Cuộc khủng hoảng của tập đoàn Evergrande ảnh hưởng tới thị trường bất động sản Đông Nam Á như thế nào?

Alomuabannhadat - Cuộc khủng hoảng của tập đoàn bất động sản China Evergrande đang thu hút sự chú ý trên toàn cầu vì quy mô tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tương đương 2% GDP Trung Quốc.

Thị trường bất động sản Trung Quốc tăng nóng buộc các nhà chức trách phải đưa ra những biện pháp hạ nhiệt thị trường trong thời gian qua. Tháng 8 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra ba thước đo để cải thiện sức khỏe tài chính của các nhà phát triển bất động sản, gọi là “làn ranh đỏ”.

Evergrande và một số nhà phát triển khác đã không vượt qua được làn ranh, trong khi hơn 40 đơn vị đã vi phạm ít nhất một thước đó.

Tác động tới các dự án tại Đông Nam Á

Cuộc khủng hoảng mà tập đoàn bất động sản China Evergrande đang đối mặt có thể gây ra rắc rối đến sự phát triển của các công ty bất động sản Trung Quốc khác.

Mặc dù Evergrande không có dự án nào ở Đông Nam Á, nhưng một số nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khác bị chính quyền nước này đưa vào danh sách đen, đã mở rộng sang thị trường Đông Nam Á trong những năm gần đây.

China Fortune Land Development (CFLD), nhà phát triển lớn đầu tiên của Trung Quốc trở thành nạn nhân của chính sách “làn ranh đỏ” và vỡ nợ với tổng giá trị trái lên tới 3,6 tỷ USD cho đến thời điểm hiện tại của năm 2021. Công ty này đã tham gia vào nhiều dự án lớn tại Indonesia kể từ năm 2015.

Trong khi đó R&F Quảng Châu, có các dự án nhà ở tại Malaysia, bao gồm cả chung cư cao cấp Princess Cove ở Johor Bahru, đang chịu áp lực về nguồn vốn ngày càng tăng sau khi bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm và bắt đầu thanh lý tài sản vào năm ngoái để tăng tính thanh khoản.

Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh số, cũng nằm trong danh sách đen vì vi phạm một trong ba thước đo. Đơn vị này có 2 dự án ở Malaysia và 3 dự án ở Indonesia tính đến tháng 6/2020.

Tại Singapore, 4 trong số các nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc gồm Logan, QingJian, Kingsford và CSC Land Group đã đầu tư hơn 8 tỷ USD Singapore để đấu thầu đất, nhưng các công ty này chưa vi phạm bất kỳ thước đo nào trong “làn ranh đỏ”.

Rủi ro với các nhà cung cấp Đông Nam Á

Thị trường bất động sản Trung Quốc hạ nhiệt cũng sẽ ảnh hưởng đến thương mại và tăng trưởng kinh tế.

Các khoản phải trả thương mại và các khoản phải trả khác của tập đoàn China Evergrande đã tăng 15% so với tháng 12/2020, ghi nhận mức kỷ lục 951,1 tỷ nhân dân tệ vào tháng 8/2021. Ngoài ra, các nguồn tin cho biết họ đã chậm thanh toán cho các nhà cung cấp.

Sự suy thoái trong lĩnh vực nhà ở Trung Quốc có thể đè nặng áp lực lên các nhà sản xuất vật liệu xây dựng ở Đông Nam Á, cũng như các nhà sản xuất máy móc điện cung cấp cho những nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, qua đó gây rắc rối tới bậc tín dụng của họ.

Trung Quốc chiếm 25% nhu cầu về kim loại cũng như gỗ xuất khẩu và nhập khẩu của Indonesia; hơn 1/4 sản phẩm nhựa và cao su của Thái Lan. Ngoài ra, họ cũng nhập khẩu lần lượt 20% và 14% các lô hàng máy móc và điện của Việt Nam và Malaysia.

Nhu cầu giao thương suy yếu

Mối quan tâm khác là triển vọng tác động quá lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, sau sự suy thoái đáng kể trong lĩnh vực nhà ở và ảnh hưởng với các đối tác thương mại.

Thị trường bất động sản là lĩnh vực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, chiếm 29% nền kinh tế nước này. Các lĩnh vực gần với bất động sản như xây dựng và sản xuất máy móc thiết bị cũng có thể bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, sức tiêu dùng của các hộ gia đình có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu giá nhà giảm đột ngột, vì bất động sản chiếm 70% tài sản hộ gia đình.

Những điều kiện kinh tế vĩ mô yếu kém tại Trung Quốc có thể lan sang Đông Nam Á thông qua sự suy giảm về nhu cầu giao thương. Đông Nam Á trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020, vượt qua Liên minh châu Âu. Bất chấp việc giao thương hàng hóa toàn cầu bị ảnh hưởng do đại dịch, thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng 7% từ năm 2019, cán mốc 731,9 tỷ USD.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất