Alomuabannhadat - Gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng là một trong 7 nhóm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong Chỉ thị số 11/CT-TTg Thủ
Thủ tướng chỉ thị nhiều giải pháp cấp bách để vừa tháo gỡ khó khăn, vừa chủ động ứng phó dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng.
Bộ tài chính được giao khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Giải pháp thứ hai là rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính được giao chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm; nhưng cũng không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật…
Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, rà soát để ban hành theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 3 năm 2020 để tổng hợp, xử lý.
Giải pháp thứ 3 là tạo tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho sản xuất trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước.
Bộ Công Thương có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới. Song song đó, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Bên cạnh đó, thủ tướng cũng đưa ra các giải pháp: Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh;…
theo CafeLand