Alomuabannhadat - Cùng với sự tăng sốc của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tuần qua liên tục thiết lập đỉnh mới, vượt mốc 62 triệu đồng/lượng vào ngày 6/8 và rồi bất ngờ quay đầu lao dốc.
Thiết lập đỉnh mới
Từ giữa tháng 7, giá vàng thế giới đã có những phiên biến động mạnh, kéo theo sự gia tăng của giá vàng trong nước.
Trong nửa đầu tháng 7/2020, giá vàng thế giới vượt qua mức 1.800 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011. Đến ngày 17/7, giá vàng bán ra tăng 275,6 USD/ounce so với cuối năm 2019. Giá vàng tăng mạnh trong tuần cuối của tháng 7/2020 khi chính thức vượt qua đỉnh của năm 2011 (1.921 USD/ounce), đạt trên 1.930 USD/ounce trong sáng ngày 27/7.
Giá vàng thế giới 30 ngày qua. Nguồn: Goldprice
Trong phiên giao dịch hôm 4/8 theo giờ New York, giá vàng thế giới lần đầu vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce và tiếp tục tăng phi mã, cán mốc 2.020 USD/ounce. Trong ngày 5/8, có thời điểm, giá vàng thế giới đã tăng lên mức kỷ lục 2.039 USD/ounce.
Phiên giao dịch ngày 7/8, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.064,9 USD/ounce sau khi có thời điểm vọt lên mức cao kỷ lục 2.069,21 USD/ounce. Chốt phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 1% lên 2.069,40 USD/ounce.
Giá vàng trong nước cũng biến động theo xu hướng tăng mạnh, do chịu tác động từ đà tăng của giá vàng thế giới.
Giá vàng SJC trong nước trong nửa đầu tháng 7/2020 vượt và duy trì giao dịch trên ngưỡng 50 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ năm 2011. Đến ngày 17/7, giá vàng trong nước bán ra tăng 7,9 triệu đồng/lượng so mức giá cuối năm 2019.
Biến động giá vàng SJC Sài Gòn thời gian qua. Đơn vị: triệu đồng/lượng
Trong hai tuần cuối tháng 7, thị trường vàng cũng ghi nhận một đợt tăng hiếm có, liên tục tăng lên các đỉnh cao mới trong 9 năm nhờ hàng loạt yếu tố hỗ trợ cho mặt hàng kim loại này. Từ 20-23/7, giá vàng SJC tăng thêm 4 triệu đồng, liên tiếp phá vỡ bốn ngưỡng quan trọng 51-52-53-54 triệu đồng/lượng.
Bước sang tháng 8 giá vàng miếng SJC liên tục nhảy múa, đạt ngưỡng 59 triệu đồng/lượng (ngày 5/8), sau đó tăng lên mức 60 triệu đồng vào ngày 6/8, rồi tăng tiếp lên 61 và 62 triệu đồng/lượng vào ngày 7/8.
Nguyên nhân tăng giá
Theo các chuyên gia, sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 là nguyên nhân hàng đầu làm tăng giá vàng trong năm 2020. Các biện pháp chống đỡ dịch Covid-19 cũng làm gia tăng xu hướng nới lỏng tài chính-tiền tệ thông qua sự bùng nổ các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỉ USD và cắt giảm lãi suất tiền tệ.
Các gói hỗ trợ này được kỳ vọng tăng sức chống chịu của nền kinh tế, tăng niềm tin của xã hội vào triển vọng đầu tư, duy trì tăng trưởng kinh tế, kiểm soát thất nghiệp,… Tuy nhiên, chúng cũng sẽ kéo theo nguy cơ giảm giá các đồng tiền, tăng sức ép nợ công, lạm phát tiền tệ.
Từ đó, tạo động lực biến vàng thành nơi đầu tư tin cậy, ưa chuộng nhất và được coi như kênh trú ẩn an toàn. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, mức tăng của giá vàng miếng SJC trong nước phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, khác với trước đây, khi giá vàng tăng thì mọi người thường đổ xô đi mua vàng, hiện nay giao dịch thị trường không có đột biến.
Tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá vàng nguyên liệu và một số loại vàng miếng thương hiệu khác duy trì ở mức thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.
Ngân hàng Nhà nước dự đoán, trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình chính trị trên thế giới.
Lao dốc không phanh
Từ ngày 10/8, giá vàng có xu hướng chững lại và bắt đầu lao dốc. Vàng trên sàn New York chốt phiên ngày 10/8 vẫn giao dịch ở mức 2.027,9 USD/ounce nhưng đến cuối phiên 11/8 giá đã giảm về 1.910 USD, mất gần 118 USD/ounce – mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2013. Sang phiên sáng 12/8, giá vàng thế giới giao ngay tăng nhẹ lên 1.915 USD/ounce.
Vàng giảm giá sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố về khả năng giảm thuế, số liệu kinh tế lạc quan và số ca nhiễm Covid-19 ở Califonia và NewYork giảm. Ngoài ra, thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 11/8 tuyên bố phê duyệt vaccine Covid-19 cũng góp phần kéo giá vàng đi xuống.
Phiên giao dịch lúc 10h30 ngày 12/8, giá vàng miếng SJC tại Sài Gòn đã giảm tới 6,16 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm tới 3,93 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, kéo giá mua bán xuống mức 47,42 - 51,57 triệu đồng/lượng. Đây là bước giá giảm sâu nhất trong lịch sử của thị trường vàng trong nước.
Tuy nhiên, chiều 12/8, giá vàng đảo chiều tăng trở lại. Giá vàng SJC được niêm yết ở mức 52,310 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,150 triệu đồng/lượng (bán ra). Chênh lệch giữa giá mua và bán được doanh nghiệp giữ gần 4 triệu đồng/lượng.
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia nhận định đà tăng của giá vàng chỉ tạm thời dừng lại, đỉnh của vàng trong đợt tăng giá này còn khá xa, có dự báo lên tới 3.000 USD/ounce.
Có nhà phân tích nhận định, giá vàng có thể tăng lên mức 4.000 USD/ounce trong ba năm tới. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng có thể bị kìm hãm bởi hai yếu tố quan trọng. Đó là hoạt động phát triển vaccine phòng Covid-19 và cuộc bầu cử tại Mỹ vào tháng 11 tới.
theo CafeLand