng sẽ cải thiện tốt hơn nữa mối quan hệ này để góp phần thực thi có hiệu quả hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN đặc biệt là DNNVV.  
 
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo
 
Hơn cả những con số
 
Đồng hành cùng thành viên VCCI và ngành Ngân hàng trong một thời gian dài, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận Ngân hàng là ngành tiên phong trong tiếp cận giải quyết khó khăn cho DN. Dẫn lại sự kiện hôm trước đó, đích thân Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã tới Bắc Giang để tháo gỡ ngay vướng mắc trong quan hệ tín dụng của Hợp tác xã Trường Thành và các TCTD trên địa bàn, ông Lộc khẳng định: “Những việc giải quyết cụ thể như vậy đẩy nhanh hỗ trợ tiến trình cải cách môi trường kinh doanh của chúng ta”.
 
Theo ông, thành quả quan trọng mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua là góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ DN đặc biệt là DNNVV. "Nếu cần tôn vinh tặng hoa cho những đơn vị làm tốt 2 vấn đề này thì 2 bông hoa đẹp nhất sẽ dành tặng cho ngành Ngân hàng", ông nói.
 
Nhìn nhận các hoạt động ngân hàng tăng trưởng cả về chất và lượng hỗ trợ cho sự phát triển của DN, đặc biệt là quá trình phát triển DN mới bùng nổ thời gian qua cũng như đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Ngân hàng để đến nay tiếp cận tín dụng là 1 trong 2 chỉ số nằm trong top 30 nền kinh tế dẫn đầu theo đánh giá của WB, ông Lộc nhấn mạnh, điều mà ngành Ngân hàng làm được còn hơn cả những con số. Vì ở các nước khác nguồn trung dài hạn được cung ứng bởi thị trường vốn, thị trường chứng khoán thì ở Việt Nam ngành Ngân hàng đang gánh thay trách nhiệm với dư nợ chiếm 55% là cho vay trung dài hạn. “Tôi cho rằng gánh vác của ngành tăng lên gấp đôi là rất đáng được trân trọng”, ông Lộc nói.
 
Những chia sẻ của chuyên gia Cấn Văn Lực càng minh chứng rõ vấn đề này khi dư nợ tín dụng đã đạt 130% GDP. Còn nhìn vào thị trường chứng khoán chiếm khoảng 70% GDP với 245.000 tỷ đồng (riêng vốn nội) thì đã có 194,3 ngàn tỷ đồng là huy động trái phiếu Chính phủ, như vậy chỉ huy động được gần ngàn tỷ đồng từ TTCK.
 
Đáng nói hơn là chỉ số niềm tin với ngành Ngân hàng tăng cao trong lòng DN. Bà Nguyễn Thu Hà – Tổng giám đốc Công ty TNHH Lexim đánh giá từ những trải nghiệm của bà và DN sau 6 năm. Bà kể, năm 2012, khi tham gia một hội nghị cũng về tháo gỡ khó khăn cho DN, một giám đốc NH nói, với bà “em gặp khó khăn à?đến anh cho vay ngay…”. Nhưng từ câu nói đến thực hiện xa vời. Đến năm 2014, khi tiếp cận với Vietcombank Chương Dương, bà Hà đã cảm nhận sự thay đổi cả về nhận thức và hành động trong hoạt động cung ứng tín dụng của ngân hàng. Niềm tin với ngành Ngân hàng dày thêm với việc lãi suất hạ từ 18% xuống 15% năm 2012 và giờ thấp hơn nhiều đã bổ trợ cho DN chị nguồn vốn trung dài hạn kinh doanh, bên cạnh nguồn vốn của đối tác nước ngoài. “Chỉ có niềm tin thì NH và DN mới đồng hành được, từ đó có hỗ trợ cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là đáp ứng vốn”, bà chia sẻ.
 
Tất cả những đánh giá tích cực đó cũng phần nào được thể hiện qua việc Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN với điểm số 75/100, tăng 5 điểm so với năm trước đó. WEF cũng đã ghi nhận về các giải pháp mà NHNN đã tích cực triển khai trong thời gian qua.
 
“Sự đánh giá khách quan từ các tổ chức quốc tế là điều đáng mừng, khẳng định kết quả này không phải chỉ từ phía ngành Ngân hàng từ nỗ lực của các bộ ngành với các cơ chế chính sách lập pháp nói chung tạo nên sự cởi mở, gắn bó hơn, trong đó có sự chủ động của NH và DN”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận.
 
Song, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, với những nỗ lực của NHNN trong 6 tháng cuối năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, thời gian tới đây những cải thiện liên quan đến chỉ số tín dụng nói riêng và tiếp cận tín dụng nói chung ở cấp độ cao hơn rất nhiều. Bởi theo phóng viên tìm hiểu, những nỗ lực cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng mà WB tham chiếu trong Báo cáo môi trường kinh doanh của WB 2018 mới trên nền tảng thông tin đến tháng 1/2017.
 
Nhìn lại năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt 18,7% là một con số cao, song những hỗ trợ của ngành Ngân hàng còn nhiều hơn thế khi nhìn vào doanh số cho vay năm 2017 lên tới hơn 1,2 triệu tỷ đồng, giải quyết rất nhiều bài toán cho nền kinh tế cả vốn ngắn và trung dài hạn. Hơn thế, thị trường tín dụng còn gánh thêm một vai khác là có nhiều chính sách ưu đãi đễ hỗ trợ các đối tượng cần ưu đãi mà ở các quốc gia không có.
 
Toàn cảnh Hội thảo
 
Tìm động lực nâng cao chỉ số
 
Nhấn mạnh thêm một lần nữa việc tổ chức các chương trình kết nối NH và DN nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng không mới và chỉ số tiếp cận tín dụng đã cao hơn bình quân trung các nước trong khu vực và khối OECD. Song, như kỳ vọng mà NHNN và VCCI đã đặt ra tạo hội thảo này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh thêm ý chí của NHNN: “Cải cách TTHC cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng đã làm tốt rồi nhưng phải phấn đấu tốt hơn nữa, phải cải thiện hơn nữa. Vẫn có 28 nước xếp trên chúng ta, tất nhiên là vị trí số 1 rất khó cạnh tranh với các nước phát triển, nhưng chúng ta có quyền khát vọng hướng tới”.
 
Đây cũng là điều mà các DN và chuyên gia tâm huyết chia sẻ và kiến nghị các giải pháp cùng NHNN và VCCI trong hội nghị này. TS. Võ Trí Thành  - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra cách tiếp cận tín dụng 2 góc độ. Ở góc độ tín dụng chính sách đặt lên vai NHNN vừa là lực đẩy song cũng vừa là lực kéo để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy DN, đảm bảo an toàn hệ thống. Nhưng 3 mục tiêu này không phải lúc nào là một là điều khó khăn cho NHNN trong công tác điều hành. Còn ở góc độ NHTM hay DN đều là loại hình DN kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận như vậy cần đặt quan hệ giữa NH và DN là bình đẳng. 
 
Hai bài học mà ông Thành chỉ ra về chỉ số tiếp cận tín dụng chính là khát vọng cải cách và tính liên tục trong cải cách. Chỉ số tiếp cận tín dụng mới chỉ đạt 75/100 có nghĩa là còn 25 điểm để phấn đấu, trong đó tập trung vào hai điểm yếu hiện nay là sự đa dạng về tài sản thế chấp, đặc biệt là động sản, tiếp đó là độ sâu thông tin đặc biệt là chỉ số độ phủ thông tin tín dụng thấp…
 
Giải quyết những vấn đề này không chỉ là câu chuyện của ngân hàng và DN mà phụ thuộc vào thể chế, NH, DN. Đánh giá cao về Nghị quyết 42 trong xử lý nợ xấu, hỗ trợ cải thiện chỉ số, song ông Thành cũng chỉ ra, quy định cần có sự đồng thuận của chủ tài sản trong xử lý dẫn đến khó khăn cho NH, thậm chí phải nhờ vào tòa án mất nhiều thời gian công sức. Từ ví dụ này, ông cho biết thể chế vẫn đang còn khoảng trống về việc bảo vệ quyền lợi người cho vay.
 
Nhìn về một trong hai lĩnh vực mà ông Vũ Tiến Lộc cho rằng nó sẽ là điểm tựa đột phá cho nền kinh tế, vấn đề sống còn trong tương lai là nông nghiệp và DN khởi nghiệp, ông Thành ghi nhận khỏi nghiệp là một lĩnh vực mới và báo cáo của các vụ chức năng của NHNN đã cho thấy những nỗ lực và cố gắng của NHNN. Song ông Thành cho biết, cần chọn những lĩnh vực tập trung hỗ trợ thay vì một chính sách chung hỗ trợ cho DNNVV khi hiện họ chiếm tới hơn 90% số DN. “Tôi có cảm giác đang làm theo chiều rộng, như vậy hỗ trợ tùm lum làm méo mó sự phát triển của nền kinh tế. Chúng ta cần phân tích đánh giá là hỗ trợ DN làm gì, thì chính sách sẽ đi đúng hướng đó”, ông Thành nói.  
 
Tại hội thảo, câu chuyện về cho vay không có tài sản thế chấp và giảm tỷ lệ tài sản thế chấp cũng đã được NH và DN chia sẻ thẳng thắn. "Có DN nhiều đặt câu hỏi cho chúng tôi làm thế nào để được vay mà không có tài sản đảm bảo?", Phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Kim Oanh tâm tư. Tuy nhiên bà cũng khẳng định rõ: Tài sản đảm bảo không phải là điều kiện duy nhất cho vay, quan trọng là DN cần phải tạo được uy tín với khách hàng từ trình độ quản trị, đến dữ liệu tài chính, từ đó NH mới có niềm tin để phê duyệt dự án, xác định giá cho vay.
 
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có tình trạng hồ sơ tài chính không thống nhất, có sự "vênh" giữa báo cáo nội bộ của DN với báo cáo cho NH, báo cáo thuế. "NH một mặt muốn tin và cho DN vay, thậm chí khi NH xuống cơ sở thấy còn có thể cho vay với hạn mức cao hơn so với báo cáo thuế, nhưng không có cơ sở cho vay", bà chia sẻ.
 
Từ đó, bà Oanh cho rằng, minh bạch và nâng cao năng lực quản trị là 2 yếu tố để NH và DN gặp nhau ở một điểm là niềm tin. “DN thiếu minh bạch, dự án không khả thi, NH sẽ cho vay dự án khác, còn với DN, ngân hàng không có những cải cách trong thủ tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ DN thì DN đi vay NH khác nhất là trong bối cảnh có nhiều NH nước ngoài đang canh trạnh cùng NH trong nước”, Tổng giám đốc Lexim thẳng thắn.
 
Một chia sẻ khác cũng được các đại biểu đặt ra, đó chính là việc DN vẫn còn ngại tiếp cận NH và cho rằng ít sản phẩm dịch vụ cho khách hàng vừa và nhỏ, nhưng thực tế như Phó tổng giám đốc VietinBank Nguyễn Đình Vinh chia sẻ, hiện thanh khoản dồi dào, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nên các NH cạnh tranh với nhau xây dựng các gói sản phẩm và dễ áp dụng nhất là cho DNNVV.
 
“Như vậy về cơ bản, tại một thời điểm thì DN sẽ rơi vào một gói ưu đãi nào đó, quan trọng là chúng ta có tận đụng được gói ưu đãi đó hay không thôi”, ông Vinh chia sẻ và cho biết thêm hiện có cả chuyện DN được hưởng lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi.
 
“Xin mượn lời Phó Thống đốc trong đợt kiểm tra Bắc Giang vừa qua,  khi làm việc với NH và khách hàng mới thấy rằng không có khó khăn gì cả. Thậm chí Phó Thống đốc nói rằng DN đủ điều kiện mà NH không cho vay thì kỷ luật nhưng thực tế không có câu chuyện đó”, ông Vinh kể.
 
Tăng tính chủ động trong tiếp cận vốn
 
Tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã và sẽ tổ chức các hội thảo như thế này cũng là kỳ vọng để lắng nghe phía chuyên gia DN đóng góp thêm để trong thời gian tới nên làm như thế nào để chỉ số tiếp cận tín dụng và tiếp cận tín dụng được cải thiện tốt nhất trong năm 2018.
 
“Về phía NHNN và NHTM, chúng tôi khẳng định cải cách hành chính và TTHC là rất quan trọng chứ không phải chỉ là cung ứng sản phẩm dịch vụ. Chính bởi vậy, câu chuyện cải cách TTHC, NHNN không chỉ thực hiện mà còn đặt ra trách nhiệm cho toàn hệ thống ngân hàng trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới để tiếp tục công khai, minh bạch, cắt bỏ thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng”.
 
Đáng nói là thời gian qua, NHNN có sự chủ động trong việc khơi thông quan hệ tín dụng điển hình là Thông tư 39 được xem như tháo gỡ cho NHTM, trao quyền tự quyết cho NHTM trong cho vay, việc thế chấp hay không do NHTM tự quyết định. NHNN cũng đã tạo sự bình đẳng về vốn, thủ tục, lãi suất, NH và DN có quyền lựa chọn lẫn nhau.
 
Câu chuyện mở rộng mạng lưới mà báo chí đã nêu là ra cửa gặp ngân hàng. Đúng là nhiều, song nhìn ở một góc độ khác rõ ràng là NHNN phải quản lý vất vả hơn nhưng bù lại là tạo cơ hội, sự lựa chọn cho khách hàng. Với 31 TCTD cùng hàng trăm chi nhánh NHTM tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động tín dụng, cùng với tài chính vi mô phục vụ đa dạng đối tượng. NHNN cũng tạo cơ chế cởi mở tiếp cận tín dụng, với việc tăng chiều sâu thông tin tín dụng, cung cấp thông tin tín dụng đa dạng, công khai để DN và NH tìm hiểu và đưa ra quyết định lựa chọn
 
Cùng với các gói sản phẩm NH đua nhau cung ứng ngành Ngân hàng đang phấn đấu đó là hướng tới minh bạch tài chính. Nguồn lực tài chính của DN và người dân hạn chế. Nếu có thế chấp, NH mạnh dạn cũng chỉ cho vay tới 70, chưa kể đến việc cán bộ thẩm định lo sợ rủi ro đánh giá giá trị tài sản thế chấp. “Nếu NH đánh giá được năng lực của DN và dòng tiền thì NH có thể ra quyết định cho vay giảm không có tài sản đảm bảo, đâu cần phải những công đoạn phiền phức đến thế. Nếu minh bạch tài chính, minh bạch thông tin thì câu chuyện tín dụng đơn giản hơn rất nhiều”.  Phó Thống đốc phân tích.
 
Về tương lai ngành Ngân hàng tiếp tục theo hướng cải tiến hơn nữa về thủ tục, lãi suất, chi phí… Phó Thống đốc cũng cho biết, những năm gần đây, NHNN mỗi năm có 2 đợt kiểm tra việc thực hiện cải cách có cả các cơ quan báo chí đi theo. Không kỷ luật, không khen thưởng trong những lần kiểm tra này, song theo ông, "thông tin mà báo chí khen ngợi còn hơn cả khen thưởng".
 
Nhìn nhận ý kiến các nhà khoa học là nội dung tổng hợp có thể tiếp thu xây dựng văn bản trong thời gian tới. Phó Thống đốc cũng cho biết, quan điểm của NHNN và VCCI là rất quan tâm và trách nhiệm với mục tiêu hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng một cách tốt nhất, và NHTM cũng cho vay được nhiều nhất để thanh khoản không bị đọng vì hiện nay rất dồi dào. Thời gian tới, NHNN sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo phối hợp với các địa phương để các DN chưa có điều kiện tham gia sẽ tham gia. Sự vào cuộc của các cấp ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương cùng NH và chính DN là cách giải quyết kịp thời và thiết thực nhất.
 

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất