Thời gian qua, dòng kiều hối về Việt Nam không bị tác động bởi chênh lệch lãi suất đồng USD tại Việt Nam và quốc tế cũng như chính sách lãi suất USD của Ngân hàng Nhà nước.
Điều này cũng trái với nhận định của các chuyên gia và đơn vị dự báo kinh tế – xã hội về những tác động bên ngoài như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, chính sách siết nhập cư của Mỹ và chính sách mậu dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump…
Nguồn kiều hối về Việt Nam vẫn tăng trong 10 tháng đầu năm 2018. Tính riêng Tp.HCM đạt 3,8 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 2,9 tỷ USD vào cuối tháng 7.
Lượng kiều hối ngày càng tăng
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đánh giá, từ năm 2006 đến năm 2017, kiều hối chảy về Việt Nam chiếm 6-8% GDP mỗi năm, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chiếm 1-2% GDP).
Kiều hối đã góp phần hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, làm tăng dự trữ ngoại hối và cân đối cán cân vãng lai của đất nước.
Hiện nay, lượng kiều hối từ người Việt đang định cư ở các nước như Mỹ, Canada, Đức và Pháp gửi về nước đang đóng góp tới 80-90% tổng kiều hối.
Tỷ lệ kiều hối từ lao động xuất khẩu gửi về nước hiện chiếm một lượng nhỏ (6-7%) tổng lượng kiều hối. Tuy nhiên, UNDP đánh giá, thời gian tới, tỷ lệ đóng góp của khu vực này sẽ tăng theo đà gia tăng nhanh của xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tp.HCM, cho biết đến cuối năm 2016, kiều hối gửi về Tp.HCM chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam. Trong đó, 70% được chuyển sang hoạt động kinh doanh và 20% cho bất động sản.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 13,81 tỷ USD, cao nhất từ trước đến thời điểm đó và tăng 1,9 tỷ USD, tương ứng 16% so với năm 2016.
Cho đến gần cuối năm 2018, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam vẫn tăng bất chấp những tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài.
Với tình hình hiện nay và dự báo tăng trong mùa cao điểm cuối năm, kiều hối về Tp.HCM khả năng đạt trên 5,2 tỷ USD trong năm 2018.
Kiều hối chảy về Việt Nam chiếm 6-8% GDP mỗi năm
Môi trường hấp dẫn
Ngay từ đầu năm 2018, rất nhiều chuyên gia đã dự đoán lượng kiều hối sẽ bị tác động bởi chính sách nhập cư của Mỹ, chính sách mậu dịch của Tổng thống Donald Trump, cùng với đó là việc Fed nâng lãi suất.
Trên thực tế, trong 11 tháng năm 2018, Fed đã có 3 lần nâng lãi suất lên mức 2%- 2,25% đã làm tăng áp lực tỷ giá tới VND và là một trong những nguyên nhân khiến NHNN vẫn duy trì chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% (áp dụng từ 18/12/2015) nhằm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong nước.
Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia kinh tế, tài chính và doanh nghiệp đã đề xuất nên tăng lãi suất huy động USD tại các ngân hàng thương mại để tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân trở lại hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng đem ngoại tệ gửi ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, những biện pháp giới hạn lại nhập khẩu của các nước vào thị trường Mỹ cũng đã được thể hiện qua việc Mỹ áp dụng chính sách tăng thuế nhập khẩu đối với hàng trăm mặt hàng từ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa nhập khẩu ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, Việt kiều sẽ phải chi tiêu nhiều hơn, ít "dư dật" để gửi USD về cho thân nhân…
Từ những phân tích trên, một số chuyên gia nhận định, nếu lạc quan, kiều hối từ Mỹ về Việt Nam có thể giữ mức ổn định, cũng không loại trừ khả năng có thể có tác động ngược lại làm giảm kiều hối.
Tuy nhiên, trên thực tế, những yếu tố trên đã không thể "cản đường" kiều hối trở về Việt Nam. Đại diện Vụ Ngoại hối (NHNN) cho biết hiện nay, kiều hối chuyển về nước không chỉ nhằm hỗ trợ thân nhân, gia đình, mà phần lớn để đầu tư.
Bên cạnh đó, chính sách lãi suất 0% đã có nhiều tác động tốt, tạo nền tảng ổn định cho VND. Đó là một trong những lý do khiến nhiều người không có ý định cất giữ ngoại tệ mà đã đổi từ USD ra VND để gửi tiết kiệm nhằm hưởng lãi suất.
"Gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 6 – 13 tháng với mức lãi suất khoảng 7 – 8%/năm, cộng thêm cả biến động tỷ giá, các biến số đó tích hợp lại có thể thấy ngay nguồn kiều hối USD chỉ riêng gửi tiết kiệm VND không thôi đã có lãi lớn", đại diện Vụ Ngoại hối nói.
Ngoài ra, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, sự linh hoạt của điều hành chính sách tiền tệ và cơ chế tỷ giá mới cũng tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn kiều hối chuyển về nước ngày càng tăng hơn.
theo CafeLand