Alomuabannhadat – Mặc dù chịu nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu, nhưng nhiều chuyên gia và doanh nghiệp thép cho rằng thị trường thép Việt Nam ít bị ảnh hưởng, vẫn lạc quan trong nửa cuối năm 2019.
Bị kiện tứ phía
Thép là một trong những ngành sản xuất đối mặt với nhiều vụ kiện nhất khi xuất khẩu. Đỉnh điểm là năm 2018, có lúc chỉ trong một tháng, doanh nghiệp thép Việt Nam phải đối mặt với tám vụ kiện phòng vệ, chống bán phá giá đến từ bảy thị trường khác nhau.
Số liệu thống kê cho thấy, đến nay ngành thép đã phải đối diện với 47 cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, chiếm tới 1/3 tổng số các vụ việc điều tra chống bán phá giá với hàng Việt Nam, riêng trong năm 2018 có 13 vụ. Từ đầu năm 2019 đến nay có ba vụ điều tra mới đối với Việt Nam, trong đó có hai vụ Ấn Độ điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng mạ kẽm và thép cuộn không gỉ và một vụ Indonesia điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim.
Đầu tháng 7/2019, doanh nghiệp ngành thép Việt Nam bị giáng thêm một đòn nặng khi Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) cho biết sẽ bắt đầu thu khoản thuế lên tới 456,23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam với nguyên liệu sử dụng được nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Đây được xem là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay Mỹ dành cho sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Mỹ đã khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018 khi thấy sản lượng thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam xuất sang Mỹ tăng vọt, lần lượt đạt khoảng 332% và 916,4% so với năm trước. Đáng chú ý, sự tăng đột biến này diễn ra sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm thép tương tự của Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo Bộ Công thương, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế với nguyên liệu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Như vậy, nếu thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mà không sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ không bị áp thuế.
Không chịu nhiều tác động
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây là động thái mạnh từ phía Mỹ khi họ nghi ngờ các sản phẩm thép nhập khẩu nhưng chưa rõ nguồn gốc nguyên liệu. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng, khi Mỹ áp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của Trung Quốc sẽ rất dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp Trung Quốc thuê gia công sản phẩm tại nước thứ ba để xuất khẩu với mục đích lẩn tránh thuế.
Nói về hành vi lẩn tránh thuế này, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho hay phần lớn nằm ở một số doanh nghiệp FDI lấy nguyên liệu thép cán nóng nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan... rồi gia công thành sản phẩm và bán sang Mỹ. Doanh nghiệp thép Việt Nam đã "biết điều này nên có sự chuẩn bị từ năm ngoái". Theo ông, nếu doanh nghiệp sử dụng thép cán nóng trong nước, hoặc nước không bị Mỹ đánh thuế thì vẫn bán được sản phẩm sang Mỹ.
Tính từ đầu năm đến nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu được hơn 63.000 tấn, dự báo cả năm doanh thu đạt trên 60 triệu USD. Theo đại diện công ty, việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ không chịu nhiều ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp bởi công ty chủ động được nguồn nguyên liệu, không sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hay Đài Loan.
Chủ động được nguồn cung giúp các doanh nghiệp thép ít bị tác động khi bị áp thuế
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện tỷ trọng nhập khẩu thép cán nóng từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là khoảng 15%/nước. Do đó, việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp sẽ không có tác động nhiều tới các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
VSA cũng cho biết thêm, việc đánh thuế tương tự đã từng được Mỹ thực hiện trước đây, nhưng Việt Nam cũng chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn, bởi nguồn thép cán nóng đã được Formosa Hà Tĩnh sản xuất để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu).
Nhà máy của Formosa đã đưa vào hoạt động và đã sản xuất 3,4 triệu tấn thép cán nóng trong năm 2018. Trong năm 2019, Formosa dự kiến sản xuất 4,5 triệu tấn. Sắp tới đây khi nhà máy Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ đáp ứng được khoảng 70-80% nguyên liệu thép cán nóng cho thị trường trong nước.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Trong đó, lưu ý các bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát xuất xứ của hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tránh gian lận xuất xứ.
Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, phân công lại và siết chặt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp thận trọng mở rộng đầu tư sản xuất thép do nguồn cung trên thế giới có hiện tượng dư thừa, chưa kể nhiều nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng này.
Hơn nữa, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết sẽ là chìa khóa để ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực châu Âu.
theo CafeLand