Chứng khoán Bảo Việt cảnh báo hàng ngoại có thể “mượn” mác Việt Nam để vào Mỹ

Alomuabannhadat - Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp 10% thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD đang làm cả thế giới sôi sục. Động thái leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng thế nào tới các ngành hàng của Việt Nam?

Ngày 17/9, trong một động thái tiếp tục gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp 10% thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD từ ngày 24/9 và sẽ tăng 25% thuế vào đầu năm 2019. Ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố có thể từ chối tham gia các cuộc đàm phán thương mại do Washington đề xuất vào cuối tháng này, nếu Mỹ tiến hành áp thuế bổ sung. 

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung và tác động tới Việt Nam

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong một báo cáo gần đây về “Toàn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung", các ngành hàng ở Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này.

Về cơ bản, các loại hàng hóa trung gian là đầu vào cho sản xuất như thiết bị, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô... và các mặt hàng tiêu dùng bao gồm điện thoại, máy vi tính, hàng may mặc, da giày, đồ thể thao, đồ chơi trẻ em... đều sẽ nằm trong danh sách đánh thuế của Mỹ.

Theo đó, đối với mảng điện thoại di động, thiết bị điện tử viễn thông, linh kiện máy tính, đồ điện tử gia dụng, giá trị Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ 256 tỉ USD (2017). Việc chuyển hướng đầu tư sản xuất các mặt hàng điện tử sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc dù quy mô được dự báo không lớn nhưng có thể cũng mang đến những thuận lợi cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Riêng đối với mặt hàng điện thoại di động, Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc do giá nhân công cao kết hợp với rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang nên tập đoàn này càng có lý do để đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư sang các nước khác.

“Trong bối cảnh này, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của Samsung. Theo đó, thu hút vốn FDI, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng, các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra”, BVSC nhận định.

Đối với hàng may mặc, giày dép, đồ dùng thể thao, đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, giá trị Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ là 85 tỉ USD (2017).

Năm 2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỉ USD (tương đương gần 50% tổng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới). Hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế 8-10%. Ngành dệt may và da giày được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại.

Đối với mảng đồ gỗ nội thất, giá trị Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ là 20 tỉ USD (2017), các đơn hàng đồ gỗ nội thất có thể sẽ chuyển từ các nhà máy tại Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Malasia, Thái Lan, Việt Nam…

Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 7,6 tỉ USD gỗ và các sản phẩm gỗ, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 3,2 tỉ USD. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng mở ra cơ hội nhận được thêm các đơn hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất của Việt Nam như TTF, SAV… Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần siết chặt quản lý, tránh tình trạng đồ gỗ nội thất Trung Quốc mượn Việt Nam như một nước trung chuyển để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ. Nếu để điều này xảy ra, cả ngành sẽ bị ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế trừng phạt.

Về mảng sắt thép các loại, giá trị Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ là 1 tỉ USD (2017). Việc Mỹ áp thuế mang đến lo ngại thép Trung Quốc sẽ tìm một thị trường khác để tiêu thụ hoặc “xuất khẩu nhờ” vào Mỹ, trong đó Việt Nam có thể là một địa chỉ lý tưởng.

“Tuy nhiên, trên thực tế, lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ năm 2017 có quy mô khá nhỏ (chỉ là 740.000 tấn) nên nếu có tràn vào Việt Nam tiêu thụ thì cũng không đáng lo ngại”, BVSC phân tích.

Ngoài ra, sản phẩm thép xây dựng và tôn mạ của Việt Nam hiện vẫn được bảo vệ tốt nhờ hàng rào thuế quan nên Trung Quốc khó có khả năng cạnh tranh ở những mặt hàng này. Trong khi đó, nguy cơ Việt Nam trở thành nơi trung chuyển để thép Trung Quốc đi “đường vòng” sang Mỹ mặc dù có nhưng mức độ cũng khá hạn chế do lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ cũng không lớn.

Tuy vậy, các nhà quản lý thị trường cũng cần kiểm soát kỹ nhằm ngăn chặn tình trạng này, tránh tạo lý do chính đáng để Mỹ áp thuế trừng phạt lên toàn bộ các doanh nghiệp thép của Việt Nam có hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, BVSC khuyến cáo.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất