Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều NHTM vẫn để hình thức chuyển nợ thành vốn góp trong tờ trình báo cáo đại hội. Tuy nhiên, khi trao đổi về tính khả thi của dự án, nhiều lãnh đạo NH cho biết đây chỉ là giải pháp tình thế, nếu có phương án tốt hơn, NH sẽ lựa chọn thay vì tiếp tục thực hiện dự án này.
Quý đầu năm 2018 đã đi qua nhưng chưa có thêm trường hợp nào chuyển nợ thành vốn góp, nhiều người đặt câu hỏi có thể phương án này đang chậm lại trong quá trình tái cơ cấu của các ngân hàng. Trên thực tế, tính đến thời điểm này việc chuyển nợ thành vốn góp vẫn là giải pháp được một số NHTM lựa chọn và có những kết quả rất đáng ghi nhận.
Tổng giám đốc một NHTMCP cho biết, lợi ích việc chuyển nợ thành vốn góp là một trong những giải pháp tốt để NHTM xử lý nợ xấu, khi khoản nợ khó đòi đó được chuyển thành vốn góp. NH dành thêm thời gian công sức cấu trúc lại nợ nần cho tốt lên, DN kinh doanh hiệu quả hơn sẽ giúp NH có thể thu hồi nợ thay vì cứ ngồi chờ.
Các NH đang chú trọng tìm nguồn tăng vốn thay vì đầu tư ra bên ngoài
Năm ngoái, rất nhiều NHTMCP đã tính toán cặn kẽ các phương án xử lý nợ xấu theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp bằng cách dành thêm thời gian, công sức cũng như tham gia thuê tư vấn, quản lý, giám sát, phân tích khối nợ xấu. Kế hoạch là vậy, song trên thực tế, sau một thời gian dài nghiên cứu, vị lãnh đạo NHTMCP trên cho rằng giải pháp này dù đã được tính toán kỹ nhưng vẫn đang gặp không ít trắc trở và càng ngày càng thể hiện rằng nó không phù hợp để thực hiện.
Một mặt, lãnh đạo các NH giải thích tuy chưa bắt tay vào xây dựng thực tế nhưng dễ thấy giải pháp này đòi hỏi các NH phải có năng lực tài chính rất lớn. Hơn nữa, nếu tình trạng nợ xấu quá lớn NH cũng không thể chuyển nợ xấu thành vốn góp cho DN được vì cổ đông sẽ không đồng ý để NH đầu tư vào DN đó.
Mặt khác, hiện nay các NHTM có thêm nhiều giải pháp tối ưu, nhất là khi Nghị quyết 42 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, cho phép Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) và các NHTM được thu hồi, bán tài sản đảm bảo (TSĐB) đối với các khoản nợ xấu. Đây được xem là phương án phù hợp và dễ thực thi hơn rất nhiều so với phương án hoán đổi nợ xấu thành vốn góp.
Có thể nói, việc thực hiện chuyển nợ thành vốn góp, có thể nhìn thấy thời gian qua điều đáng chú ý nhất của giải pháp này nằm ở giai đoạn hậu chuyển nợ sẽ như thế nào. Theo đó, không chỉ các NHTM nhỏ mà chính những NHTM lớn cũng có cái nhìn rất thận trọng. Ngoài ra, trong môi trường kinh doanh không mấy thuận lợi, việc “nối dài tay” ở lĩnh vực khác ngành cũng được các NH cân nhắc.
Trong mùa đại hội cổ đông của các NHTM năm nay, một thành viên HĐQT ngân hàng SCB chia sẻ, bản thân NH này đã tính đến một trong những giải pháp chuyển nợ thành vốn góp ở một số DN theo như Đề án 1058 trước kia. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có thông tin hướng dẫn thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp nên SCB cũng chưa có dự án cụ thể. Đồng thời, một số điểm xử lý nợ của Nghị quyết 42 có sức mạnh hơn nhiều so với giải pháp cũ nên SCB sẽ cân nhắc lựa chọn giải pháp mới thay thế giải pháp chuyển nợ thành vốn góp.
Một NHTM thực hiện khá tốt giải pháp chuyển nợ thành vốn góp là VietinBank khi đã cử người vào tham gia tại cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng… trong thời gian qua. Nhưng ở thời điểm này, không phải tất cả các cuộc tham gia của NH vào DN là đã thành công. Vị đại diện NH này cho rằng hoán đổi nợ xấu thành cổ phần tại các DN chỉ là giải pháp bất đắc dĩ trước đây của các NH để thu hồi nợ. Trong khi đó, các NH hiện chú trọng tìm nguồn tăng vốn thay vì đầu tư ra bên ngoài. Một điểm đáng chú ý nữa là việc kinh doanh ngày càng khó khăn, chính bản thân NH cũng không còn tin vào hoạt động của những DN có nợ xấu để đầu tư vào.
Các NH đã có kế hoạch thực hiện chuyển nợ tức là khoản nợ đó mất khả năng chi trả trong những năm vừa qua thì nay, nhiều NH bắt đầu hoãn kế hoạch, tìm giải pháp mới để không làm phật lòng cổ đông, cũng như nhà đầu tư.
Đồng thời, một lãnh đạo NH cho rằng có thể các NH chọn giải pháp hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư khác mua lại DN đang vướng nợ đó. Đơn cử, chủ đầu tư mới đó có thể sẽ vay tiền NH để mở rộng kinh doanh tại những DN họ vừa mua. Điều này tốt cho các bên vì nhà đầu tư khi đó vừa am hiểu kinh doanh ngành nghề, vừa có thêm tiền mới, họ sẽ tái cơ cấu DN hiệu quả giúp trả nợ NH nhanh hơn. Trong khi đó, NH không lo nợ xấu phát sinh vì kinh doanh đa ngành…
theo CafeLand