Tiền phạt chậm nộp thuế thấp hơn tiền lãi gửi ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã cố tình chậm nộp nhằm hưởng lợi từ khoản chênh lệch này. Tổng cục Thuế cho biết, số lượng doanh nghiệp (DN) cố tình nợ thuế với mục đích chiếm dụng tiền ngân sách đang diễn ra phổ biến và đang trở thành xu hướng.
Thông tin từ Tổng cục Thuế, tính đến 30/9/2018, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 25.382 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 60,9% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2017.
Trong số này, cơ quan thuế đã thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.079 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 8.303 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tiền nợ thuế, đặc biệt là nợ khó đòi tăng mạnh.
DN "đủng đỉnh" nộp thuế
Trước đó, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để bảo đảm thu số tiền nợ thuế mới phát sinh và giảm số thuế nợ đọng, hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ thuế được cấp có thẩm quyền đã giao, Tổng cục đã có công văn chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế.
Những con số nợ thuế trên khiến nhiều người không khỏi lo lắng bởi ngành thuế đã có nhiều biện pháp cứng rắn để chống nợ thuế, nhưng con số nợ vẫn không giảm mà còn có dấu hiệu tăng cao, trong đó có sự gia tăng các DN chậm nộp thuế.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tình trạng DN "gối đầu" nợ thuế đang trở thành xu hướng. Nghĩa là vẫn khai thuế theo quy định, tuy nhiên sau đó cố tình nợ thuế nhưng dưới 90 ngày để không bị cưỡng chế thuế và chấp nhận trả tiền phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày.
Theo quy định của Luật Thuế, tiền phạt chậm nộp dưới 90 ngày là 0,03%/ngày, nếu tính theo tháng thì số tiền phạt chậm nộp mỗi tháng chỉ ở mức 0,9% giá trị số thuế chậm nộp, tính ra một năm khoảng 10,8%.
Trong khi đó, lãi vay ngân hàng ở kỳ hạn 3 tháng khoảng 6,0%/ năm, chưa kể việc vay ngân hàng phải mất thời gian làm thủ tục.
Như vậy, so với lãi suất vay vốn của các ngân hàng, các DN sẽ chọn cách giữ lại tiền thuế đến khi hết hạn 3 tháng, cục thuế gửi công văn cưỡng chế thu thuế thì họ mới nộp ngân sách.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, thực tế từ khi mức phạt chậm nộp thuế được giảm xuống 0,03%/ngày như hiện nay, số lượng các DN cố tình nợ thuế dưới 90 ngày tăng lên đáng kể. Nhiều DN khi bị cưỡng chế nộp thuế đã "nói thẳng" là họ cố tình để lại tiền thuế thay vì phải đi vay vốn và chu kỳ này sẽ được họ lặp đi lặp lại do pháp luật cho phép.
Trong suốt năm 2017 mặc dù quyết liệt thu hồi nợ đọng nhưng ngành thuế các địa phương chỉ thu được gần 90% số thuế bị DN chậm nộp chuyển qua từ năm 2016.
Số tiền nợ thuế, đặc biệt là nợ khó đòi tăng mạnh
Cần nâng mức phạt
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết tháng 9/2018, tổng số tiền thuế nợ của 63 cục thuế là 82.961 tỷ đồng, tăng 9.817 tỷ đồng (tăng 13,4%) so với thời điểm cuối năm 2017.
Trong đó, nợ tiền thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày là 48.019 tỷ đồng (tăng 15,1% so với 31/12/2017); nợ không có khả năng thu hồi là 34.942 tỷ đồng (tăng 10,6%).
Tại Tp.HCM, trong thời gian qua có tình trạng nợ thuế gối đầu của các DN, tức là DN nợ quá hạn nhưng chưa đến mức 90 ngày để không bị cưỡng chế và chấp nhận trả tiền phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày.
Lãnh đạo Cục Thuế Tp.HCM cho biết, trong số các DN chậm nộp thuế có nhiều DN lớn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.
Các ngân hàng hiện đang siết chặt vốn vay đối với lĩnh vực bất động sản, một số DN trong lĩnh vực này sẵn sàng nợ thuế, chịu phạt để lấy vốn làm ăn.
Lý giải nguyên nhân khiến tình trạng chậm nộp thuế gia tăng, một số chuyên gia cho rằng, ngoài việc DN muốn chiếm dụng vốn còn có nguyên nhân nữa là chế tài xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị cần phải tăng nặng hình thức xử phạt DN cố tình chây ỳ nợ thuế. Ông Hiếu cho biết: "Ở nước ngoài, lãi phạt thuế cao, nên các DN sẽ phải cân nhắc rất nhiều. Hơn nữa việc tuân thủ thuế còn được đánh giá tín nhiệm nên DN cũng không dám làm như vậy".
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc cho rằng thực ra ngành thuế chưa thực sự quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng. Việc nợ thuế gối đầu đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng đến giữa tháng 3/2015, Tổng cục Thuế mới có văn bản hướng dẫn về biện pháp cưỡng chế đối với các DN nợ quá 90 ngày.
Điều này cho thấy "trọng tâm" thu hồi nợ đọng đến gần đây mới được ngành thuế quan tâm, còn trong suốt một giai đoạn dài trước đây hầu như "mạnh ai nấy làm" không được quy định, hướng dẫn một cách đầy đủ và thống nhất thành luật.
Hiện nay, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang lấy ý kiến vẫn giữ nguyên mức phạt chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu vẫn duy trì mức xử phạt này sẽ không làm giảm được số lượng DN chậm nộp thuế, thậm chí còn làm gia tăng số tiền chậm nộp thuế.
Mới đây, khi góp ý vào dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, theo quan điểm của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, Luật cần có sự cân nhắc về "tỷ lệ tính tiền chậm nộp" sao cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho DN có khó khăn; đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng nợ thuế gối đầu, nợ thuế kéo dài hiện nay.
"Nên chăng, Luật chỉ quy định một "khung" tỷ lệ tính tiền chậm nộp nhất định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức tính tiền chậm cụ thể tùy thuộc vào tình hình thực tế của nền kinh tế trong từng thời kỳ. Với tình hình hiện nay, nên quy định ở mức 0,04% ngày thì phù hợp hơn 0,03% để tránh bất cập nêu trên", Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa kiến nghị.
theo CafeLand