Hơn 3,5 năm thi công chưa xong 18 km đường là thực tế đang diễn ra tại Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Đến nay, 45 hộ dân ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chưa chịu nhận tiền bồi thường dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A hoặc đã nhận tiền đền bù nhưng tái lấn chiếm. Trong đó hơn một nửa số trường hợp ở xã Bình Hiệp. Lý do mà các hộ dân đưa ra là giá bồi thường thấp.
Ông Nguyễn Văn Luận, ở thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp cho biết, khu đất gia đình ông đang ở có nguồn gốc từ trước năm 1958 do ông bà để lại. Qua 3 lần mở rộng Quốc lộ 1A, nhà nước thu hồi của gia đình ông 157m2. Riêng dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A hiện đang triển khai đã thu hồi của gia đình ông 107m2. Với mức giá đền bù 500.000 đồng/m2, dự án này bồi thường cho gia đình ông Luận hơn 53 triệu đồng.
Gia đình ông không chịu nhận tiền vì cho rằng, mức giá đền bù quá thấp so với giá trị trường; đồng thời yêu cầu địa phương bố trí 1 lô đất tái định cư nhưng không được chấp thuận.
Việc người dân cản trở khiến một số đoạn chưa thể thi công.
Ông Nguyễn Văn Luận so sánh, với mức giá đền bù đất ở phía Bắc cầu Cháy, chỉ cách nhà ông 28m nhưng được nhận tiền cao hơn nhiều lần: “Bất hợp lý giữa ngoài đầu cầu và trong đầu cầu. Thứ 2, Nhà nước đã thu hồi đất các dự án thì nên có quyết định thu hồi đất. Tôi thấy vấn đề áp giá đền bù cho dân không công khai, minh bạch, không có 1 văn bản, quyết định nào đàng hoàng cả. Nếu niêm yết đàng hoàng, đưa ra xã, huyện ký, chúng tôi nhận tiền liền. Nhưng ở đây rất mập mờ, có người nhiều, người ít”.
Chưa có mặt bằng sạch để nhà thầu thi công khiến công trình kéo dài từ năm này sang năm khác. Tại hiện trường, nhiều thiết bị, máy móc được các đơn vị điều đến công trình phải nằm chờ. Đoạn đường đang thi công nham nhở, giăng dây, cắm biển báo loạn xạ. Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường 18 km trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc- Nam.
Máy móc huy động đến công trình đành phơi mình nằm chờ.
Ông Phún Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 545, đơn vị thi công gói thầu số 20, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tháng 9/2016, Công ty ký hợp đồng thi công gói thầu này. Tiến độ đặt ra trong vòng 9,5 tháng là phải hoàn thành 6 km đường, nhưng đến nay đã hơn 3 năm vẫn chưa thi công xong. Trên đoạn tuyến của gói thầu này hiện còn 5 điểm vướng mặt bằng trong phạm vi 500m.
“Từ khi triển khai và qua trình nhiều lần gia hạn, đến cuối năm 2018 là tắc nghẽn mặt bằng. Đơn vị chấp nhận rút hầu hết tất cả các thiết bị sang thi công công trình khác. Đến đầu tháng 9 năm nay, có được mặt bằng nhờ bảo vệ thi công 2 hộ, đơn vị lại tập kết thiết bị để triển khai. Đơn vị đã thi công trong vòng 15 ngày, sau đó lại tiếp tục vướng lại rút hết quân về lại”, ông Phún Hữu Tuấn nói.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư của dự án là hơn 730 tỉ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án riêng, được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt và giao cho Sở Giao thông Vận tải tỉnh này làm chủ đầu tư.
Nhiều hộ gia đình chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Toàn tuyến có hơn 1.500 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, tổng chiều dài phải giải phóng mặt bằng dọc 2 bên tuyến hơn 24km. Đến nay, địa phương đã chi trả tiền bồi thường cho gần 1.500 hộ theo phương án được duyệt, còn lại 24 hộ chưa nhận tiền bồi thường.
Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã ban hành 32 quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với các gia đình cá nhân. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng đoạn từ phía Nam cầu Cháy đến giáp xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh. Các hộ dân cho rằng, giá bồi thường đất mặt tiền Quốc lộ 1A quá thấp so với thị trường (hiện giá đất khu vực này là 500.000 đồng/m2, trong khi đó, bên phía Bắc cầu Cháy có giá 1.320.000 đồng/m2).
“Ngày xưa đơn giá đất ở đây phù hợp, nhưng từ ngày có Khu công nghiệp VSIP thì giá giao dịch đất ngoài thị trường có tăng trong khi Nhà nước không có điều chỉnh, giá đất ổn định toàn tuyến. Chúng tôi cũng đã làm văn bản gửi UBND tỉnh nhưng UBND tỉnh có công văn trả lời giữ nguyên giá đất đền bù vì áp dụng cho toàn tuyến, không điều chỉnh cục bộ được. Mà cái vướng đó thì người dân không đồng tình, khi không đồng tình thì họ không nhận tiền đền bù, không bàn giao mặt bằng”, ông Đỗ Thiết Khiêm cho hay.
theo CafeLand