Alomuabannhadat - Chiều 07/11/2019, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi hội thảo quốc tế phản biện phát triển các cảng địa phương, với sự tham gia của khoảng 10 tổ chức, đơn vị tư vấn và hỗ trợ chính sách quốc tế.
Đây là động thái tích cực của địa phương vì đã chú ý lắng nghe và tiếp thu các ý kiến trái chiều về vấn đề xây dựng, củng cố lại hệ thống cảng biển Đà Nẵng.
Tuy nhiên, qua tám ý kiến phát biểu góp ý, thái độ chung của các nhà tư vấn là lưỡng lập, yêu cầu địa phương tiếp tục xem xét, thận trọng về cơ hội đầu tư các cảng biển tại chỗ, nhất là cảng công nghiệp Liên Chiểu.
Các ý kiến vẫn bảo vệ quan điểm Đà Nẵng không nên đánh mất vị thế cảng đầu tàu miền Trung, có chiều dày lịch sử phát triển và những lợi thế cạnh tranh nhất định.
Chưa đến mức đổi cũ lấy mới?
Một trong những luận điểm quan trọng được các nhà tư vấn đến từ Nhật và Hà Lan cho thấy, Đà Nẵng trong định hướng tiếp tục đầu tư kinh tế biển rất cần sự chọn lọc thỏa đáng để phát triển tốt hơn. Cảng biển Đà Nẵng đã có một lịch sử nhiều năm, nhưng cho đến nay có thể tiếp tục phát huy các thế mạnh của mình hay không. Hậu cần ủng hộ phía sau của cảng đã có gì thay đổi mới là điều nên cân nhắc vì sự ổn định dài lâu.
Các nhà tư vấn nhìn nhận, cho đến nay, năng lực khai thác cảng biển Tiên Sa vẫn ổn, chưa nảy sinh những mâu thuẫn đối kháng đến mức phải có ngay một cảng công nghiệp thay thế.
Nhược điểm của cảng Tiên Sa là đường giao thông không thông suốt, va chạm vào hành trình giao thông đô thị tại chỗ, rất yếu về đường sắt hàng hóa. Do đó, kiến nghị của nhà tư vấn Singapore phải là đầu tư cải tạo đường giải phóng hàng cho Tiên Sa.
Song, các nhà tư vấn châu Âu đặt câu hỏi, có nhất thiết phải đầu tư lớn về 1 nhu cầu thay đổi luồng tuyến hàng hóa hay không. Nếu năng lực và hiện trạng giải phóng hàng hóa của Tiên Sa vẫn không có vấn đề, thì hãy để yên cho cảng này phát triển tiếp từ 5 – 7 năm tới.
Nhà tư vấn Hà Lan lưu ý việc kết nối hậu cần cảng biển sẽ rất quan trọng với việc quyết định đầu tư cảng biển cho Đà Nẵng.
Trong khi đó, dự án cảng Liên Chiểu, được xác định là quyết tâm chính trị lớn của đội ngũ Đà Nẵng, cho đến nay vẫn chưa hội tụ đủ những điều kiện để triển khai. Đà Nẵng vẫn phải chờ quyết định hỗ trợ vốn từ Trung ương, lo tìm kiếm nhà đầu tư đủ lực để xã hội hóa hạ tầng cảng biển Liên Chiểu.
Hạ tầng cảng Liên Chiểu cũng nên được sắp xếp đầu tư như thế nào, để bảo đảm hiệu suất đồng vốn đầu tư tốt nhất, và không phải đối diện câu hỏi về nguy cơ tác động môi trường vịnh Đà Nẵng. Thực tế này đặt ra vấn đề, có nhất thiết phải triển khai ngay dự án cảng Liên Chiểu?
Quyền lợi cục bộ hay giá trị bền vững?
Bên lề những trao đổi hội thảo, một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đầu tư các cảng biển Đà Nẵng nên được xem xét kỹ hơn về các giá trị bền vững, chứ đừng vì quyền lợi cục bộ của địa phương.
Đây chính là cảm giác mà các nhà tư vấn đưa ra khi nêu các đề xuất cho Đà Nẵng. Có nhà tư vấn không ngại nói rằng cảng Liên Chiểu đã được đồng thuận từ ban đầu, cảng do chính địa phương khai thác nên sẽ tạo ra nguồn thu trực tiếp cho Đà Nẵng, khác với cảng Tiên Sa sẽ do Trung ương quản lý. Phải chăng đây là lý do khiến Đà Nẵng mặn mà với dự án cảng này?
Hơn nữa, trong lập luận của mình, chính quyền thành phố Đà Nẵng bày tỏ, việc đầu tư cảng biển Liên Chiểu sẽ mở rộng cơ hội kinh tế cho cả vùng tây bắc thành phố Đà Nẵng, liên kết từ các khu công nghệ cao đến vùng đệm phía tây Hòa Ninh (Hòa Vang). Nhưng nếu đặt Đà Nẵng trong quan hệ đầu tư kinh tế sản xuất, công nghiệp thì Đà Nẵng không còn là thành phố lợi thế về đầu tư công nghiệp cảng biển nữa.
Trong 10 năm qua, lợi thế kinh tế của Đà Nẵng chính là du lịch, dù nguồn thu từ lĩnh vực này không hề cao. Các nhà tư vấn đều cho rằng, kinh tế Đà Nẵng muốn ổn định nên đầu tư chiều sâu vào du lịch, tạo những điểm đến, điểm dừng có chất lượng dịch vụ cao.
Nếu đầu tư cảng biển Tiên Sa về góc cạnh du lịch, phát triển nhập khẩu hàng hóa thương mại phục vụ du lịch có giá trị cao, nhường lợi thế công nghiệp cho các cảng nước sâu trong khu vực như Chân Mây (Thừa Thiên Huế) hay Chu Lai (Quảng Nam), Đà Nẵng sẽ có cơ hội thay đổi tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, lợi thế cảng Liên Chiểu vẫn sẽ được xác lập khi địa phương tập trung đầu tư đúng công nghệ hiện đại và chuỗi hệ thống dịch vụ logistics để khai thác hàng hóa giá trị cao. Vì thế, việc nghiên cứu cơ hội ở cảng Liên Chiểu vẫn là bài toán Đà Nẵng nên tiếp tục xem xét.
theo CafeLand