Chậm giải ngân vốn đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2019 trên cả nước hơn 270.209 tỉ đồng, chỉ đạt 62,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và 67,46% kế hoạch Chính phủ giao

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến nay 7 bộ, ngành và 11 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 90%; 4 bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân đạt 100% và 5 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 95%. Tuy nhiên, có 15 bộ, ngành và 8 địa phương có tỉ lệ giải ngân chỉ dưới 60%.

Chỉ giao vốn cho dự án đủ điều kiện

Bộ Tài chính lưu ý giải ngân vốn nước ngoài rất ì ạch, cả năm chỉ đạt hơn 18.871 tỉ đồng (39,89%). Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, định kỳ 15 ngày, Bộ Tài chính đã công khai kết quả giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương. Tính đến ngày 31-12-2019, một số địa phương như Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu chưa giải ngân được khoản vốn nước ngoài nào.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm là "căn bệnh" đã được Chính phủ chỉ rõ, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên kết quả vẫn rất cầm chừng. Đánh giá về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, chưa kỹ, chưa tốt dẫn đến dự án và kế hoạch phải điều chỉnh nhiều lần.

Bên cạnh đó, thủ tục điều chỉnh chưa được đơn giản hóa, phải xét duyệt qua nhiều cấp, kéo dài thời gian. Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân. Việc triển khai giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án, nhiều địa phương là điểm nghẽn khiến việc giải ngân vốn bị chậm.

TP Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020 hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông đô thị Ảnh: Hoàng Dũng

Về giải pháp cho năm 2020, ngay từ cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm, tránh tình trạng ì ạch như thời gian vừa qua. Thủ tướng cũng lưu ý chỉ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư và đủ điều kiện giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đã xử lý được hàng loạt tồn tại, vướng mắc trong hoạt động đầu tư công, các thủ tục thực hiện dự án. Luật cũng sẽ chấm dứt được việc lập kế hoạch đầu tư công không đúng quy định, ghi tên dự án để được bố trí vốn nhưng sau khi bố trí vốn lại không triển khai được. Tình trạng bố trí vốn không đúng nên có dự án tiền sẵn nhưng không giải ngân được, trong khi có dự án giải ngân rất tốt lại không có vốn sẽ được khắc phục.

Dự án ì ạch

Theo công bố của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 của Đà Nẵng đạt thấp là một điểm nghẽn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của TP. Theo kế hoạch, vốn đầu tư công năm 2019 của Đà Nẵng gần 5.500 tỉ đồng (không kể dự phòng trên 2.000 tỉ đồng). Đến tháng 8-2019, mới giải ngân khoảng 2.300 tỉ đồng.

Trong 46 dự án đầu tư bằng ngân sách TP hiện có hàng chục dự án chậm tiến độ như đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đường Vành đai phía Tây, ký túc xá phía Tây, nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm, Nhà máy Nước Hòa Liên, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý... Trong khi đó, 9 dự án lớn vẫn đang trình thẩm định, chưa thể triển khai.

Về vấn đề này, tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cũng thừa nhận mặc dù ngay từ đầu năm, TP đã triển khai và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, song tỉ lệ giải ngân của Đà Nẵng vẫn còn thấp, chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường hết các vấn đề phát triển ở các công trình quy mô lớn.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2019 do tỉnh quản lý là 2.359 tỉ đồng, thực hiện giải ngân đến tháng 12-2019 chỉ được 1.408 tỉ đồng, đạt 60%. Đáng chú ý, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 294 tỉ đồng nhưng giải ngân đến kỳ báo cáo mới đạt 27,4%. Đối với nguồn vốn ODA, kế hoạch vốn trong năm 2019 của tỉnh này là hơn 512 tỉ đồng nhưng chỉ giải ngân được 35,5% kế hoạch.

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Nông, nguyên nhân giải ngân chậm là do theo quy định đến tháng 4-2019, UBND tỉnh mới đủ căn cứ giao kế hoạch vốn và tháng 5-2019 mới phê duyệt danh mục chủ trương đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế chính sách đặc thù trong quản lý và điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia, một số công trình có tổng mức đầu tư cao gặp vướng mắc, phải điều chỉnh cho phù hợp.

Xử lý mạnh tay

Để giải bài toán giải ngân đầu tư công, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Đà Nẵng đưa ra kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là 12.373 tỉ đồng, bằng 162% so với năm 2019. Để hấp thụ nguồn vốn đầu tư công trên 14.000 tỉ đồng, năm 2020, Đà Nẵng sẽ khởi công và hoàn thành các công trình trọng điểm.

Theo đó, khởi công Trung tâm Công nghệ sinh học và cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật giai đoạn 2; nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn; nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi từ 600 giường lên 1.000 giường; cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành; đường vành đai Tây Bắc 2... Đồng thời hoàn thành hàng loạt dự án như Nhà máy Nước Hòa Liên; nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn; tuyến trục Tây Bắc 1; tuyến thu gom nước thải Nguyễn Tất Thành; Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (hoàn thành 100% hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và 2)...

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng, nhấn mạnh: Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2020, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp lãnh đạo đến các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư... Từng đơn vị phải có kế hoạch triển khai thực hiện với các nhiệm vụ cụ thể gắn với các giải pháp thực hiện.

Về thủ tục đầu tư, các đơn vị triển khai lập hồ sơ chủ trương đầu tư ngay từ đầu năm đối với các công trình đã được bố trí vốn năm 2020. Đồng thời phải mạnh tay xử phạt đối với các đơn vị lập hồ sơ chậm trễ, đề xuất không được tham gia tư vấn các dự án tiếp theo trong trường hợp có 3 lần chậm trễ hồ sơ. Trường hợp bị cơ quan thẩm định trả hồ sơ đến lần thứ 3, đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo trực tiếp theo dõi dự án. 

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, để đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ sẽ làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, có chế tài xử lý nếu không có chuyển biến. Ngoài ra, các dự án có vốn tồn đọng, chậm giải ngân sẽ điều chuyển sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh. 

TP HCM: Cắt vốn các dự án không hiệu quả

Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết trong năm 2019, tổng số vốn đã giải ngân là 22.274 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch vốn đã giao. Dự kiến đến hết niên độ ngân sách năm 2019 (hết ngày 31-1-2020), tổng vốn đầu tư công được giải ngân là 24.617 tỉ đồng, đạt 93,6 tổng kế hoạch vốn được giao.

Trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công năm 2014, một số dự án vốn lớn vướng mắc về thủ tục đầu tư, chưa ký kết hiệp định vay... Hiện nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP còn thực hiện chậm, kéo dài, đôi khi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Ngoài ra, chủ đầu tư chưa quan tâm, đẩy nhanh công tác quyết toán dự án hoàn thành... Trong thời gian tới, TP đã điều tiết nguồn vốn từ các dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân khả thi; dự án nào tốt thì bố trí thêm nguồn vốn, đồng thời cắt nguồn vốn ở các dự án không hiệu quả.

Trong năm 2020, tổng vốn đầu tư công trung ương bố trí cho TP là 8.198,552 tỉ đồng. Kế hoạch đầu tư công năm 2020 bằng nguồn vốn ngân sách của TP là 33.952,364 tỉ đồng. 

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất