Alomuabannhadat - Nhu cầu mua vào cuối năm tăng đẩy giá vàng tăng mạnh; USD vẫn đang giữ ở mức cao; FED có thể tăng lãi suất chậm lại trong năm 2019... là những thông tin đáng chú ý trong sáng nay.
FED có thể tăng lãi suất chậm lại trong năm 2019. Tăng trưởng suy yếu, chiến tranh thương mại, lạm phát "ảm đạm" và bối cảnh địa chính trị ngày càng khó lường đồng nghĩa với việc FED có thể sẽ có kế hoạch tăng lãi suất chậm lại hoặc thậm chí là chấm dứt chu kỳ thắt chặt hiện tại và thay vào đó sẽ "án binh bất động" cho đến khi bức tranh kinh tế trở nên rõ ràng hơn.
Gần đây, các chuyên gia kinh tế đã bắt đầu hạ dự đoán về số đợt tăng lãi suất mà FED sẽ thực hiện trong năm 2019 từ 4 đợt như trước đây xuống còn từ 1 đến 2 đợt. Bản thân các quan chức FED hồi tháng 9/2018 đã dự đoán sẽ có 3 đợt tăng lãi suất nhưng điều này có thể cũng sẽ được điều chỉnh trong dự báo mới dự kiến được công bố vào ngày 19/12 tới.
Giá vàng thế giới tăng mạnh do nhu cầu mua vào cuối năm tăng, hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 1.239 USD/ounce.
Chốt phiên giao dịch tuần qua, giá vàng miếng tại tập đoàn Doji giao dịch ở mức 36,29 - 36,39 triệu đồng/lượng. So với mở phiên đầu tuần, giảm 110.000 đồng/lượng. Vàng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở mức 36,19 – 36,35 triệu đồng/lượng, Hà Nội ở mức 36,19 – 36,37 triệu đồng/lượng.
Đồng USD tăng giá mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2017. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD trên thị trường quốc tế so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng lên mức 97,70.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 22.778 đồng (tăng 5 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.700 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.406 đồng (giảm 2 đồng). Một số ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ hôm nay không đổi so với cuối phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.240 đồng (mua) và 23.330 đồng (bán).
Hạn chế trong quy hoạch bến xe Hà Nội.Cơ quan quản lý Nhà nước cũng như nhiều chuyên gia giao thông đều cho rằng, quy hoạch bến xe mà Hà Nội xây dựng còn nhiều hạn chế, khó đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, 4 bến xe gồm: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm sẽ dừng hoạt động. Thay vào đó, Hà Nội sẽ đầu tư 7 bến xe khác ở khu vực ngoại thành. Điều đó có nghĩa để ra được bến xe, người dân ở khu vực trung Hà Nội sẽ phải đi quãng đường xa, thậm chí gấp 2 lần so với hiện nay. Chính vì thế, Bộ Giao thông Vận tải, nhiều chuyên gia giao thông đã góp ý về việc không nên đưa toàn bộ bến xe ra khỏi vành đai 4.
theo CafeLand