Đằng sau dự án The Sapphire Residence tại Thành phố Hạ Long là ai?

Alomuabannhadat - Để tuân theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng mới, Đỗ Minh Phú buộc phải rời vị trí Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI hồi cuối năm 2017. Tuy nhiên, cũng vì thế mà chúng ta biết, DOJI Group không chỉ kinh doanh vàng và ông Phú không chỉ là “ông Trùm” vàng bạc, ông chủ Ngân hàng mà còn là “ông chủ” của một loạt các dự án bất động sản…

Để đáp ứng quy định cửa Luật Các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), đã quyết định thoái lui khỏi vị trí Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn DOJI để tập trung cho ngân hàng.

Ông Đỗ Minh Phú, nguyên Chủ tịch DOJI Group

Vẫn là công ty gia đình

Nhiều người cho rằng, đây là quyết định sáng suốt của ông Phú, vì vừa đáp ứng được yêu cầu của luật lại chẳng “mất gì” vì dù thế nào thì DOJI Group cũng vẫn là của gia đình ông và TPBank cũng vẫn là một trong số đó.

Ông Phú là người có công sáng lập và phát triển thương hiệu DOJI từ năm 2007 đến nay. DOJI Group là cái nôi ra đời những doanh nghiệp lớn, trong đó phải kể đến Công ty cổ phần Diana và Công ty cổ phần Artex Sài Gòn. Tính đến tháng 9/2017, DOJI Group đã có 34 cửa hàng bán lẻ vàng trang sức, là một trong những tập đoàn vàng bạc lớn nhất cả nước.

Được biết, DOJI Group vẫn là công ty gia đình với 100% vốn thuộc sở hữu của ông Phú và 2 người con. Hai người con của ông Phú là bà Đỗ Vũ Phương Anh hiện đang giữ chức Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc DOJI Group và ông Đỗ Minh Đức hiện đang giữ chức Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DOJI Group. Hai người con của ông Phú đều còn trẻ, bà Đỗ Vũ Phương Anh (SN 1980) và ông Đỗ Minh Đức (SN 1983) .

Bước đi khôn ngoan

Để đáp ứng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, ông Đỗ Minh Phú không chỉ rút lui khỏi vị trí Chủ tịch DOJI mà còn phải thoái vị trí chủ tịch của nhiều doanh nghiệp khác. Lúc này nhiều người mới biết, bấy lâu nay ông Phú không chỉ là một “ông trùm” vàng bạc đá quý mà còn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác.

Đầu năm 2012, sau khi thu về hơn 180 triệu USD từ thương vụ bán đi Diana Việt Nam, ông Phú và các bên liên quan đã mua lại gần 20% cổ phần của TPBank, tham gia tái cơ cấu, giải quyết khó khăn về tài chính của ngân hàng này. Đây là cơ duyên đưa ông Phú đến với ngành tài chính và trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng TPBank.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm 15/1/2018 khi quyết chọn TPBank, ông Đỗ Minh Phú đã chính thức không còn là Chủ tịch DOJI; Chủ tịch Công ty SJC Đà Nẵng; Chủ tịch HĐQT Công ty SJC Hà Nội; Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng, Đá quý Yên Bái; Chủ tịch CTCP đầu tư và thương mại Bông Sen Đỏ; Chủ tịch Công ty TNHH đầu tư bất động sản DOJI Land.

Tuy không còn là Chủ tịch DOJI và các công ty vàng bạc đá quý liên quan, nhưng ông Phú vẫn là Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam. Bản thân hiệp hội này từng có nhiều đề xuất quyết liệt lên Chính phủ yêu cầu bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đang cản đường các doanh nghiệp vàng và được tiếp thu.

Việc ông Phú chọn TPBank được coi là nước đi khôn ngoan, khi ông vừa đáp ứng được quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại vẫn quản được doanh nghiệp mà ông vốn làm chủ.

Nói “quản được” là bởi ngân hàng thì ông Phú chỉ nắm trên 16% cổ phần, lại có cơ cấu cổ đông khá phức tạp, cồng kềnh, buông ra khó quản, nhưng với những doanh nghiệp kiểu quản trị gia đình như DOJI và con của DOJI thì việc đứng vai trò “cố vấn” mà không cần ra mặt điều hành vẫn đơn giản hơn nhiều.

Không chỉ có thế, TPBank còn là “nguồn nhựa sống”, cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp nêu trên, nên ngân hàng vẫn là điểm mấu chốt của tất cả các chuỗi doanh nghiệp hoạt động nêu trên.

Nếu nhìn vào cấu trúc của DOJI Group có thể thấy một mối liên hệ chặt chẽ giữa chuỗi doanh nghiệp và ngân hàng của ông Phú.

Cơ cấu tổ chức DOJI Group

DOJI Group có các công ty liên kết góp vốn là TPBank, Công ty đầu tư và khoáng sản Yên Bái, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển N&G, Công ty cổ phần Diana, Công ty cổ phần phát triển bất động sản DPV.

Các công ty thành viên của DOJI là SJC Hà Nội và Đà Nẵng; Công ty vàng bạc đá quý Yên Bái; Công ty TNHH đầu tư thương mại DOJI; Công ty cổ phần ARTEX Sài Gòn; Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hà An; Công ty đầu tư bất động sản DOJI Land.

Hiện nay, việc các doanh nghiệp vàng vay vốn ngân hàng để kinh doanh bị vướng quy định tại Thông tư 33 vì là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, Thông tư 33 quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng; trong đó các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc NHNN.

Thực tế cho thấy, chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Có thể để “lách” quy định không được vay vốn từ ngân hàng nên TPBank đã trở thành công ty liên kết góp vốn của DOJI hoặc ngược lại.

Nhiều lần Hiệp hội vàng trong đó ông Phú là Phó chủ tịch Hiệp hội đã có công văn xin bãi bỏ điều kiện kinh doanh này và mở cho doanh nghiệp kinh doanh vàng được huy động vàng trả lãi, song chưa được NHNN chấp thuận.

Lấn sân bất động sản

DOJI Land được “khai sinh” bởi DOJI từ tháng 12/2014 với lĩnh vực kinh doanh là bất động sản.

Hiện DOJI Land đang đầu tư các dự án nổi bật như: The Sapphire Residence tại thành phố Hạ Long. Dự án này có tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 160.000m2, gồm 2 tầng hầm và 31 tầng nổi, nằm trong quần thể dự án bậc nhất Hạ Long với tổng diện tích đất 4,7 hecta.

Dự án xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, huyện Phú Xuyên (Hanssip) với tổng mức đầu tư lên tới trên 21.000 tỉ đồng.

DOJI Land cũng có các dự án khách sạn tại trung tâm thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc và Nghệ An; dự án căn hộ cho thuê tại khu vực phía Tây thành phố (Mỹ Đình, Hà Đông) và khu vực phía Đông thành phố; dự án đầu tư khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên tại thành phố Vĩnh Yên và huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích 65,6 ha; và dự án Khu du lịch nước khoáng nóng Giang Sơn, xã Giang Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Hiện nay, Tập đoàn DOJI đang sở hữu nhiều khu đất đắc địa tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM. Tại Hà Nội, DOJI là chủ đầu tư và sở hữu tòa nhà Ruby Plaza (số 44 Lê Ngọc Hân, Hai Bà Trưng, Hà Nội), còn tại TP.HCM, DOJI sở hữu tòa nhà Opera View nằm ngay trung tâm, với 3.208 m2 dành cho văn phòng và là trung tâm bán lẻ.

Trong phần giới thiệu về DOJI Land có tựa lời của ông Phú rằng: “Triết lý kinh doanh của tôi được đúc rút trong 3 chữ "Tự". Tự lực cánh sinh để chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh và đi lên bằng khả năng của mình. Tự trọng để giữ uy tín trong làm ăn. Tự tôn để không chấp nhận thua kém, không dễ dãi, bằng lòng với thành công và những thứ đang có”.

theo CafeLand

  • Facebook
  • Chia sẻ

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@alomuabannhadat.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Đọc thêm

Có nên mua bán, chuyển nhượng bất động sản trả chậm, trả dần
Những quy định về đấu giá bất động sản mới nhất
Điều kiện thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản
Các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Kinh nghiệm pháp lý liên quan đến hợp đồng thuê văn phòng
Pháp lý về quyền sở hữu và thực thi chuyển giao quyền sở hữu
Hợp đồng chuyển nhượng đất đai và quyền sử dụng đất đai
Thông tin quan trọng cần lưu ý về hợp đồng mua bán nhà đất
Những điều cần biết về hợp đồng thuê đất 2022
Lưu ý về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất