Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa trao đổi thông tin, cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam sang Canada với Hiệp hội Thép Việt Nam.
Căn cứ số liệu của hải quan Canada, các sản phẩm thép trong chương 72 xuất khẩu từ Việt Nam có sự gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Trong năm 2018, Canada nhập khẩu khoảng 37 triệu USD Canada (CAD) các sản phẩm thép của Việt Nam, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2019, nước này đã nhập hơn 103 triệu CAD các sản phẩm này. Trong đó, nhóm sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng thép phẳng mạ phủ với kim ngạch 6 tháng 2019 đạt khoảng 94 triệu CAD.
Theo Hiệp hội Thép, việc gia tăng xuất khẩu là do tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Canada là thành viên. Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cũng như không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Canada.
Trong thời gian qua, Canada đã có những động thái điều chỉnh pháp luật để cho phép áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, sửa đổi luật thuế. Hải quan Canada xóa bỏ quy định khoảng cách 2 năm giữa các lần áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung với cùng một sản phẩm tạo điều kiện cho việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuận lợi hơn.
Ngoài ra, Canada cũng đã có thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc tăng cường triển khai các biện pháp chống chuyển tải lẩn tránh cũng như hành vi phá giá, trợ cấp với sản phẩm thép nhập khẩu.
Cục Phòng thương mại khuyến nghị Hiệp hội thép Việt Nam cần thông báo tới các thành viên về việc xem xét kế hoạch sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thép sang thị trường Canada, tránh tăng trưởng quá nóng làm tăng nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, bao gồm cả chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về xuất xứ hàng hóa, không tiếp tay cho các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận thương mại gây tổn hại đến uy tín kim ngạch, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nếu vướng phải các vụ kiện.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần thường xuyên liên lạc với Cục Phòng vệ thương mại để cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến xuất khẩu để có phương án xử lí kịp thời khi vụ việc xảy ra.
theo CafeLand