Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội nhận định, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Có thể kể đến các dự án khởi công mới có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục giai đoạn 1...
Mỗi mét đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục tốn 3.5 tỷ đồng
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo kết quả khảo sát kế hoạch thực hiện và giải ngân Kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2018 – 2019.
Theo đó, qua khảo sát cho thấy, hết tháng 5/2019, tỷ lệ giải ngân toàn thành phố mới đạt 13,2%. Đến hết 21/6/2019, toàn thành phố giải ngân đạt 31% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019, trong đó chi xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố là 15,2%, cấp huyện là 22,4%, cấp xã phường là 74%; giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 kéo dài mới đạt 10%, thấp nhất trong các năm trở lại đây. Mới có 23/126 dự án mới trong kế hoạch năm 2019 được khởi công.
Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội chỉ ra, việc giao kế hoạch vốn cho một số dự án còn chưa phù hợp. Số vốn giao nhiều hơn khả năng thực hiện trên thực tế, do áp lực của yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án theo ý chí chủ quan), hoặc giao kế hoạch chậm, hoặc giao kế hoạch từ nguồn thu từ đất trong khi tiền thu tực tế được chậm hoặc không thu được như dự kiến, khiến dự án không có vốn để triển khai trong khi số kế hoạch này vẫn được dùng để tính tỷ lệ giải ngân.
Việc triển khai thủ tục đầu tư còn chậm, nhất là công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán, lập và duyệt thiết kế PCCC đối với các công trình dân dụng, đặc biệt là các dự án xây dựng trường học theo chủ trương nâng cao số tầng để tăng thêm phòng học.
Một số dự án phải thực hiện điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy mô thiết kế nên phải thực hiện lại nhiều thủ tục đầu tư. Một số dự án chỉnh trang hè phố phải điều chỉnh lại theo thiết kế mẫu điển hình do Sở Xây dựng ban hành theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Việc thống nhất biện pháp thi công, lập phương án đấu nối hạ tầng xung quanh theo quy hoạch, thiết kế theo quy chuẩn của một số dự án còn chậm, phải thực hiện nhiều vòng với sự tham gia của nhiều đơn vị. Ví dụ như dự án nạo vét bùn Hồ Tây; Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải phóng (QL1A cũ), quận Hoàng Mai; Dự án xây dựng trụ sở cảnh sát PCCC và Trụ sở làm việc công an phường một số địa bàn...
Khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có cả dự án khởi công mới có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục giai đoạn 1; Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 419 trên địa bàn huyện Chương Mỹ... hay dự án chuyển tiếp như cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn văn Điển – Ngọc Hồi (Km185 – 189); xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây; Xây dựng đường Liễu Giai- Núi Trúc (đoạn Vạn Bảo đến nút Núi Trúc giai đoạn 2...
“Hiện có khoảng 30 dự án vướng và chậm giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm hoặc không giải ngân được số kế hoạch vốn được giao khoảng 2.500 tỷ đồng như dự án đường vành đai 1 khoảng 1.300 tỷ đồng, khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn khoảng 182 tỷ đồng,...”, báo cáo nhận định.
theo CafeLand