Chỉ với hơn 2 tháng thực hiện công tác thanh tra Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku, tỉnh Gia lai và Dự án tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk do Bộ GTVT quyết định đầu tư, đoàn thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện nhiều điểm bất thường.
Dự án tuyến tránh đô thị Pleiku tỉnh Gia Lai thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh được được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 23-2-2016 và quyết định đầu tư ngày 28-4-2016.
Theo đó, dự án phải hoàn thành trong năm 2017 vì lý do dự án cấp bách, nhưng trên thực tế việc triển khai thực hiện còn chậm. Tính đến tháng 10-2017 tức gần hết thời gian thực hiện dự án, tổng giá trị khối lượng xây lắp mới đạt khoảng 7% trong khi đó vốn đầu tư được bố trí đủ 844,583 tỷ đồng đạt 100% tổng mức đầu tư (vốn trái phiếu chính phủ).
Đoàn thanh tra cũng chỉ ra rằng, phân kỳ đầu tư chưa phù hợp về thời gian thực hiện bởi từ năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết dường Hồ Chí Minh là sau năm 2020 mới từng bước xây dựng các đoạn tuyến cao tốc qua Tây Nguyên (Kom Tum-Gia Lai). Việc phân kỳ đầu tư giai đoạn này căn cứ vào khả năng bố trí nguồn vốn, lưu lượng xe và hiệu quả dự án.
Như vậy theo quy hoạch được phê duyệt thì việc đầu tư này là chưa phù hợp về thời gian thực hiện. Chưa dừng lại, Đoàn thanh tra chỉ rõ: Thuyết minh về sự cần thiết để được đầu tư dự án là do phương tiện giao thông trên QL14 tăng nhanh, gây ùn tắc vào giờ cao điểm, điều kiện địa hình nhiều đồi dốc tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Tuy nhiên, Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan không có hồ sơ tài liệu chứng minh cho việc cấp bách phải đầu tư ngay trên tuyến đường.
Thực tế, Dự án đã được bố trí đủ vốn nhưng quá trình chuẩn bị và thực hiện rất chậm, tính đến tháng 10-2017 tổng giá trị khối lượng xây lắp mới đạt khoảng 7% một số đoạn chưa giải phóng được mặt bằng. Qua đó, không thấy sự cấp bách của dự án như việc địa phương báo cáo.
Ngoài vấn đề trên, kết luận Thanh tra cũng chỉ rõ: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án-lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán còn sai sót chưa phù hợp làm tăng chi phí đầu tư.
Cụ thể, kết quả thí nghiệm xác định chỉ tiêu cơ lý của mẫu đất nguyên dạng là 9 chỉ tiêu thông thường và mẫu nguyên dạng là 7 chỉ tiêu thông thường. Tuy nhiên, đơn giá nhân công và máy không nhân với hệ số 0,55 (với mẫu nguyên dạng) và hệ số 0,3 (mẫu không nguyên dạng) đã làm tăng giá trị dự toán khảo sát 351 triệu đồng.
Đồng thời, trong công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, tổ chuyên gia của dự án cũng “mạnh dạn” đánh giá Liên danh nhà thầu gồm Công ty Kinh doanh HXK Quang Đức (Gia Lai), Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam (Đắk Lắk), Công ty TNHH An Nguyên (Đắk Lắk) và Công ty CP đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu 168 Việt Nam đạt yêu cầu và trúng thầu trong khi chưa làm rõ việc đáp ứng về hợp đồng tương tự như Công ty Quang Đức kê khai trong phụ lục hợp đồng và biên quản quyết toán A-B với giá trị là 240 tỷ đồng nhưng lại chưa có hoá đơn tài chính kèm theo.
Ngay cả bản thân Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Gia Lai là đơn vị thuộc UBND tỉnh được chỉ định thầu gói thầu Quản lý dự án nhưng cũng chưa đáp ứng được hồ sơ yêu cầu như chưa có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có tài liệu chứng minh năng lực tài chính...
Đáng chú ý hơn nữa là, trong quá trình triển khai dự án, giá nhựa đường để sản xuất bê tông nhựa được cấu thành gồm giá nhựa đường theo Thông báo giá của Petrolimex có giá là 8.900đ/kg, được chỉ định lại lấy ở vị trí xa hơn 199km để đưa vào dự toán.
Ngoài ra, hồ sơ để xuất của nhà thầu xác định lấy nhựa đường cảng Quy Nhơn nhưng cự ly vận chuyển vẫn xác định là 365km (tại cảng Thọ Quang) đã làm tăng giá trị dự toán, giá trị hợp đồng hơn lên 3,7 tỷ đồng. Hay như theo phê duyệt dự toán thừa một số khối lượng làm tăng 3,65 tỷ đồng.
Thậm chí số tiền “chênh” còn được thể hiện ở việc tính sai định mức khi chuyển đổi đơn vị m2 sang m³ (vữa dày 3cm lấy hệ số là 33,33 nhưng khi lập dự toán tính hệ số là 50-vữa dày 2cm) làm tăng giá trị dự toán xây lắp thêm 1,4 tỷ đồng...
Ngoài các vấn đề trên, thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng phát hiện thêm hàng loạt sai sót trong công tác lựa chọn nhà thầu, bồi dưỡng giải phóng mặt bằng; nghiệm thu chưa đúng thực tế thi công; tiến độ thực hiện dự án chậm trong khi vốn được cấp đầy đủ; sử dụng vốn đầu tư chưa hiệu quả.
Đặc biệt, đoàn thanh tra cũng phát hiện sai sót về kinh tế là hơn 6,5 tỷ đồng. “Trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, vi phạm thuộc về Bộ GTVT, các đơn vị tư vấn, Sở GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan”, thanh tra Bộ Kế hoạch đầu tư chỉ rõ.
Trước những sai sót trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Trung kiến nghị Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra những sai sót, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra.
Chỉ đạo Chủ đầu tư, Tư vấn thiết kế-dự toán xem xét tính toán lại các chi phí bất hợp lý nêu trong báo cáo kết quả thanh tra để điều chỉnh dự toán điều chỉnh giá trị hợp đồng và làm cơ sở để nghiệm thu, thanh toán.
Bên cạnh đó, Chủ đầu tư phải tổ chức kiểm điểm, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những sai sót, vi phạm; rà soát tính toán trình phê duyệt lại dự toán, bổ sung điều chỉnh giá trị hợp đồng; nghiệm thu thanh toán đúng thực tế thi công và quy định pháp luật; có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án.
Đặc biệt, thực hiện xử lý về kinh tế hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó thu hồi về ngân sách nhà nước 351 triệu đồng; giảm trừ giá trị dự toán hơn 6,2 tỷ đồng. Kết quả thực hiện kết luận thanh tra gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15-8-2018.
theo CafeLand